Phát triển nuôi trồng, khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học ven biển là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phú Yên đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế, đồng thời xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn lợi, bảo tồn đa dạng sinh học ven biển.
Nguy cơ suy thoái hệ sinh thái biển
Phú Yên có chiều dài bờ biển gần 190km với nhiều đảo, vũng vịnh kín, là nơi phát triển của các hệ sinh thái biển, cung cấp nguồn lợi thủy sản cho vùng biển ven bờ. Hệ động thực vật vùng đất ngập nước và vùng biển ven bờ ở Phú Yên rất đa dạng, phong phú với nhiều loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Khu vực này đóng vai trò quan trọng đối với sinh kế của cư dân ven biển, cung cấp ngư trường và mặt nước cho hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, là tiềm năng phục vụ du lịch sinh thái, góp phần điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, thời gian qua, vùng đất ven biển và vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh chịu nhiều tác động như việc khai thác bất hợp lý tài nguyên ven biển gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ. Nhiều hệ sinh thái biển như san hô, cỏ biển… bị khai thác hoặc phá hủy do các hoạt động neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều vùng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tại các đầm, vịnh đang ở mức báo động. Chất thải từ các hoạt động sản xuất, dân sinh và du lịch không được thu gom, xử lý kịp thời đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường ven biển.
Ngư dân Phan Minh Tưởng ở thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn (huyện Tuy An) cho biết: Gia đình tôi từ bao đời nay chuyên làm nghề mành tôm, hiện nay chủ yếu khai thác tôm hùm giống. Vùng biển ở khu vực Hòn Chùa hàng năm đều xuất hiện một lượng lớn tôm hùm giống nên nghề này rất phát triển, riêng thôn Mỹ Quang Nam có khoảng 50 hộ làm nghề. Ngoài khai thác, ngư dân địa phương còn tham gia bảo vệ nguồn lợi bằng cách khai thác theo mùa, không sử dụng ngư cụ mang tính hủy diệt. Tuy nhiên, nghề mành tôm hùm giống cũng rất bấp bênh, nếu trúng thì mỗi đêm khai thác được vài trăm con kiếm vài chục triệu đồng, còn không thì đi về tay không.
Theo ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), đến thời điểm hiện tại, các nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng các phương tiện đánh bắt nhỏ vẫn còn, đặc biệt ở TX Sông Cầu và huyện Tuy An. Các nghề khai thác thủy sản ven bờ được kế thừa theo kiểu cha truyền con nối. Trong khi đó, trình độ ngư dân ven biển còn hạn chế, vốn làm ăn không nhiều nên việc đầu tư, tổ chức khai thác hải sản xa bờ gặp khó khăn. Chính vì tập trung khai thác ven bờ nên nguồn lợi thủy sản gần bờ bị cạn kiệt, thu nhập của ngư dân thấp và không ổn định. Mặt khác, nhiều địa phương ven biển phát triển ồ ạt số lượng lồng bè nuôi thủy sản, khiến nhiều vùng biển ven bờ ngày càng ô nhiễm.
Tăng cường giải pháp bảo tồn
Thời gian qua, Phú Yên có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn thiên nhiên, nhất là bảo vệ nguồn lợi ven bờ. Ngoài nỗ lực của cộng đồng dân cư và người dân ở khu vực này, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cũng triển khai nhiều giải pháp, trong đó giải pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư để cùng nhau gìn giữ, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ nguồn lợi ven bờ. Nhiều địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh đã thành lập tổ và xây dựng, triển khai kế hoạch đồng quản lý nghề cá ven bờ; đồng quản lý hoạt động khai thác thủy sản ven bờ theo các quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi, bộ quy tắc nghề cá có trách nhiệm; xây dựng thể chế và chính sách quản lý nghề cá ven bờ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi, khắc phục ô nhiễm môi trường vùng ven biển. Việc đồng quản lý còn nhằm hỗ trợ, bổ sung sinh kế cho cộng đồng ngư dân, thành lập khu bảo vệ biển như bảo vệ bãi đẻ, bãi sinh trưởng, rạn san hô, cỏ biển…
Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Nhằm tăng cường công tác quản lý các hệ sinh thái biển, thời gian qua, Phú Yên được các tổ chức, đơn vị hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ điều tra, đánh giá đa dạng sinh học. Qua đó xác định được các khu vực và hệ sinh thái cần bảo tồn, duy trì đa dạng sinh học cho sự phát triển bền vững và đề xuất các phương án quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý. Tỉnh cũng đang triển khai kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, hình thành khu vực bảo tồn cho loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực đầm, vịnh, vùng ven biển.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), vùng biển Việt Nam rất đa dạng sinh học, trong đó phải kể đến các rạn san hô, thảm cỏ biển và một số hệ sinh thái đặc thù ven biển mà lâu nay chúng ta đã và đang nghiên cứu, tổ chức bảo vệ. Nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái này có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển thủy sản bền vững. Luật Thủy sản và chiến lược phát triển thủy sản của nước ta đã đưa ra những giải pháp để bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học ven biển, giúp cộng đồng ngư dân ven biển tham gia khai thác bền vững nguồn lợi, đảm bảo sinh kế. Đây cũng là định hướng chung của Việt Nam cam kết với thế giới là bảo vệ đại dương, bảo vệ đa dạng sinh học, chống khai thác bất hợp pháp.
Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm nay (từ ngày 1-8/6) với chủ đề “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo”, do Bộ TN&MT phát động nhằm thực thi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Thái Hòa |
ANH NGỌC