Thành lập HTX thủy sản là chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm góp phần khai thác tiềm năng kinh tế biển và cải thiện đời sống người dân vùng biển. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị liên quan đã phối hợp với TX Sông Cầu tổ chức các lớp tuyên truyền về kinh tế tập thể cho cán bộ và người dân. Nhờ đó, bà con hiểu được hiệu quả thiết thực của mô hình HTX trong phát triển lĩnh vực thủy sản.
Nhu cầu của người dân và địa phương
Tại những nơi được tổ chức tuyên truyền, người dân đều bày tỏ mong muốn có môi trường vùng nuôi đảm bảo vệ sinh để các loại thủy hải sản sinh trưởng, phát triển tốt, không phải lao đao vì dịch bệnh và có đầu ra ổn định, không còn cảnh bị ép giá, làm giá hay cầm vốn. Theo ông Phạm Văn Anh ở xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu), người nuôi nhỏ lẻ thiệt đủ đường nên cần phải đoàn kết lại, đồng hành cùng nhau trong một tổ chức kinh tế. Điển hình như con tôm, tới ngày xuất bán, người nuôi luôn bị thương lái ép đủ đường. Về giá, nếu muốn bán ngay thì luôn bị hạ xuống từ 1-2 giá so với thị trường. Tôm là mặt hàng tươi sống, không bán ngay thì chi phí tăng thêm cộng với rủi ro phát sinh khiến con tôm từ loại 1 xuống còn loại 2, 3, nên dù biết bị ép người nuôi vẫn phải bán. Hộ nuôi còn bị cầm vốn, tức là thương lái họ mua nhưng không thanh toán tiền ngay mà hẹn khi nào bán được mới quay lại trả. Sớm thì 15 ngày lâu đến cả tháng, trong khi người nuôi cần tiền để vệ sinh ao hồ, đầm nuôi, mua giống mới, thức ăn… cho kịp lịch thả nuôi. Hộ nào có vốn thì không sao, hộ nào không có phải đi vay lãi ngày. “Tôi mong có một tổ chức đứng ra lo mọi khâu, bà con chỉ việc tập trung cho sản xuất”, ông Anh nói.
Ông Trần Trọng Kết, Trưởng thôn Phú Dương, xã Xuân Bình, cho hay: Không riêng con tôm mà với các loại thủy hải sản khác cũng vậy, nhiều hộ dân có nhu cầu liên kết với nhau để chia sẻ thông tin giá cả, nguồn tiêu thụ hay mở rộng sản xuất… nhưng chưa biết phải làm thế nào. Nay hiểu rõ hơn về mô hình HTX kiểu mới, cơ bản thấy phù hợp với mong muốn của bà con, tôi sẽ cùng ban nhân dân thôn tuyên truyền tới bà con.
Theo UBND TX Sông Cầu, năm qua, sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn thị xã được 24.000 tấn, bằng 85,7% so với cùng kỳ (trong đó khai thác xa bờ 7.200 tấn). Diện tích ao đìa thả nuôi các loại thủy sản khoảng 851,5ha, sản lượng đạt 30.818 tấn, bằng 99,2% so với cùng kỳ. Đối với tôm hùm, số lượng lồng nuôi tôm hùm thịt khoảng 51.800 lồng, sản lượng tôm hùm các loại ước đạt 1.329 tấn, tăng 79% so với cùng kỳ.
“Địa phương đang triển khai đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trên địa bàn TX Sông Cầu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch chi tiết mặt nước biển nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài. Bắt đầu từ con tôm hùm, địa phương mong muốn xây dựng nhãn hiệu tập thể gắn với mã vùng nuôi trên thủy sản đặc trưng này. UBND thị xã đã thành lập được HTX Tôm hùm Sông Cầu, hy vọng đây là đơn vị kinh tế tập thể tiên phong cùng chính quyền hoàn thành nhiệm vụ nâng giá trị con tôm hùm Sông Cầu. Địa phương khuyến khích các xã, phường thành lập thêm HTX thủy sản để góp phần quản lý sản xuất, bảo vệ môi trường vùng nuôi, tìm chỗ đứng bền vững trên thị trường”, ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết.
Tính thực tế của chính sách
Theo ông Lê Quang Hiệp, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, thực tế cho thấy, nguyện vọng của bà con cũng chính là mục tiêu mà các chính sách phát triển HTX thủy sản của tỉnh đang hướng tới, đó là nuôi trồng bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao. Người dân và một số cán bộ địa phương còn tư duy về mô hình HTX bao cấp cũ nên e dè, thờ ơ. Trong khi đó, mô hình HTX kiểu mới được Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển thông qua các chính sách, chủ trương mới. Ban Tuyên truyền vận động thành lập HTX thủy sản tỉnh hy vọng sau đợt tập huấn này, cán bộ các phòng, ban, chủ tịch, phó chủ tịch, chuyên viên ở các xã, phường, các trưởng thôn, khu phố và cả những người trực tiếp nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản thay đổi tư duy để cùng liên kết lại tạo nên chuỗi giá trị thủy sản, thúc đẩy tiêu thụ chính ngạch.
Còn bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng: Hai khó khăn lớn của ngành Thủy sản tỉnh là quy hoạch và vấn đề ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Hiện người dân đang nuôi tự phát, lượng lồng thả với mật độ quá dày dẫn tới ô nhiễm môi trường. Ngành Thủy sản đã đưa ra giải pháp sắp xếp lại vùng nuôi bằng cách cưỡng chế số lượng lồng nuôi phát sinh mới, nhưng gặp vướng với những quy định về cưỡng chế. Trong khi đó, việc thành lập HTX thủy sản sẽ tạo ra sự phối hợp giữa các hộ nuôi một cách có tổ chức. Khi ấy các vấn đề bảo vệ môi trường, thời vụ nuôi, mật độ nuôi… được triển khai đồng bộ.
Công tác tuyên truyền, vận động thành lập các HTX thủy sản vẫn tiếp tục được thực hiện đến năm 2025, trong đó năm 2023 tập trung ở TX Sông Cầu, năm 2024-2025 tập trung tại 3 địa phương có biển còn lại là TP Tuy Hòa, TX Đông Hòa và huyện Tuy An. Hiện TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa đã thành lập HTX thủy sản. Theo Kế hoạch 80 của UBND tỉnh, từ nay tới cuối năm những địa phương còn lại sẽ thành lập ít nhất 1 HTX thủy sản. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 thành lập 1 liên hiệp HTX thủy sản.
Ông Lê Quang Hiệp, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh |
MINH DUYÊN