Phú Yên đang nhân rộng mô hình thùng ủ phân compost từ rác thải hữu cơ. Mô hình này không chỉ giải quyết ô nhiễm môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với việc phân loại rác thải tại nguồn, mà còn góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Xử lý rác thành phân hữu cơ
Theo Sở TN&MT, chất thải rắn nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên rác sẽ là tài nguyên nếu được phân loại hiệu quả. Công tác phân loại rác, nhất là phân loại tại nguồn là vô cùng quan trọng. Nếu phân loại tại nguồn tốt mà việc vận chuyển chỉ dùng chung một xe, đưa đi chôn lấp ở cùng một bãi rác thì công tác phân loại tại nguồn là vô ích. Để giảm thiểu rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường thì việc ủ rác tại nguồn thành phân bón hữu cơ là giải pháp quan trọng.
Thời gian qua, Phú Yên đã kết nối, hợp tác với các tổ chức, cá nhân hoạt động lĩnh vực môi trường trong nước và thế giới nhằm tranh thủ công nghệ xử lý môi trường theo hướng tái tạo, biến rác thải thành tài nguyên. Cuối năm 2020, Sở TN&MT đã phối hợp với TS Võ Anh Khuê, Trường cao đẳng Công Thương miền Trung nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thùng ủ phân compost từ rác thải hữu cơ. Kết quả đã xây dựng được nguyên lý chung về ủ rác hiếu khí tự nhiên trong thùng kín với dòng khí hướng lên. Từ nguyên lý này, TS Võ Anh Khuê đã thiết kế và chế tạo các loại thùng ủ phân compost để góp phần phân loại, giảm thiểu rác thải hữu cơ tại nguồn.
Đại đức Thích Quảng Bá, Trụ trì chùa Bảo Lâm (TP Tuy Hòa) cho biết: Hàng ngày, tại chùa Bảo Lâm phát sinh một lượng lớn rác thải sinh hoạt, trong đó có nhiều rác thải hữu cơ. Trước đây, việc xử lý rác thải sinh hoạt tại chùa chủ yếu thu gom, tập kết lại để đơn vị liên quan vận chuyển đến bãi rác. Cuối năm 2021, Sở TN&MT triển khai mô hình tại chùa Bảo Lâm và hỗ trợ một số thùng ủ để xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón. Những thùng xử lý rác này đã giải quyết được một lượng lớn rác thải sinh hoạt tại chùa và chùa đã sử dụng lượng phân hữu cơ này để bón cho cây trồng, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Theo TS Võ Anh Khuê, quy trình ủ rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ khá đơn giản. Rác thải hữu cơ được phân loại như lá cây, thức ăn thừa, rau củ, trái cây hư… được cho vào thùng ủ. Sau đó kết hợp với chế phẩm vi sinh pha sẵn theo tỉ lệ 2 muỗng vi sinh, 10 muỗng đường, 1 lít nước sạch. Đây là công đoạn vô cùng quan trọng giúp quá trình ủ diễn ra nhanh chóng, bởi chế phẩm sinh học không những thân thiện với môi trường, mà còn khử mùi hôi của rác thải, ức chế và tiêu diệt các vi khuẩn mầm bệnh có hại. Rác thải được ủ thành phân hữu cơ vi sinh rất hiệu quả cho cây trồng và không ảnh hưởng đến môi trường.
Ông Huỳnh Huy Việt, cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết: Ủ phân hữu cơ từ rác thải thực vật là một giải pháp hiệu quả để giảm thiểu rác thải tại nguồn. Hiện nay có nhiều loại thùng ủ rác hữu cơ tại hộ gia đình, mỗi loại thùng có những ưu và nhược điểm khác nhau. Những điểm nổi bật của thùng ủ do Sở TN&MT và TS Võ Anh Khuê nghiên cứu là nguyên lý trộn rác bằng cách xoay thùng mà không xoay trục, nước rỉ rác ở đáy thùng được tách ra khỏi khối rác. Phân bón trong thùng hình thành theo từng lớp nên thuận lợi cho việc bỏ rác vào thùng nhiều lần. Ngay từ khi bỏ rác vào thùng, thể tích của rác có thể giảm khoảng 25% bằng cách xoay thùng xung quanh trục đứng yên. Kết thúc quá trình ủ, thể tích rác giảm 82,5% so với thể tích của rác ban đầu. Khi ủ rác thải một lần thì sau 60 ngày rác sẽ chuyển hóa thành phân hữu cơ. Thùng ủ rác này đã được triển khai ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, bước đầu cho hiệu quả khả quan về tính thẩm mỹ, hiệu quả ủ và đặc biệt là các vật liệu chế tạo thùng chủ yếu từ những vật liệu đã qua sử dụng.
Phú Yên đang tiếp tục xây dựng và triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ công tác bảo vệ môi trường, tập trung nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, sản xuất sạch, thân thiện môi trường, các mô hình phát triển kinh tế xanh.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Thái Hòa |
ANH NGỌC