Xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo và yêu cầu tất cả đơn vị liên quan triển khai đồng loạt các giải pháp.
Vừa qua, tại hội nghị chuyên đề về giải ngân vốn ĐTC năm 2023 của UBND tỉnh, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận nhằm góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn trong công tác này. Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến.
ĐỒNG CHÍ TẠ ANH TUẤN, PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Linh hoạt, sáng tạo để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn
Thời gian qua, công tác giải ngân vốn ĐTC của tỉnh được quan tâm, chỉ đạo. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện công tác này khá chậm và còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết; tỉ lệ giải ngân theo kế hoạch vốn ĐTC năm 2022 của tỉnh thấp hơn mức bình quân cả nước.
Năm 2023, kế hoạch giải ngân vốn ĐTC của tỉnh được giao gấp 1,45 lần so với năm 2022. Do vậy, ngay từ đầu năm, chúng ta phải thực hiện quyết liệt, giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong năm 2022 còn kéo dài đến nay và những vấn đề phát sinh trong năm 2023; nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp.
Các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư cần linh hoạt, sáng tạo các nhóm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ; phải coi việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; kiểm soát chặt chẽ quy mô từng dự án. Các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, tiến độ thi công và giải ngân vốn; kịp thời thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ.
ÔNG TRẦN MINH ĐẠO, PHÓ GIÁM ĐỐC KHO BẠC NHÀ NƯỚC TỈNH: Không để tồn đọng hồ sơ thanh toán mà không có lý do
Kho bạc Nhà nước tỉnh luôn phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC. Tất cả các công chức làm nhiệm vụ đều tuân thủ thời gian giải quyết hồ sơ, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư; tuyệt đối không để tồn đọng hồ sơ thanh toán mà không có lý do.
Tuy nhiên, thanh quyết toán vốn đầu tư qua Kho bạc Nhà nước tỉnh là khâu cuối cùng của quy trình giải ngân vốn ĐTC. Vì vậy, để đảm bảo hoàn thành tốt kế hoạch được giao, các cấp, ngành và các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án.
Đặc biệt, các cấp, ngành của địa phương cần khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án. Đây chính là điều kiện tiên quyết giúp việc giải ngân vốn được đẩy nhanh. Các chủ đầu tư cần quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, đôn đốc thu hồi tạm ứng; bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện các hồ sơ quyết toán để tránh tình trạng phải bổ sung, sửa chữa nhiều lần gây mất thời gian.
ÔNG NGUYỄN XUÂN HÙNG, TRƯỞNG BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ PHÚ YÊN: Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng
Tình trạng vướng giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án khiến các nguồn vốn không được giải ngân hết. Nguyên nhân là do các chính sách, chế độ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng so với thực tiễn nên khi thực hiện còn lúng túng, các cơ quan chưa nhất quán.
Để giải quyết tình trạng này, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo khối lượng giải ngân nguồn vốn đã bố trí cho các dự án. Đồng thời, các địa phương cũng cần củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án.
Các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên tiếp tục tham mưu UBND tỉnh làm việc với bộ, ngành trung ương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài phần vốn thuộc kế hoạch các năm trước sang thực hiện năm 2023.
ÔNG ĐẶNG KHOA ĐÃM, GIÁM ĐỐC BAN QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TỈNH: Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan
Tỉ lệ giải ngân của đơn vị năm 2022 đạt 98% so với kế hoạch. Ban đã chủ động phối hợp với đơn vị liên quan để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án nên từng bước có những chuyển biến tích cực, góp phần tổ chức thi công hoàn thành kịp thời nhiều công trình theo kế hoạch.
Công tác kiểm tra, chuẩn bị dự án, lập thủ tục nghiệm thu, thanh toán và bàn giao công trình hoàn thành cho các đơn vị, địa phương quản lý sử dụng luôn được thực hiện kịp thời, đúng thủ tục. Ban chỉ đạo các đơn vị thi công lập kế hoạch và báo cáo tiến độ theo từng tuần; bố trí cán bộ giám sát chặt chẽ công việc cũng như hiệu quả thực hiện.
Về công tác quyết toán dự án hoàn thành, một số dự án vướng công tác phê duyệt quyết toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, các địa phương rất khó thực hiện do thời gian thi công đã quá lâu, thay đổi nhân sự làm kéo dài thời gian quyết toán các dự án. Đơn vị đã kiến nghị cho phép quyết toán dự án (trừ chi phí giải phóng mặt bằng), sau khi cấp huyện phê duyệt quyết toán chi phí giải phóng mặt bằng thì cập nhật quyết toán toàn bộ dự án.
ÔNG PHAN TRẦN VẠN HUY, CHỦ TỊCH UBND TX SÔNG CẦU: Lập kế hoạch thực hiện các dự án theo từng tuần
Ngay từ đầu năm, UBND thị xã đã chỉ đạo triển khai xây dựng kế hoạch, lộ trình, các giải pháp thực hiện đối với từng dự án theo từng tuần, tháng, quý; theo dõi tiến độ giải ngân trên địa bàn để đôn đốc, kiểm tra thực tế tại công trường; cùng với chủ đầu tư và các phòng, ban của thị xã xem xét các vướng mắc để xử lý dứt điểm theo thẩm quyền. Ngoài ra, địa phương thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.
Xác định việc bồi thường, giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ vốn ĐTC, thị xã thành lập các tổ tuyên truyền, vận động để Nhân dân nắm bắt chủ trương; tiến hành rà soát, thống kê diện tích và số hộ dân bị thu hồi đất để có phương án đền bù, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện dự án.
Năm 2023, tổng nguồn vốn ĐTC do tỉnh quản lý là 6.724 tỉ đồng; đã phân bổ chi tiết 5.514 tỉ đồng, đạt 82%. Trong đó, vốn ĐTC ngân sách tỉnh là gần 5.018 tỉ đồng, đã phân bổ chi tiết 4.252 tỉ đồng; vốn ngân sách trung ương là hơn 1.706 tỉ đồng, đã phân bổ chi tiết 1.262 tỉ đồng. |
NHƯ THANH (ghi)