Thứ Ba, 26/11/2024 09:00 SA
Vì sao tín dụng đầu năm tăng trưởng âm?
Thứ Ba, 21/03/2023 11:00 SA

Ngành Ngân hàng Phú Yên đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới. Ảnh: LÊ HẢO

Hai tháng đầu năm nay, tín dụng toàn nền kinh tế tăng nhẹ 0,77%, còn tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng trưởng âm. Đâu là nguyên nhân và giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới?

 

Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên về vấn đề nói trên, ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên (NHNN Phú Yên), cho biết:

 

- Hai tháng đầu năm nay, tín dụng trên địa bàn tỉnh giảm 1,27% so với cuối năm 2022; cụ thể là giảm 578 tỉ đồng, kéo dư nợ đến cuối tháng 2/2023 còn 44.873 tỉ đồng. Trong khi hai năm 2021-2022 vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng hai tháng đầu năm, tín dụng ở Phú Yên vẫn tăng trưởng dương với mức tăng lần lượt là 0,84% và 1,13%.

 

Dự ước đến cuối tháng 3/2023, tín dụng toàn địa bàn vẫn còn âm 0,03%.

 

Ông Trần Văn Trí

* Theo ông, nguyên nhân nào khiến tốc độ tăng trưởng hai tháng đầu năm chưa đạt như kỳ vọng?

 

- Đầu tiên là nguyên nhân có tính chu kỳ, phản ánh đặc trưng của nền kinh tế Phú Yên. Cụ thể, đặc trưng của nền kinh tế tỉnh ta là quy mô sản xuất công nghiệp không lớn, cán cân kinh tế nghiêng hẳn về nông nghiệp và thương mại dịch vụ. Về thương mại, thời điểm trước tết Nguyên đán (tầm tháng 10-11 âm lịch), doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần vốn để dự trữ hàng hóa phục vụ tết nên tăng cường vay vốn ngân hàng; dẫn đến giai đoạn này (quý IV hàng năm), tín dụng tăng trưởng cao so với các quý còn lại trong năm. Sau đó, từ nửa cuối tháng Chạp, hàng hóa được bán ra; qua tết, dòng tiền quay trở lại ngân hàng; thời điểm này, khách hàng chủ yếu trả nợ chứ không vay thêm. Điều này là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao dịp cận tết và sau tết Nguyên đán, dư nợ tín dụng thường giảm.

 

Nguyên nhân thứ hai, theo tôi, là do yếu tố ngẫu nhiên. Hai tháng đầu năm nay, một số doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư mới; trong khi, chủ đầu tư mới cơ cấu lại tài chính của dự án theo hướng trả nợ vay nên dư nợ giảm cả trăm tỉ đồng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sau khi kết thúc năm tài chính đã dùng một phần doanh thu hoặc trích lợi nhuận để trả nợ mà chưa có nhu cầu vay mới nên cũng khiến dư nợ bị giảm. Ngoài ra, sau tác động của dịch COVID-19, thị trường vẫn còn nhiều yếu tố chưa thuận lợi cho hoạt động ở một số lĩnh vực nên nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, dần bước vào thời kỳ “ngủ đông” để nghe ngóng tình hình, chờ đợi những tín hiệu mới của nền kinh tế. Sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, các doanh nghiệp này không những không vay mới mà còn trả nợ, tác động làm dư nợ toàn địa bàn bị giảm.

 

* Ông có thể cho biết thời gian tới, NHNN Phú Yên sẽ triển khai các giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi nền kinh tế?

 

- Mới đây, NHNN Phú Yên đã tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 17/1/2023 của NHNN Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2023. Tại hội nghị, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đồng thuận ký cam kết chấp hành các quy định thỏa thuận về lãi suất huy động trên địa bàn, theo đó việc ổn định mặt bằng lãi suất huy động sẽ góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.

 

Nguồn: NHNN Phú Yên (số liệu tháng 3/2023 dự ước). Đồ họa: VIỆT AN

 

Bên cạnh đó, ngày 6/3, NHNN Phú Yên đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng Phú Yên triển khai Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 17/1/2023 của NHNN Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2023 và Chương trình hành động 01/CTr-UBND ngày 19/1/2023 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ. Trong đó, đơn vị chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu. Trọng tâm là cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và các lĩnh vực sản xuất sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; tích cực cải cách hành chính, giảm thủ tục, đơn giản hóa thủ tục để các chủ thể của nền kinh tế dễ dàng tiếp cận nguồn vốn của hệ thống ngân hàng.

 

Ngoài ra, NHNN Phú Yên còn yêu cầu các ngân hàng phát huy vai trò cố vấn, tư vấn cho khách hàng những ý tưởng tốt, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả để nguồn vốn ngân hàng chuyển nhanh ra nền kinh tế. Các ngân hàng còn phải đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên; đồng thời tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi nền kinh tế.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng, năm nay, NHNN Phú Yên đổi mới hình thức triển khai kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thông qua việc ký kết quy chế phối hợp với các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng được thuận lợi hơn.

 

LÊ HẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek