Hiện nay, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã thay đổi nhận thức trong sản xuất như hạn chế sử dụng thuốc hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón không rõ nguồn gốc mà dần chuyển sang sử dụng phân hữu cơ để tăng độ an toàn cho sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Dưa hấu Hòa Hội đang được HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Hội (huyện Phú Hòa) vận động các thành viên tham gia trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ để xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương.
Năng suất tăng, giá bán cao
Đưa chúng tôi tham quan ruộng dưa hấu đang vào vụ thu hoạch, chị Lê Thị Nở ở thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội, cho hay, vụ dưa này, gia đình chị, cùng các thành viên của HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Hội tham gia xây dựng chuỗi giá trị với giống dưa hấu siêu ngọt theo quy trình trồng dưa phủ bạt, tưới nước nhỏ giọt và bón phân hữu cơ.
“Tôi trồng dưa trên 2,5ha đất canh tác theo hướng hữu cơ. Đây là lần đầu tôi sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học do HTX hướng dẫn và hỗ trợ, đạt kết quả ngoài mong đợi. Dưa trái to, đều màu, độ ngọt tăng, dây dưa chống chịu tốt với thời tiết nắng nóng hay mưa dầm. Do không ảnh hưởng dịch bệnh nên ruộng dưa đạt năng suất cao, bình quân mỗi héc ta cho năng suất từ 40-50 tấn. Với giá bán 5.000-7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi 40-50 triệu đồng/ha. Do vậy, dự định vụ tới, tôi tiếp tục sản xuất dưa theo hướng hữu cơ để đảm bảo lợi nhuận và có đầu ra ổn định...”, chị Nở phấn khởi nói.
Đang thu hoạch ruộng dưa trồng theo hướng hữu cơ, anh Võ Ngọc Tính ở thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội, cho biết: Tôi trồng dưa hấu hơn 10 năm nay. Thường thì người dân canh tác dưa theo truyền thống, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và khi địa phương vận động tham gia HTX trồng dưa, tôi mạnh dạn tham gia. Nhờ HTX, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm bổ ích từ các thành viên, nhất là được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất dưa đạt năng suất tốt nhất với tiêu chuẩn 5 không: không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất kích thích tăng trưởng và không dư lượng thuốc hóa học độc hại.
Cắt một trái dưa chín đỏ mời khách, anh Tính giới thiệu thêm: Đất ở vùng này rất hợp cho việc trồng dưa hấu nên dưa sinh trưởng khá tốt, năng suất trái cao, chất lượng ngon, được thị trường ưa chuộng. Dưa được trồng theo hướng hữu cơ lại càng được ưa chuộng, đầu ra ổn định, góp phần đảm bảo nguồn thu nhập cho người trồng. Một năm trồng 3 vụ dưa, thu nhập cao hơn trồng lúa.
Xây dựng thành sản phẩm OCOP
Theo kinh nghiệm của người trồng dưa, việc trồng dưa theo hướng truyền thống hoặc hữu cơ không khó, mà cái khó của nông dân là điệp khúc được mùa mất giá - được giá mất mùa. Vì vậy, để tạo điều kiện cho thành viên an tâm sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị nông sản và phát triển thành sản phẩm OCOP, đầu năm 2023, HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Hội bắt đầu liên kết với các hộ dân để trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ; đồng thời liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra ổn định, được các thành viên đồng tình hưởng ứng.
Ông Phạm Tấn Thơ, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Hội cho hay, hiện có 30 hộ thành viên tham gia HTX; quy hoạch 50ha dưa trồng theo hướng hữu cơ. Phòng NN-PTNT huyện đang tiếp nhận dự án của HTX để xin cấp mã số vùng trồng, tức là sản xuất theo hướng VietGAP. HTX sẽ thu mua lại của bà con, sau đó hợp đồng với Công ty TNHH Nông sản Khải Hiền, họ sẽ làm đại lý bao tiêu sản phẩm.
“Hiện Công ty TNHH Nông sản Khải Điền chỉ bao tiêu khoảng 600 tấn sản phẩm dưa hấu hữu cơ Hòa Hội mỗi năm. Nếu dưa hấu của HTX được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh thì công ty sẽ thu mua toàn bộ diện tích trồng dưa hấu hữu cơ của bà con”, ông Thơ khẳng định.
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hội, mô hình trồng dưa hấu của HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Hội cho hiệu quả cao. Hiện đã có một số bà con áp dụng theo mô hình này. Sắp tới, UBND xã sẽ tuyên truyền hộ dân trong và ngoài HTX mở rộng diện tích trồng dưa hấu hữu cơ nhằm tạo vị thế vững chắc cho dưa Hòa Hội trên thị trường, đồng thời bảo vệ môi trường sản xuất sạch, an toàn, nhất là tăng lợi nhuận cho người dân trên cùng diện tích sản xuất…
Để đảm bảo cho việc xét công nhận sản phẩm OCOP (dưa hấu Hòa Hội) đạt theo đúng tiêu chí mỗi xã một sản phẩm để về đích xã nông thôn mới nâng cao, UBND xã Hòa Hội đã mời Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh và tổ giúp việc Hội đồng OCOP tỉnh về khảo sát thực tế, tư vấn về bao bì nhãn mác, cách xúc tiến thương mại… Dưa hấu Hòa Hội được nhiều người biết đến hơn khi đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2023.
Chủ tịch UBND xã Hòa Hội Nguyễn Văn Tỉnh |
NGỌC HÂN