Tại hội nghị Nhiệm vụ và giải pháp phát triển rong biển vừa diễn ra tại TP Tuy Hòa, một số đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến đề xuất ý tưởng thực hiện. Phóng viên Báo Phú Yên lược ghi lại các ý kiến này.
ÔNG TRẦN ĐÌNH LUÂN, TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỦY SẢN (BỘ NN-PTNT): Các cơ quan, địa phương cùng đồng hành
Rong biển là một sản phẩm có nhu cầu rất lớn, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Các tỉnh miền Trung với bờ biển dài, mặt nước biển rộng, điều kiện tự nhiên phù hợp để trồng rong biển. Để tổ chức sản xuất đạt hiệu quả, bên cạnh các nhà khoa học, doanh nghiệp thì các cơ quan quản lý Nhà nước phải cùng đồng hành để phát triển ngành hàng rong biển.
Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có định hướng, xây dựng và ban hành các chính sách, tổ chức các vùng nuôi trồng tập trung sao cho phù hợp, khai thác được tiềm năng, lợi thế của từng vùng nước nuôi trồng thủy sản. Các địa phương cần xác định các nhóm, loài rong biển có giá trị kinh tế cao, có nhu cầu thị trường, phù hợp với điều kiện sinh thái để ưu tiên phát triển thành sản phẩm hàng hóa quy mô lớn. Địa phương cũng cần xây dựng và phát triển một số đề án về nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ rong biển để làm mô hình nhân rộng…
ÔNG NGUYỄN HỮU NINH, PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG (BỘ NN-PTNT): Hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng rong biển thương phẩm
Trong 10 năm trở lại đây, Bộ NN-PTNT đã triển khai 8 nhiệm vụ khoa học công nghệ về rong biển. Kết quả đã lựa chọn được 4 loài rong biển gồm rong câu chỉ, rong câu cước, rong câu bản địa và rong nho, đồng thời xây dựng được 5 quy trình công nghệ nuôi trồng xen canh, luân canh một số loài rong câu kinh tế với tôm thẻ chân trắng và tôm sú.
Hiện nay, rong biển được coi là một trong những đối tượng sản xuất chủ lực của ngành Nông nghiệp. Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường tiếp tục triển khai các nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi trồng rong biển thương phẩm có giá trị; hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và quy trình kỹ thuật trồng rong sụn cho năng suất, chất lượng cao tại khu vực Nam Trung Bộ và vịnh Bắc Bộ. Phối hợp với các bộ, ngành triển khai các nhiệm vụ lưu giữ nguồn gen và nghiên cứu chọn tạo giống rong biển; xây dựng chuỗi sản xuất từ giống tới các sản phẩm chế biến sâu; đẩy mạnh chuyển gia công nghệ trồng rong biển kết hợp với một số đối tượng hải sản. Đơn vị cũng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình trồng rong biển quy mô lớn tại các khu vực biển hở và biển đảo.
ÔNG NGUYỄN VĂN NGUYÊN, PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU HẢI SẢN (BỘ NN-PTNT): Ưu tiên nghiên cứu tạo giống rong biển
Những năm gần đây, Viện Nghiên cứu hải sản đã nghiên cứu thành công công nghệ nuôi cấy mô bằng phương pháp mô sẹo cho loài rong sụn và hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất giống rong sụn từ phương pháp nuôi cấy mô, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận giải pháp hữu ích. Bên cạnh đó, nhóm tác giả của Viện Nghiên cứu hải sản và Viện Nghiên cứu ứng dụng và công nghệ Nha Trang đã bước đầu thành công trong nghiên cứu tạo mô sẹo, tối ưu hóa điều kiện nuôi cấy để cảm ứng tạo phôi và hình thành rong non đối với cây rong bắp sú ở quy mô phòng thí nghiệm…
Hiện nay, chất lượng giống rong biển đang ngày một suy giảm do giống gốc hầu hết là nhập ngoại. Sau một thời gian dài nhân giống vô tính, chất lượng suy thoái nghiêm trọng từ tốc độ sinh trưởng, hàm lượng đến chất lượng. Để phát triển ngành rong biển Việt Nam, cần có một chiến lược cụ thể và định hướng phát triển có lộ trình nhằm thúc đẩy ngành rong biển trở thành một ngành chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Công tác nghiên cứu tạo giống rong biển hiện nay ở trong nước chỉ ở một số loài rong. Thời gian tới, việc nghiên cứu tạo giống và triển khai trồng các loài rong biển có giá trị kinh tế cao cần được quan tâm và ưu tiên thực hiện.
ÔNG VÕ MINH HẢI, CÁN BỘ KỸ THUẬT, TRUNG TÂM GIỐNG NÔNG NGHIỆP (SỞ NN-PTNT PHÚ YÊN): Chủ động công nghệ tạo giống rong sụn
Trung tâm Giống nông nghiệp đang phối hợp với Công ty TNHH DBLP thực hiện chương trình nuôi cấy mô rong sụn tại Trạm Giống thủy sản ở xã An Hòa Hải (huyện Tuy An). Công ty TNHH DBLP là đơn vị chuyển giao công nghệ, đến nay đã cắt và ương thành công được khoảng 500.000 mô giống. Quá trình nuôi cấy mô rong sụn từ phòng thí nghiệm đến khi trở thành cây giống mất khoảng 4-5 tháng. Đến nay, cán bộ của Trung tâm Giống nông nghiệp đã tiếp nhận chuyển giao gần như hoàn chỉnh quy trình nuôi cấy mô rong sụn từ Công ty TNHH DBLP. Hiện Trạm Giống thủy sản tiếp tục nuôi cấy và nhân giống rong sụn để cung cấp cho người nuôi trồng có nhu cầu…
Trung tâm Giống nông nghiệp cũng đã phối hợp với Công ty TNHH DBLP thực hiện trồng thử nghiệm từ giống nuôi cấy mô rong sụn này tại vùng biển hở gần Trạm Giống thủy sản với diện tích khoảng 5.000m2. Sau 4 tháng trồng thử nghiệm, kết quả thu được khoảng 20 tấn rong tươi, chất lượng rất tốt.
BÀ NGUYỄN THỊ HẢI BÌNH, TỔNG GIÁM ĐỐC TẬP ĐOÀN NHỰA SUPER TRƯỜNG PHÁT: Liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm
Tập đoàn đã triển khai một số mô hình nuôi trồng thủy sản, trong đó có rong biển với chuỗi các HTX tại tỉnh Quảng Ninh và đã thành công.
Hiện nay, chúng tôi đang làm việc với UBND TX Sông Cầu để triển khai mô hình HTX trồng rong biển với quy mô khoảng 20 hộ. Ban đầu, tập đoàn sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp giống rong sụn và bao tiêu sản phẩm, thu mua toàn bộ rong thương phẩm của bà con sản xuất với mức giá cao hơn khoảng 20% so với giá thị trường.
Mục tiêu đến năm 2025, sản lượng rong tảo biển nuôi trồng ở nước ta đạt khoảng 180.000 tấn (trong đó khoảng 170.000 tấn thu hoạch gần bờ và 10.000 tấn thu hoạch xa bờ); đến năm 2030, sản lượng rong tảo biển đạt khoảng 500.000 tấn (trong đó khoảng 400.000 tấn thu hoạch gần bờ và 100.000 tấn thu hoạch xa bờ). Để đạt mục tiêu này, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương ven biển quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển ngành rong biển bền vững.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến |
ANH NGỌC (ghi)