Thứ Bảy, 27/04/2024 13:45 CH
Khi người nghèo có vốn
Chủ Nhật, 23/10/2022 09:00 SA

Hộ nghèo ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) vay vốn tín dụng chính sách để nuôi bò, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: LÊ HẢO

Sinh sống tại huyện miền núi còn khó khăn, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Đồng Xuân vẫn có điều kiện vươn lên nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. 20 năm qua, nguồn vốn này đã tiếp sức cho các hộ nghèo, cận nghèo… nơi đây phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

 

Mạnh dạn làm ăn

 

Gia đình anh Trần Văn Tỏ ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, thuộc diện hộ nghèo. Thu nhập chính của cả gia đình 4 người trông chờ vào mấy sào ruộng lúa và tiền công làm thuê của vợ chồng anh. Lẩn quẩn với cái ăn, cái mặc, rồi chuyện học hành của con cái, người đàn ông sinh năm 1984 này không dám mơ đến ngày thoát nghèo.

 

“Một lần tham gia cuộc họp tại thôn, tôi được biết Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay ưu đãi không cần thế chấp tài sản. Thấy đây là cơ hội để phát triển kinh tế gia đình, tôi bàn với vợ mạnh dạn vay vốn làm ăn”, anh Tỏ kể.

 

Năm 2013, gia đình anh Tỏ được bình xét cho vay 10 triệu đồng vốn chương trình hộ nghèo. Sau khi nhận tiền vay, anh mua 1 con bò mẹ về nuôi. Trong quá trình vay vốn, anh Tỏ ý thức được trách nhiệm của mình nên thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp lãi, đóng tiết kiệm hàng tháng, tham gia họp tổ và các hoạt động của tổ… Sau 3 năm, không phụ công chăm sóc, bò mẹ đẻ được 2 bê con; gia đình anh Tỏ chỉ bán 1 con bê đã trả đủ vốn vay ngân hàng. Lúc này, anh tiếp tục được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Xuân phê duyệt cho vay 50 triệu đồng để tăng đàn. Nhờ chí thú làm ăn, kinh tế gia đình bước đầu ổn định dần.

 

Năm 2017, anh Tỏ vay 25 triệu đồng chương trình hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 để xây nhà. Đến năm 2019, khi chính thức thoát nghèo, anh lại được vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo để tiếp tục chăn nuôi. Hiện nay, gia đình anh đã có nhà ở kiên cố và đàn bò 4 con trong chuồng.

 

Hành trình thoát nghèo của gia đình chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết ở thôn 3, xã Đa Lộc cũng tương tự. Theo chị Tuyết, lúc mới lập gia đình, vợ chồng chị gặp rất nhiều khó khăn. Được cán bộ hội phụ nữ xã tuyên truyền, chị Tuyết đăng ký vay 30 triệu đồng vốn chương trình hộ nghèo để nuôi bò sinh sản. Kinh tế phát triển dần, gia đình chị có điều kiện nuôi con ăn học. “Hiện nay, ngoài vay vốn sản xuất, chúng tôi còn được vay vốn học sinh sinh viên và vốn mua máy tính cho con đi học. Ở quê, nếu chỉ dựa vào sức mình mà không có vốn thì không cách nào phát triển”, chị Tuyết nói.

 

Nguồn: Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Xuân. Đồ họa: VIỆT AN

 

Giảm tỉ lệ hộ nghèo tại địa phương

 

Không riêng gia đình anh Tỏ, chị Tuyết, 20 năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Xuân đã phối hợp với hội, đoàn thể các xã, thị trấn giải ngân gần 1.350 tỉ đồng giúp 64.427 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó có 12.416 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho 15.138 lượt lao động; 3.309 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; 972 hộ nghèo được hỗ trợ vốn để xây dựng nhà ở...

 

Theo ông Đặng Văn Trọng, Phó Chủ tịch điều hành UBND huyện, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Đồng Xuân, những kết quả trên đã góp phần quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn huyện qua các năm gần đây. Cụ thể, năm 2012, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện là 50,55%; năm 2015 giảm còn 30,41%; năm 2018 là 22,6%; năm 2021 chỉ còn 5,36%.

 

“Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện trong 20 năm qua luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và ban ngành đánh giá cao, được người dân đồng tình ủng hộ. Tín dụng chính sách phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và nhu cầu vay vốn của người dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần cải thiện ổn định đời sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo...”, ông Trọng cho biết.

 

Thời gian tới, nhằm tiếp tục phát huy vai trò của tín dụng chính sách, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Xuân đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. “Đơn vị sẽ tăng cường phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm cũng như hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030”, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Xuân nói.

 

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy rằng, nguyên nhân dẫn đến nghèo chủ yếu do trình độ thấp, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu thông tin về các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ… Vì vậy, tôi mong thời gian tới các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương quan tâm tuyên truyền nhiều hơn để những hộ nghèo, cận nghèo như chúng tôi mạnh dạn vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

 

Anh Trần Văn Tỏ ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek