Thứ Hai, 25/11/2024 23:50 CH
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường
Thứ Sáu, 05/08/2022 15:48 CH

Hướng dẫn nông dân thực hành bảng so màu lá lúa trong canh tác lúa thân thiện với môi trường tại xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa. Ảnh: NGỌC HÂN

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã nỗ lực triển khai nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường; liên kết sản xuất lúa chất lượng… Định hướng sản xuất này không chỉ giúp nông dân giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tạo ra nông sản an toàn cho người sử dụng và bảo vệ môi trường.

 

Thay đổi thói quen canh tác

 

Trong tuần qua, thời tiết xuất hiện mưa giông rải rác, ông Phạm Văn Dưỡng (thôn Mỹ Thạnh Trung, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phòng trừ các đối tượng phát sinh gây hại cho cây lúa. Phấn khởi đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa đang giai đoạn cuối đẻ nhánh - chín sữa, ông Dưỡng cho biết, đây là vụ thứ hai gia đình canh tác lúa thân thiện với môi trường do Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ, chuyển giao. Vụ đông xuân trước, khi bắt tay thực hiện thử nghiệm hơn hai sào lúa, ông Dưỡng có đôi chút lo lắng bởi lâu nay chỉ quen với phương pháp canh tác truyền thống. Nhưng qua thực tế hướng dẫn, ông nhận thấy chỉ với một số biện pháp kỹ thuật cơ bản như cấy mạ non, cấy thưa, ít dảnh; tưới nước ướt, khô xen kẽ; làm cỏ sục bùn; bón phân hữu cơ và xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh sau thu hoạch... đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của phương pháp này so với cách làm truyền thống.

 

“Trước đây, gia đình thường mất nhiều chi phí cho việc gieo mạ, bón phân, đặc biệt là rất vất vả trong việc giữ nước cho cây lúa, nhưng năng suất chất lượng lại không cao. Được cán bộ khuyến nông cầm tay chỉ việc từ làm đất, gieo mạ, hướng dẫn chăm sóc, năng suất tăng lên rõ rệt từ 2,2 tạ lên 2,5 tạ/sào, đặc biệt giảm các chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và tiết kiệm nước tưới”, ông Dưỡng chia sẻ.

 

Ông Nguyễn Khanh (thôn Phước Lộc 2, xã Hòa Thành, TX Đông Hòa) có 3 sào ruộng được chọn tham gia trồng lúa theo mô hình IPM (chương trình quản lý dịch hại tổng hợp) do Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TX Đông Hòa mở lớp tập huấn cho hội viên nông dân. Các nguyên tắc, quy trình kỹ thuật IPM được áp dụng ngay từ những ngày đầu xuống giống vụ hè thu. Trong quá trình tham gia mô hình, ông Khanh cùng nhiều nông dân khác được chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở ra hướng mới trong phòng, chống sâu bệnh, bảo vệ cây trồng và thân thiện với môi trường.

 

Ông Khanh cho biết: “Chúng tôi nắm rõ các nguyên tắc cơ bản trong sản xuất lúa là trồng cây khỏe, bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên. Khi áp dụng, tôi thấy hiệu quả, sâu giảm rõ rệt tại ruộng của gia đình; còn ruộng kế bên, người ta phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhưng lại bị sâu ăn nhiều hơn. Vì vậy, tôi quyết định sẽ áp dụng 4 nguyên tắc vào 2 mẫu ruộng của gia đình trong những vụ tới”.

 

Tại huyện Tuy An, Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp mở các lớp hướng dẫn nông dân trồng rau theo hướng hữu cơ tại các địa phương trong huyện. Nông dân sau khi tham gia học đã nắm bắt được kỹ thuật trồng rau xanh dùng chế phẩm sinh học trừ sâu hại; cách nuôi trái khổ qua, dưa leo bên trong vỏ bao bì, ngăn không cho ong chích vòi làm nũng trái. Vụ đông xuân vừa qua, nông dân áp dụng trồng rau sạch trên diện tích 70ha/năm, năng suất đạt từ 155-165 tạ/ha, hiệu quả kinh tế trên 30 triệu đồng/ha.

 

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho hay: “Hàng năm, đơn vị thường xuyên mở các lớp theo chương trình VietGAP, giảm lượng phun thuốc sâu trên luống rau; đồng thời triển khai nhiều lớp IPM áp dụng trên cây lúa, bắp. Nhờ áp dụng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, nông dân tiết kiệm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật, nhân công, tăng lợi nhuận trong sản xuất”.

 

Hiệu quả trong bảo vệ môi trường

 

Là người trực tiếp cầm tay chỉ việc, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường từ những ngày đầu triển khai dự án, chị Phạm Thị Oanh Thư, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh rất vui mừng khi phương pháp canh tác lúa hữu cơ này đã được nông dân xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa và xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa tiếp cận, hưởng ứng tham gia, mở ra hình thức canh tác thân thiện với môi trường, giúp giảm chi phí, tăng năng suất lúa.

 

“Phương pháp này có tính ưu việt, không chỉ giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận trên một diện tích đất canh tác mà còn nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất lúa an toàn, thích nghi với quá trình biến đổi khí hậu”, chị Thư cho biết.

 

Nói về hiệu quả mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường mang lại, Phó Chủ tịch điều hành Hội Nông dân tỉnh Phan Đại Thắng khẳng định: “Việc triển khai mô hình theo dự án Tuyên truyền, vận động nông dân canh tác thân thiện với môi trường đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức cũng như phương pháp canh tác của hội viên, nông dân. Qua đó góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính nhằm bảo vệ môi trường, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, theo hướng bền vững”.

 

Theo Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, năm qua, đơn vị đã phối hợp triển khai nhiều mô hình sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh thái nhằm hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, người dân dần thay đổi thói quen canh tác. Khi xảy ra sâu bệnh, cán bộ nông nghiệp và HTX đi thăm đồng kiểm tra, đưa ra biện pháp khuyến cáo phù hợp, chứ bà con không tự ý phun thuốc vô tội vạ như trước.

 

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết: Những năm qua, nông dân trong tỉnh áp dụng khá rộng rãi các chương trình, mô hình sản xuất VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật như IPM, “3 giảm, 3 tăng”... Nhờ vậy, năng suất lúa của tỉnh hàng năm đều tăng từ 0,1-0,3 tạ/ha, trong đó năm 2021, năng suất bình quân đạt 71,1 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với năm trước. 

 

Với lợi ích và hiệu quả của việc triển khai nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường; liên kết sản xuất lúa chất lượng; mô hình IPM, “3 giảm, 3 tăng”…, Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân nhân rộng mô hình. Thời gian đến, sở tiếp tục phối hợp đưa các mô hình này vào sản xuất lúa và cây trồng khác tại các địa phương.

 

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh

 

NGỌC HÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek