Thứ Tư, 01/05/2024 09:21 SA
Chai lá cong - giống cây quý cần được bảo tồn, phát triển
Thứ Năm, 23/06/2022 13:06 CH

Thân cây chai lá cong hơn 100 năm tuổi, có đường kính khoảng 1m. Ảnh: NHẬT HUY

Chai lá cong có tên khoa học là Shorea Falcata. Đây là giống cây quý, có giá trị về kinh tế và phòng hộ. Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ TX Sông Cầu, hiện có khoảng 10 cây mẹ tại các xã Xuân Cảnh, Xuân Thịnh và đang rất cần có kế hoạch bảo tồn, phát triển loại cây được đưa vào sách đỏ Việt Nam này.

 

Theo chân các cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ TX Sông Cầu đến quan sát tận mắt 2 cây chai lá cong có tuổi đời hơn 100 năm tuổi tại xã Xuân Cảnh, chúng tôi ngạc nhiên khi đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có kế hoạch bảo vệ và phát triển giống cây được xem là đặc hữu của Việt Nam.

 

Giá trị của cây chai lá cong

 

Theo quan sát của chúng tôi, 2 cây chai lá cong tại xã Xuân Cảnh cao khoảng 10-12m, đường kính thân trên dưới 1m. Loại cây này có lá dài hoặc hình trứng, nửa dưới của phiến lá bị lệch, không đối xứng với nửa trên và có lẽ vì thế, nên cây mới có tên là chai lá cong. Chai lá cong mọc trên những bãi cát, đụn cát ven biển, có khả năng chịu được hạn và điều kiện khí hậu khắc nghiệt cũng như những vùng đất có chất dinh dưỡng kém.

 

Chai lá cong được phát hiện tại Phú Yên vào những năm 90 thế kỷ trước và được đánh giá là có giá trị phòng hộ cao. Gỗ của chai lá cong rất chắc. Theo những người lớn tuổi tại TX Sông Cầu, gỗ chai lá cong thường dùng để làm kèo cột, đóng giường tủ, tàu thuyền... Gỗ chai lá cong nếu để khô lâu năm sẽ cứng như sắt.

 

Ông Phạm Văn Hòa 57 tuổi, ở thôn Hòa Phú, xã Xuân Cảnh nói: “Cây chai lá cong có từ rất lâu, thời tôi còn nhỏ đã có loại cây này. Cây có sớ hình cuốn và gỗ rất chắc. Gia đình tôi còn bộ phản làm từ loại cây này cách đây gần trăm năm, đến nay vẫn còn sử dụng. Cây cũng có giá trị chắn gió, bảo vệ môi trường. Về lâu dài, tôi nghĩ cơ quan chức năng cần có chính sách bảo vệ và phát triển cây chai lá cong”.

 

Theo ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ TX Sông Cầu, có nhiều giả thuyết về sự hình thành và phát triển cây chai lá cong lâu năm tại xã Xuân Cảnh và Xuân Thịnh, nhưng nhiều khả năng cây được người Pháp trồng từ hàng trăm năm trước. Theo nghiên cứu, cây chai lá cong có giá trị về phòng hộ, môi trường và tạo cảnh quan rất tốt ở các địa phương như TX Sông Cầu. Tuy sinh trưởng chậm trong giai đoạn đầu (10 năm đầu phát triển khoảng 5-6m), nhưng đây là loại cây thích hợp cho việc tạo hệ sinh thái ổn định, bền vững.

 

Bảo tồn, phát triển giống cây đặc hữu

 

Theo Viện TN-MT (Đại học Huế), cây chai lá cong chỉ có ở Việt Nam và đây là một trong những giống cây cần được bảo vệ, nhân giống, phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, số cây chai lá cong còn lại tại TX Sông Cầu chủ yếu gần khu dân cư và không được bảo vệ một cách bài bản. May mắn là các cây chai lá cong cổ thụ ở đây gần các miếu thờ, đình thiêng nên người dân không ai dám khai thác.

 

Các chuyên gia cho rằng có hai phương pháp bảo tồn và phát triển loại cây này. Thứ nhất là bảo tồn tại chỗ. Thứ hai là bảo tồn bằng cách di chuyển sang nơi khác. Tuy nhiên, với tính chất quý hiếm, đặc thù của cây chai lá cong, cần cả hai phương pháp để bảo tồn hiệu quả. Tức là đối với những cây tại chỗ, cơ quan chức năng cần bảo tồn về nguồn gen cây giống, bảo vệ cây mẹ. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch, đề án thu hái hạt giống của cây chai lá cong mẹ, sau đó nhân giống để trồng ở các vị trí cần thiết.

 

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ TX Sông Cầu, việc bảo tồn và phát triển cây chai lá cong là rất cấp thiết. Trước mắt, cơ quan chức năng cần điều tra hiện trạng của các cây chai lá cong còn lại tại TX Sông Cầu, đặc biệt là số cây con tái sinh chưa phát hiện; sau đó xây dựng kế hoạch để bảo tồn và phát triển cây chai lá cong.

 

Với số cây mẹ xác định được, địa phương cần nhanh chóng giao cho Nhà nước và người dân quản lý, bảo vệ và chăm sóc, tránh tình trạng khai thác trái phép. Ngoài ra, cần lập hồ sơ để đưa chai lá cong trở thành cây đặc hữu, hoặc cây di sản của tỉnh. Có như vậy, giống cây quý hiếm của Việt Nam và Phú Yên sẽ được quan tâm hơn trong việc xây dựng các kế hoạch bảo tồn và phát triển.

 

“Chúng tôi đã có kiến nghị về việc bảo tồn và nhân giống cây chai lá cong với cơ quan cấp trên, nhưng chưa nhận được câu trả lời. Có lẽ, chúng ta chưa có nguồn kinh phí để thực hiện. Tuy nhiên, ở góc độ lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển giống cây quý hiếm như chai lá cong là việc cần làm ngay, hướng đến những giá trị môi trường lâu dài. Nếu các cơ quan chức năng có sự đầu tư, quan tâm đầy đủ và khoa học, chắc chắn việc bảo tồn và phát triển cây chai lá cong sẽ thực hiện được, vì đây cũng là mong muốn của cộng đồng dân cư sinh sống ở ven biển TX Sông Cầu”, ông Tôn Thất Thịnh cho biết. 

 

Chai lá cong là loại cây chỉ có ở Việt Nam. Vùng đất Sông Cầu may mắn còn khoảng 10 cây mẹ đang còn sống. Đây là loại cây có giá trị kinh tế và môi trường. Trước đây, ngành Lâm nghiệp Phú Yên có triển khai trồng cây keo và cây phi lao trên các cồn cát. Tuy nhiên, vì thời tiết khắc nghiệt nên hiệu quả không cao. Với cây chai lá cong, chúng tôi nghĩ rằng đây sẽ là lựa chọn tốt để trồng tại TX Sông Cầu.

 

TS Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện trưởng Viện TN-MT (Đại học Huế)

 

NHẬT HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek