Bắt tay xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp từ năm 2019, ông Đặng Ngọc Phú (SN 1964) ở thôn Lạc Mỹ, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa đã mạnh dạn xây dựng trang trại vườn ao chuồng (VAC) kết hợp. Hiện trang trại của gia đình ông được chọn làm mô hình vườn mẫu nông thôn mới của địa phương nhờ cách bố trí, sắp xếp khoa học, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Mô hình nhiều triển vọng
Ông Phú đưa chúng tôi đi thăm mô hình sản xuất VAC kết hợp rộng trên 2ha, là thành quả sau hơn 3 năm vất vả xây dựng của gia đình. Chúng tôi khá ấn tượng về cách bố trí chuồng trại, cây trồng hợp lý, thoáng mát, có tính thẩm mỹ, hợp vệ sinh môi trường, khác biệt với những trang trại tổng hợp khác.
Năm 2019, từ vườn tạp bỏ hoang, ông Phú bắt tay vào cải tạo, làm kinh tế VAC kết hợp với khát khao tạo lập một trang trại nông nghiệp của riêng mình. Thời gian đầu khó khăn, công việc thất thường, thu nhập không ổn định, vợ chồng ông quyết định chăn nuôi theo hướng lấy ngắn nuôi dài. Sau khi tìm hiểu về nhiều mô hình trang trại nuôi, trồng tổng hợp, ông quyết định vay thêm vốn để đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mở rộng diện tích ao nuôi và thả nhiều giống cá khác nhau, trồng thêm nhiều loại cây ăn trái hợp với khí hậu, thổ nhưỡng.
“Năm đầu trang trại mới thành lập nên thu nhập ở mức trung bình khá từ việc nuôi cá, gà, heo với quy mô nhỏ. Sau hơn 1 năm đi tham khảo thị trường và học hỏi thêm, tôi đầu tư mở rộng ao nuôi cá trê, diêu hồng, cá trắm với 10.000 con/lứa (nuôi 2 lứa/năm), thu lãi 100 triệu đồng/năm; đồng thời xây thêm chuồng trại nuôi heo, gà, vịt và trồng các loại cây ăn trái (vú sữa, dừa xiêm, chuối sáp)… nên thu nhập tăng lên mỗi năm”, ông Phú phấn khởi nói.
Theo ông Phú, khi làm trang trại, ông đã phân từng khu vực một cách khoa học, phát triển theo quy trình khép kín. Phân bón của vật nuôi được tận dụng làm khí đốt biogas và bón cho cây ăn trái trong vườn nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, phù hợp với tổng thể của trang trại. Ao cá được ông đầu tư quạt nước tạo bọt cho cá; thức ăn cũng được bố trí đều khắp ao nên hạn chế tình trạng dư thừa. Còn đối với chăn nuôi heo, gà, vịt, ông bố trí chuồng trại theo kiểu đông che, hè thoáng và thả rông; thức ăn chủ yếu là cỏ voi, thân chuối xắt lát, bắp, khoai lang và cám gạo... nên thịt săn chắc, khi xuất bán được thương lái đến tận nơi thu mua với giá tương đối ổn định.
Phát triển vườn mẫu gắn với du lịch
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phú Lương Thị Mỹ Hương, mô hình trang trại VAC kết hợp của gia đình ông Phú không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn tạo công ăn việc làm cho 4 lao động nhàn rỗi tại địa phương. Hiện trang trại của ông được chọn làm mô hình vườn mẫu nông thôn mới của xã. Trong tương lai, mô hình này hứa hẹn sẽ phát triển và được nhân rộng, đem đến những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Để xây dựng thành công vườn mẫu, hướng đến tiêu chí xanh - sạch - đẹp, giúp môi trường sống vùng nông thôn được cải thiện đáng kể, hiện khu vườn của ông Phú được phân chia thành các khu nhất định rất khoa học. Trong đó, hơn 1ha trồng chuối sáp, 2 khu chăn nuôi với hơn 100 con heo rừng lai và hơn 3.000 con gà, 1.000 con vịt. Ngoài ra, 2 ao cá với diện tích 6.000m2 thả nuôi cá trê, cá trắm, cá diêu hồng và trồng các loại cây ăn trái.
“Nhờ mạnh dạn đầu tư, thu nhập kinh tế đã tăng gấp đôi, gấp ba so với cách làm trước đây, bình quân mỗi năm từ mô hình VAC tôi thu về hơn 300 triệu đồng. Chỉ khoảng 2-3 năm nữa, dự kiến khu vườn này sẽ mang lại cho gia đình tôi tiền tỉ mỗi năm. Được sự hỗ trợ của địa phương, tôi tiếp tục đầu tư lắp đặt thêm hệ thống bơm tưới tự động; tạo lối đi trong vườn đạt các tiêu chí theo quy định; đồng thời quy hoạch lại vườn cây ăn trái và ao cá để kết hợp phát triển du lịch miệt vườn”, ông Phú cho biết thêm.
Với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mô hình vườn mẫu kinh tế VAC của gia đình ông Đặng Ngọc Phú được nhiều hộ dân trong vùng tham quan học hỏi, làm theo, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Trần Ngọc Trường |
NGỌC HÂN