Để làm ra được hạt muối, diêm dân phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu xới đất, đầm da ruộng đến lấy nước biển vào kết tinh muối. Vất vả một nắng hai sương, thế nhưng giá cả bấp bênh, làm muối không có lãi nên diêm dân không mặn mà với nghề.
Mới đây, UBND tỉnh phê duyệt đề án Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030. Từ đây, Sở NN-PTNT tập trung quy hoạch diện tích các cánh đồng sản xuất muối lớn, đầu tư cải tạo hạ tầng khôi phục sản xuất, nâng cao thu nhập cho diêm dân.
Ngày công làm muối thấp
Vùng muối Lệ Uyên, Trung Trinh (xã Xuân Phương, TX Sông Cầu) rộng 46ha. Hiện bước vào vụ sản xuất muối, nhưng đi dọc các bờ vùng, bờ thửa trên các cánh đồng muối này, diêm dân vẫn chưa ra đồng xới đất, đầm da ruộng muối. Khác với trước đây, thời điểm này, diêm dân đã be bờ, ngăn mặn. Còn hiện tại, nước lênh láng ruộng muối, bờ ruộng chìm sâu dưới nước.
Ông Bùi Văn Vinh ở thôn Lệ Uyên nhìn ruộng muối trước nhà xót xa: Mấy năm nay, diêm dân ở đây làm ăn thất bại, muối làm ra bị tư thương ép giá. Nhiều lúc muối yếu nắng bán 100 bao, mỗi bao 50kg, họ trừ bì gần nửa tấn. Họ nói rằng, muối yếu nắng khi hầm bốc hơi, thành phẩm muối hầm đạt thấp.
Cạnh đó, chòi muối của ông Nguyễn Văn Dũng qua một mùa mưa gió, bạt che chắn rách te tua, nhưng ông vẫn để vậy, chưa làm lại. Ông Dũng cho hay: Mấy hôm nay, nhiều người trong xóm kêu sang lại ruộng muối nhưng không ai nhận vì muối hạ giá dẫn đến công lao động thấp. Lo ngại muối làm ra không bán được trong khi muối cũ năm ngoái còn tồn chất đầy đường nên diêm dân chưa ra ruộng.
Để có được những hạt muối trắng tinh không thể thiếu trong bữa ăn của mỗi gia đình, người làm muối phải trải qua một quá trình công phu. Ông Phan Văn Minh ở thôn Tuyết Diêm (xã Xuân Bình) chia sẻ về các công đoạn làm muối thủ công: Ruộng sản xuất muối liền kề với nhau bằng phẳng như chiếc chiếu nên được gọi là “chiếu ruộng”. Mỗi chiếu ruộng rộng 1.000m2, ngăn thành 4 đám. Trong đó 1 đám chứa nước biển, 1 đám nuôi mặn, 1 đám chịu (lắng cho nước biển sắc lại) và 1 đám ăn (kết tinh muối). Để kết tinh được muối phải qua 3 ngày từ chứa nước biển, nuôi mặn rồi mới kết tinh. Dãi dầu nắng gió nhưng ngày công lao động như hiện nay chỉ 40.000 đồng/người/ngày. Nếu không tự làm mà phải thuê công gánh muối từ ruộng vào bờ nữa thì còn lại 30.000 đồng/người/ngày nên diêm dân không mặn mà với nghề.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn nhìn nhận: Vùng làm muối TX Sông Cầu đã hình thành từ rất lâu, diêm dân đã trải qua nhiều đời gắn bó với nghề truyền thống. Tuy nhiên phương thức sản xuất muối ở đây theo phương pháp thủ công là chính, sản lượng không ổn định, sử dụng nhiều lao động thủ công nên giá thành cao. Diêm dân vận chuyển muối bằng thuyền, xà lan theo đường thủy qua đầm Cù Mông đến nơi tiêu thụ, làm tăng chi phí, dẫn đến thu nhập từ nghề làm muối giảm.
Nông dân gánh muối chất gần đường, chờ chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: LÊ TRÂM |
Đầu tư hạ tầng cơ sở
Những năm gần đây, diêm dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất muối chất lượng cao (muối sạch) bằng phương pháp trải bạt nhựa trên sân kết tinh. Ứng dụng phương pháp sản xuất trải bạt không chỉ mang lại năng suất gấp đôi mà muối cũng được bán với giá cao hơn so với phương pháp sản xuất truyền thống vì chất lượng tốt hơn.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Tiến Duy, Giám đốc HTX Muối Tuyết Diêm, hiện nay diêm dân vẫn chủ yếu sản xuất muối theo phương thức thủ công. Không có nhiều diêm dân áp dụng phương pháp làm muối trải bạt bởi chi phí đầu tư vượt quá khả năng của phần đông bà con. Chỉ tính riêng chi phí trải bạt nhựa lát nền 1.000m2, bà con phải tốn 50 triệu đồng. Chính vì thế, trong tổng diện tích sản xuất muối toàn TX Sông Cầu 180,8ha, diện tích muối áp dụng công nghệ phơi nước trên nền ô trải bạt chỉ 13,5ha.
Cũng theo ông Duy, đối với diêm dân, mọi chi phí sản xuất, sinh hoạt gia đình đều trông chờ vào muối. Trừ một ít cá nhân có điều kiện, thường sau vụ muối, nếu giá thấp thì họ trữ lại chờ giá cao mới bán; còn lại đa số diêm dân đều bán hết để có tiền chi trả nhân công, trang trải cuộc sống. “Nhiều năm trở lại đây, giá muối bấp bênh, rất nhiều gia đình không trụ được với nghề truyền thống. Nhiều thanh niên rời bỏ đồng muối, vào các tỉnh phía Nam làm việc nên tìm nhân công để phục vụ sản xuất khi vào vụ muối rất khó khăn. Những người ở lại gắn bó với nghề muối hầu hết đã lớn tuổi”, ông Duy nói.
Thực hiện tái cơ cấu ngành muối, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030. Theo đó, đến năm 2025, diện tích muối trải bạt trên vùng sản xuất muối Tuyết Diêm lên 90,1ha, chiếm 50% diện tích sản xuất muối; sản lượng muối sạch đạt 18.000 tấn, chiếm 80% sản lượng muối toàn TX Sông Cầu. Đối với sản xuất muối thủ công, tỉnh định hướng cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở đồng muối, nhất là hệ thống thủy lợi; ứng dụng KH-CN vào sản xuất, chế biến muối, tăng năng suất tối thiểu 20%, nâng cao giá trị các sản phẩm muối, thiết bị sản xuất, chế biến muối gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ. Sở NN-PTNT cũng đang tập trung quy hoạch diện tích các cánh đồng sản xuất muối lớn, đầu tư cải tạo hạ tầng khôi phục sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng, tiến bộ KH-CN nhằm nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối. Trong đó trọng tâm là hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất muối theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, đồng bộ các khâu từ cung cấp nước biển đến thu hoạch, vận chuyển, làm sạch và bảo quản muối.
“Theo đề án Nâng cao giá trị và chế biến muối giai đoạn 2021-2030, tỉnh đang đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở, kiên cố hóa giao thông, hệ thống thủy lợi đồng muối Tuyết Diêm. Nguồn vốn này dùng để sửa chữa nâng cấp tuyến kè, mở rộng đường giao thông nội vùng và các công trình thoát nước trên tuyến… Đồng thời đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng kỹ thuật sản xuất muối như kho bãi, kênh mương. Từ đó giảm các khâu chi phí, nâng giá thành muối, mang lại thu nhập cao hơn cho diêm dân”, ông Nguyễn Đức Thắng cho biết thêm.
MẠNH LÊ TRÂM