Trong Luật HTX năm 2012, những quy định về góp vốn trở thành thành viên HTX là điểm khác biệt so với luật cũ. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, trong quá trình vận động, vấn đề vốn góp đang lộ ra những hạn chế cần chỉnh sửa.
Góp ít không đủ, góp nhiều không cho
Theo quy định của luật, vốn điều lệ HTX được hình thành từ vốn góp của thành viên. Hiện mức góp vốn và quy đổi tài sản thành vốn góp có giá trị thấp đang gây khó khăn cho HTX trong quá trình phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh dịch vụ.
Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An), cho biết Luật HTX năm 2012 quy định góp vốn để ràng buộc trách nhiệm và thu hút sự quan tâm của thành viên đến sự phát triển của HTX, xóa bỏ dần tình trạng “cha chung không ai khóc”. Nhưng luật không quy định vốn góp tối thiểu nên bà con chỉ góp 100.000-200.000 đồng mang tính hình thức. Chính điều này khiến thực trạng lực lượng thành viên HTX đông nhưng chất lượng không cao cứ kéo dài mãi. “Rõ là 100% thành viên góp vốn nhưng nhìn lại vốn thu được không đủ để làm việc gì. Tôi lấy ví dụ, nhỏ nhất là mua một máy làm đất mini khoảng 4 triệu đồng. Với mức vốn góp 100.000 đồng thì phải cần tới 40 thành viên, đó là chưa kể chi phí xăng, dầu, bảo dưỡng, nhân công vận hành… Để giúp HTX hoạt động tốt hơn, tôi đề xuất có mức vốn góp tối thiểu để thanh lọc bớt thành viên không thật sự đồng hành cùng HTX”, ông Khoa nói.
Luật quy định vốn góp tối đa không quá 20% vốn điều lệ cũng khiến các HTX kinh doanh dịch vụ cần vốn lớn khó huy động. Ông Lương Tấn Thái, Giám đốc HTX Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa), cho biết: Hoạt động chính của đơn vị là xuất khẩu hàng gỗ mỹ nghệ nên cần vốn lớn để hiện đại hóa dây chuyền sản xuất và mua nguyên liệu. Thành viên HTX có đủ điều kiện kinh tế để góp nhưng luật lại không cho phép góp vốn nhiều. Hiện vốn điều lệ của HTX hơn 6 tỉ đồng, góp vốn không vượt quá 20% tức là khoảng 1,2 tỉ đồng/thành viên. HTX đầu tư khoảng 10 tỉ đồng mua máy móc sẽ phải huy động vốn góp của 7-8 thành viên, trong khi có thể chỉ cần 3-5 thành viên là đủ số vốn này.
Còn với HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam (HTX Hòa Quang Nam) ở huyện Phú Hòa, vốn góp quy đổi từ tài sản thời xưa trở thành mức ấn định khó thay đổi. Theo ông Phan Văn Thuận, Giám đốc HTX này, xuất phát từ HTX cũ nên vốn góp thành viên không bằng tiền mà chủ yếu được quy đổi từ tài sản nên thấp so với giá trị hiện hành. HTX qua quá trình hoạt động có vốn tích lũy ngày càng tăng nhưng mức vốn góp vẫn không đổi nên khi huy động vốn để mở thêm dịch vụ hoặc đầu tư công nghệ máy móc nâng cao dịch vụ gặp nhiều khó khăn bởi liên quan đến nhiều quy định khác.
Níu chân HTX
Những khó khăn liên quan đến vốn góp mà Giám đốc HTX Hòa Quang Nam nói tới là việc chia lợi nhuận cuối năm, là căn cứ thành lập doanh nghiệp trực thuộc, hay mức vốn cho vay tín dụng nội bộ… Thực tế, mỗi HTX gặp một cái khó riêng. Ông Phan Văn Thuận cho biết thêm: Kinh doanh xăng dầu là dịch vụ mang lại doanh thu tốt cho HTX nhưng theo quy định của luật, HTX chỉ được bán ra bên ngoài 50% là không thực tế. Giải pháp cho vấn đề này là thành lập doanh nghiệp trực thuộc nhưng luật lại chỉ cho phép sử dụng 50% vốn điều lệ làm mức đầu tư cho thành lập doanh nghiệp HTX. Trong khi vốn sử dụng cho kinh doanh xăng dầu rất lớn, 50% vốn điều lệ là quá ít. Có nghĩa là vốn huy động thấp nên vốn điều lệ ít thì không đủ xây dựng hạ tầng cây xăng chứ chưa nói đến việc nhập nguyên liệu về bán. Sự mâu thuẫn trong các tỉ lệ theo quy định của luật khiến HTX rất khó để điều chỉnh hoạt động. “Thay vì lấy căn cứ tỉ lệ theo vốn điều lệ, có thể điều chỉnh quy định lấy tỉ lệ từ vốn sản xuất kinh doanh để phù hợp hơn với thực tế hoạt động”, ông Thuận đưa giải pháp.
Ông Trần Tấn Khoa chia sẻ: Thành viên góp vốn là những người đóng góp công sức đầu tiên cho HTX. Họ đáng được chia lợi nhuận đầu tiên với tỉ lệ cao nhưng luật lại quy định thu nhập của HTX sau khi trừ trích quỹ thì phân phối theo mức độ sử dụng dịch vụ, phần còn lại mới chia cho thành viên góp vốn. Điều này không khuyến khích người dân góp vốn vào HTX, đồng thời cũng không công bằng với những người đã bỏ vốn đầu tư.
Theo ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, tất cả những vướng mắc của các HTX trong quá trình thi hành Luật HTX năm 2021 thì vướng mắc về vốn góp, vốn điều lệ là cấp thiết nhất bởi nó liên quan đến “xương sống” của HTX như đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ, chia lãi hàng năm. Những tỉ lệ quy định đang không khuyến khích thành viên góp vốn tham gia HTX, không hỗ trợ HTX hòa nhập thị trường. Đặc biệt là một số dịch vụ kinh doanh như xăng dầu, xây dựng, xuất khẩu… sẽ rất khó duy trì nếu không thành lập được doanh nghiệp trực thuộc HTX.
Các sở, ban ngành, địa phương tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các HTX, liên hiệp HTX, chủ động nắm lại tình hình, phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị này để giải quyết tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các HTX, liên hiệp HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh; báo cáo UBND tỉnh kết quả giải quyết cụ thể và tham mưu UBND tỉnh đề xuất bộ ngành trung ương xem xét bổ sung sửa đổi để tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, HTX phát triển
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh |
BẠCH VÂN