Khoảng một tháng qua, người nuôi vịt bắt đầu vào mùa chạy đồng. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vịt, người chăn nuôi chủ động tiêm phòng vắc xin và thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát khác.
Tăng đàn từ sớm
Theo nhiều người nuôi vịt đẻ, mùa chạy đồng là mùa làm ăn được nhất của người nuôi vịt vì lúc này đàn vịt chủ yếu tìm thức ăn trên các đồng lúa vừa được thu hoạch xong, người nuôi chỉ bổ sung ít cám nên chi phí đầu tư giảm đáng kể so với nuôi nhốt. Chính vì vậy, các hộ nuôi vịt thường tăng đàn rất mạnh vào mùa này.
Ông Trần Văn Đặng, một hộ nuôi vịt ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) cho biết: Đón mùa đồng này, tôi đã nhập giống tăng đàn lên 5.000 con từ hồi tháng 7 nên đến khi vào đồng, vịt cũng vừa đúng kỳ sinh sản. Gia đình tôi đã thuê 180ha đồng từ địa phương và những người khác để chăn vịt. Cũng theo ông Đặng, chính quyền địa phương cần ưu tiên cho những người đang nuôi vịt đàn được thuê đồng, thay vì cho nhiều hộ không nuôi vịt thuê để chúng tôi phải đi thuê lại, đội chi phí lên cao vì giá thuê lại cao gấp đôi.
Tương tự, nhiều ngày qua, gia đình bà Lê Thị Thu Hồng ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) cũng đưa 3.000 con vịt chạy ăn trên khắp các cánh đồng ở địa phương này. Nhờ tận dụng nguồn thức ăn có trên đồng nên mỗi ngày bà chỉ cho ăn bổ sung 1 bao cám, tiết kiệm được hơn 80% chi phí.
Theo người chăn nuôi vịt, thời tiết bắt đầu vào mùa mưa, thức ăn trên đồng khá nhiều nên vịt cho trứng to, nhưng tỉ lệ đẻ lại không đạt bằng mọi năm. Ông Trần Văn Đặng cho biết: Đàn vịt 5.000 con của gia đình mỗi đêm chỉ đẻ được 3.700-3.800 trứng, đạt khoảng 75%, trong khi đó, thông thường mùa chạy đồng vụ 8 này tỉ lệ đẻ phải từ 85-90%. Hiện giá trứng vịt đang được các chủ lò mua từ 21.000-22.000 đồng/chục. Bình quân mỗi đêm cho thu nhập được 8 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 3 triệu đồng. Tuy nhiên mức thu nhập này chỉ có được khi chạy ăn đồng, chứ hết mùa đồng phải nuôi vịt đứng mà giá trứng vẫn ở mức này thì người nuôi vịt chắc chắn sẽ lỗ đậm. Vì vậy khi hết mùa đồng, tôi sẽ giảm đàn xuống 1.500 con.
Chủ động phòng dịch
Để bảo vệ an toàn cho đàn vịt, hiện nay nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nhất là việc tiêm vắc xin phòng. Theo ông Nguyễn Văn Ngời ở xã Hòa Tân Đông (TX Đông Hòa), đàn vịt gia đình ông có hơn 2.000 con, ông đã chi hơn 5 triệu đồng để tiêm vắc xin cúm gia cầm cho toàn đàn. Ông Ngời cho biết: Mùa ăn đồng, đàn vịt di chuyển liên tục từ đồng này qua đồng khác nên nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Trong khi đó, chi phí nuôi một con vịt đến kỳ đẻ trứng (3 tháng) hết khoảng 90.000 đồng, nếu không phòng dịch cho đàn lỡ nhiễm bệnh thì thiệt hại sẽ rất lớn.
Trong khi đó, gia đình bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), vì đàn vịt nhà bà chỉ có 1.500 con nên được tiêm vắc xin cúm gia cầm miễn phí, gia đình bà còn mua thêm vắc xin tả tiêm hết cho cả đàn. Theo bà Tâm, mùa này vịt ăn thức ăn tươi sống trên đồng, cộng với thời tiết mưa nhiều rất dễ bị dịch tả nên cần chủng ngừa hết cho an tâm.
Trưởng trạm Thú y huyện Tuy An Giáp Văn Thức cho biết: Ngoài việc tiêm phòng, trạm còn hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp phòng dịch tại chỗ cho đàn như thường xuyên phun khử trùng môi trường khu vực nhốt, trại vịt cần được che chắn đảm bảo không bị mưa tạt, gió lùa quá nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh sản.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Lâm cho biết: Toàn tỉnh hiện có huyện Phú Hòa và TX Đông Hòa là 2 địa phương có nguy cơ cao bùng phát dịch cúm gia cầm nên được tỉnh hỗ trợ vắc xin cúm gia cầm tiêm miễn phí cho đàn dưới 2.000 con. Các địa phương còn lại, người nuôi phải tự mua vắc xin này để phòng dịch. Tính đến tháng 9/2021, toàn tỉnh đã tiêm được 427.950 liều vắc xin cúm gia cầm, các địa phương cũng đang tiếp tục vận động người dân mua vắc xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh hiện có khoảng 5,1 triệu con, trong đó có hơn 50% là vịt. Toàn tỉnh hiện có 36 trại nuôi vịt, còn lại được nuôi nhỏ lẻ trong dân. Hiện nay, người nuôi vịt nhỏ lẻ đang cho vịt chạy đồng, cộng với thời tiết mưa nắng thất thường nên nguy cơ phát sinh, bùng dịch trên đàn vịt là rất cao. Để bảo toàn đàn vật nuôi, người chăn nuôi cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là việc tiêm phòng vắc xin và vệ sinh môi trường trại nuôi. |
THỦY TIÊN