Tỉnh Phú Yên đang rà soát, điều chỉnh và triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Phóng viên Báo Phú Yên phỏng vấn Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Trọng Tùng |
* Thưa ông, Phú Yên đang triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào để tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp?
- Hiện nay, Sở NN-PTNT đang phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo từng lĩnh vực sản xuất. Về trồng trọt, Phú Yên xây dựng vùng sản xuất tập trung lúa giống và lúa thương phẩm chất lượng cao, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản của tỉnh. Tập trung đầu tư thâm canh mía, sắn trong vùng quy hoạch; đầu tư các vùng trồng rau, vùng trồng hoa tập trung kết hợp với hoạt động du lịch cảnh quan, sinh thái. Tỉnh đang mở rộng diện tích trồng cây ăn quả phù hợp điều kiện từng vùng, hình thành vùng trồng tập trung để kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm cây ăn quả. Ngoài ra, Phú Yên còn tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để đáp ứng nhu cầu của thị trường và phục vụ du lịch.
Về chăn nuôi, tỉnh chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi, đa dạng hóa các vật nuôi có lợi thế như trâu, dê, vịt, chim yến… nhằm tạo ra sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi, thực hiện quy trình chăn nuôi tốt, đảm bảo năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm. Phát triển các trang trại chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp cung cấp giống, thức ăn và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đối với chăn nuôi nông hộ, sẽ hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học và đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh.
Về lâm nghiệp, tiếp tục bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có, tăng cường quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên. Tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng sản xuất, trồng rừng thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm rừng trồng, phát triển trồng rừng cây gỗ lớn. Phát triển nông lâm kết hợp, tạo điều kiện cho các chủ rừng xây dựng phương án và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Về thủy sản, ưu tiên phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, dễ mở rộng thị trường tiêu thụ như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm hùm, cá biển và thủy đặc sản nước ngọt. Đẩy mạnh ứng dụng KH-CN vào nuôi trồng, nhất là công nghệ nuôi trên các vùng biển mở, phát triển nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Tỉnh có chủ trương giảm dần tàu nhỏ khai thác ven bờ, chuyển đổi, cải hoán sang tàu lớn, trang bị hiện đại gắn với giảm tổn thất sau thu hoạch, khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá ngừ đại dương, cá ngừ vằn, cá thu, cá cờ, mực…, đẩy mạnh dịch vụ hậu cần thủy sản.
* Ông cho biết đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025 có những giải pháp gì để sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn phát triển ổn định hơn?
- Để tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, trước mắt tập trung đẩy mạnh sản xuất những sản phẩm thế mạnh của tỉnh có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định, ít ảnh hưởng dịch bệnh. Đối với nhóm sản phẩm chủ lực, trên cơ sở danh mục tỉnh đã ban hành sẽ căn cứ vào lợi thế, điều kiện cụ thể của từng địa phương và nhu cầu thị trường để tổ chức sản xuất phù hợp. Những sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn sẽ tăng cường liên kết giữa các địa phương để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thúc đẩy ứng dụng KH-CN kết hợp cơ giới hóa gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt và tương đương, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Sở NN-PTNT sẽ đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; chính sách, giải pháp để mở rộng quy mô, chất lượng và thương hiệu sản phẩm để tham gia vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia khi đủ điều kiện.
Đối với nhóm sản phẩm đặc sản địa phương sẽ tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ưu tiên lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế, phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phát triển mô hình du lịch cộng đồng mang tính đặc trưng của nông thôn Phú Yên. Sở NN-PTNT đang nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ xây dựng mỗi xã một sản phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước tiếp cận thị trường theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với Chương trình OCOP.
Chế biến cá ngừ đại dương, sản phẩm thế mạnh của Phú Yên để xuất khẩu. Ảnh: ANH NGỌC |
* Để đề án mang lại hiệu quả cao, cần thực hiện các nhóm giải pháp nào trong thời gian tới, thưa ông?
- Sở NN-PTNT đã tiếp nhận và sử dụng kết quả dự án Nghiên cứu đánh giá số lượng đất sản xuất nông nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chính có hiệu quả tại tỉnh Phú Yên do Viện Thổ nhưỡng, Nông hóa chủ trì, kết hợp với định hướng phát triển theo các quy hoạch, đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh và kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương để tư vấn, hướng dẫn người dân sản xuất, trồng trọt phù họp, mang lại hiệu quả kinh tế và làm cơ sở để mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Sở NN-PTNT đang rà soát, tham mưu cho tỉnh để hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Đơn vị tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH-CN vào sản xuất, thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản. Đơn vị đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh sản xuất nông sản sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng cường xúc tiến thương mại nông sản, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế. Các địa phương cần gắn chặt thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới có liên quan, nhất là các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, điện, tổ chức sản xuất, thu nhập với thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp để phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh ổn định và bền vững. Địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của đề án, thúc đẩy sự đổi mới về tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, liên doanh, liên kết, coi thị trường là yếu tố quyết định để mở rộng phát triển sản xuất.
Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn và thử thách, nhất là các yếu tố tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giá cả thị trường…, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp như hiện nay. Vì vậy rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, các thành phần kinh tế cùng bà con nông dân để thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu trên.
* Xin cảm ơn ông!
UBND tỉnh đã thống nhất đặt hàng nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia với đề tài Nghiên cứu xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Phú Yên do Viện Thổ nhưỡng, Nông hóa thực hiện. Sau khi có kết quả nghiên cứu sẽ triển khai các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh.
Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh |
ANH NGỌC (thực hiện)