Ở vùng đất mới, lấy sức mình để đổi lấy cuộc sống và màu xanh hy vọng, anh đã tạo lập cuộc sống mới từ hai bàn tay trắng. Đất mới đãi người mới, nơi trước đây có thể nói là “khỉ ho, cò gáy” giờ trở thành một khu trang trại tổng hợp xanh ngát. Ông chủ khu vườn mẫu ấy là Võ Tấn Quang ở thôn Hòa Bình, xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa).
Từ Nhà thờ Bác Hồ, không khó để đến khu trang trại tổng hợp của ông Võ Tấn Quang. Hỏi thăm chủ quán nước ven đường hay bất kỳ người nông dân nào nơi đây, hầu như ai cũng biết ông với tên gọi Bốn Quang và kỳ tích “lấy sức người vượt sức thiên nhiên” của người đàn ông tuổi ngoài 50 này.
Lạc vào vườn cây ăn trái
Con đường đất rẫy từ đường lớn (quốc lộ 19C) đi xuống mà chiếc xe máy cứ muốn lao dốc, mặc dù ghì ở số 2. Sau một quãng gần 2km là đến thung lũng bằng phẳng, xanh mướt. Một khu vườn ngút ngàn bưởi xanh đang độ cho quả sung sức nhất. Liên dây, liên địa vườn bưởi là vườn cam với gần 500 gốc cam sành. Xa xa phía trũng nước là 800 gốc dừa xiêm lùn trĩu quả…
Theo ông Quang, khu vườn bưởi này đã bước vào năm thứ tư, bắt đầu cho thu hoạch chính vụ. “Chỉ riêng cam sành và bưởi da xanh, năm rồi đã mang về cho gia đình khoảng 200 triệu đồng. Còn 800 gốc dừa xiêm, Tết này cũng sẽ góp vào nguồn thu nhập cho gia đình, chắc cũng kha khá”, ông Quang cười thật thà, tự tin nói về những thành quả bước đầu mà khu vườn mang lại.
Không chỉ có cây ăn quả, trong tổng số hơn 10ha trang trại, ông Quang dành phần đất xấu, nhiều đá để trồng keo lai, vừa cải tạo đất, vừa bảo vệ vườn cây, và hơn nữa, nó như của để dành 5 đến 7 năm sau khai thác. Ông Quang chia sẻ, cuộc đời ông gắn bó với ruộng rẫy, trước đây chỉ biết làm thuê làm mướn và cũng không ít lần thất bại.
“Làm trang trại cây ăn quả lần này, tôi chuẩn bị kỹ kiến thức, lên Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên - EakMat (Đắk Lắk) để tìm cây giống, nhờ tư vấn về thổ nhưỡng, kỹ thuật chăm sóc, cách làm hệ thống tưới nước đảm bảo khoa học, tiết kiệm chi phí”, ông Quang từ tốn.
Sau khi vườn cây ăn quả ổn định, gần đây, ông Quang đầu tư chuồng trại, con giống bài bản để nuôi bò, nuôi gà, vừa tận dụng nguồn phân để chăm bón cho vườn cây. Phía trũng sâu, ông chịu khó đào ao, thả cá, cải thiện đời sống và làm chòi canh nghỉ ngơi, hóng mát.
Nhớ lại ngày đầu gầy dựng
So với cơ ngơi của những nông dân điển hình thì trang trại của ông Quang chưa khiến nhiều người phải nể phục. Nhưng nếu biết xuất phát điểm của ông thì mới hiểu, để có được cơ ngơi hôm nay là một quá trình không phải ai cũng thực hiện được.
Ông Quang không phải dân chính gốc vùng đất Sơn Định, mà quê ở xã Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An), trong một gia đình với số thành viên là một đội bóng, 10 anh chị em. Cuộc sống nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của mình và cố gắng của cha mẹ, ông học đến hết lớp 12. Thời điểm những năm 80-90 thế kỷ trước, người dân nông thôn học hết lớp 12 cũng không dễ dàng. Không có tiền, phía sau còn đàn em nhỏ, ông đành gác lại giấc mơ vào đại học với những người bạn cùng thời.
Bản thân không học được thì các em phải học, trong suy nghĩ của một thanh niên 21 tuổi, ông cảm thấy trách nhiệm càng lớn và chấp nhận trở thành nông phu, cùng cha mẹ ra sức làm lụng nuôi đàn em nhỏ. Sau khi lập gia đình, Bốn Quang cùng vợ rời quê, dắt díu nhau lên vùng đất mới Sơn Định để khai hoang, lập nghiệp.
Với sức trẻ, mỗi ngày ông làm việc quần quật trên những rẫy mía, cà phê nhà người, vừa trang trải nuôi các em và cha mẹ già, vừa dành dụm mua rẫy để thoát kiếp làm thuê. Với 3ha đất mua được, ông học cách trồng cà phê. Sau 5 năm, rẫy cà phê gia đình ông xanh tốt nhất vùng. Niềm vui chẳng tày gang, mùa thu hoạch chính, càphê rớt giá, chạm đáy, chỉ còn 500 đồng/kg. Theo liền 3 năm, giá cà phê vẫn vậy, vợ chồng ông lâm cảnh khó khăn.
Thất bại liên tiếp, ông như gục ngã bởi điệp khúc “được mùa mất giá” ám ảnh người nông dân. Ông chuyển sang trồng môn bạc hà, thời gian còn lại tiếp tục làm mướn.
Nhưng ý thức của người nông dân được học hành đã kéo ông trở lại. Hai vợ chồng quyết định phá cà phê trồng mía, loại cây xóa đói giảm nghèo, được nhà máy hợp đồng bao tiêu, không lo rớt giá. Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, sau 2 năm, rẫy mía của gia đình ông đứng đầu về năng suất và sản lượng (mỗi năm gần 500 tấn), ở 3 xã cánh bắc huyện Sơn Hòa (Sơn Long, Sơn Xuân, Sơn Định).
Rồi cây mía cũng không ổn, giá bấp bênh, một lần nữa ông chuyển hướng trồng cây ăn quả kết hợp nuôi bò.
Mất gần 30 năm (từ năm 1994), ông Quang mới tạm gầy dựng được cơ nghiệp cho mình với một trang trại tổng hợp vườn cây, ao cá, trại bò. Tuy nhiên, niềm vui và tự hào lớn nhất của ông là việc các em được học hành đến nơi đến chốn; 2 con trai của ông cũng hơn cha khi tốt nghiệp đại học.
“Chí thú làm ăn, không đầu hàng thất bại, sau mỗi lần thất bại, ông Võ Tấn Quang lại có thêm bài học và tìm hướng đi mới hiệu quả hơn. Giờ đây, khu trang trại tổng hợp của ông được chọn là mô hình vườn mẫu của xã, sẽ được hỗ trợ theo chương trình nông thôn mới nâng cao”, ông Nguyễn Minh Hoài, Chủ tịch UBND xã Sơn Định cho biết.
Ước mơ của anh nông dân vườn mẫu
Với người nông dân, đất đai là cơ nghiệp, nhưng với ông Quang, điều đó chưa hẳn, mà cơ nghiệp còn là kiến thức. Sau gần 30 năm lăn lộn, từ làm thuê làm mướn đến làm chủ, ông nhận thức rõ một điều, muốn đạt hiệu quả, dù là nông dân cũng phải có kiến thức, bên cạnh sự nỗ lực, chí thú làm ăn.
“Nhờ đi học tập mô hình các nơi mà tôi biết cách quy hoạch trang trại của mình hợp lý, biết cách bố trí hệ thống tưới nước tiết kiệm, hiệu quả. Cũng chính nhờ chịu khó học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm mà vườn cây ăn quả sai trái, vật nuôi đỡ bệnh dịch”, ông Quang khẳng định.
Sau niềm vui hoàn thành trách nhiệm, vai trò với đàn em và hai con, giờ đây, người nông dân ở tuổi ngũ thập muốn đi tham quan, học tập để có kiến thức khoa học, làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ trên chính mảnh đất mà hai vợ chồng đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt tạo lập được. Với ông, làm nông nghiệp ứng dụng khoa học để không tốn nhiều công sức, sản phẩm được nâng cao giá trị.
Và một mong ước nhỏ, nhưng lại là nỗ lực lớn trước mắt của ông là cùng với sự hỗ trợ của địa phương và các hộ dân trong vùng xã hội hóa làm con đường bê tông, nối từ đường lớn đến tận chân rẫy của mỗi gia đình. Có như vậy, nông sản mới đi xa và sức người đỡ vất vả.
TRẦN QUỚI - BÍCH NGÂN