Krông Pa là xã miền núi khó khăn của huyện Sơn Hòa, giáp ranh với tỉnh Gia Lai. Toàn xã có 867 hộ dân, hơn 4.000 nhân khẩu, với hai phần ba dân số là người dân tộc Ê Đê. Trước đây, người dân chủ yếu phát rừng làm rẫy, cuộc sống luôn trong cảnh thiếu ăn, nghèo khó.
Giai đoạn 2011-2015, xã Krông Pa có 421 hộ nghèo với 2.041 nhân khẩu, chiếm tỉ lệ 57,2%. Trước thực trạng khó khăn đó, UBND xã Krông Pa thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Nhiều hộ thoát nghèo
Ông Lê Văn Diễu, Chủ tịch UBND xã Krông Pa, cho biết: Toàn xã có 867 hộ dân, trong khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp có tới 2.137,38ha/4.247,76ha diện tích đất tự nhiên. Phần lớn hộ nghèo có đất, nhưng thiếu vốn sản xuất, do vậy giải pháp tìm nguồn vốn ưu đãi đầu tư cho sản xuất là vấn đề quan trọng.
Hàng năm, thông qua các tổ chức đoàn thể: nông dân, phụ nữ, thanh niên, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Sơn Hòa đã cho hàng trăm lượt hộ nghèo vay vốn sản xuất. Năm 2020, bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, NHCSXH huyện Sơn Hòa đã thực hiện cho vay 579 lượt hộ với hơn 20 tỉ đồng đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, học tập của học sinh, sinh viên, xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Mí Ối ở buôn Chơ, cách đây 2 năm còn trong diện hộ nghèo, nay đã trở nên khấm khá nhờ biết cách làm ăn và sự giúp đỡ của Nhà nước. Mí Ối tâm sự: “Gia đình tôi là hộ nghèo nhiều năm liền. Mấy năm qua, nhờ cán bộ Sở LĐ-TB-XH hỗ trợ kinh phí, bò giống và cách chăn nuôi..., tôi cũng chăm chỉ làm ăn nên đã thoát nghèo”.
Bà HVing HTrấc ở buôn Lé B trước kia cũng thuộc diện nghèo, được hội phụ nữ đứng ra tín chấp, gia đình được vay ba đợt với tổng vốn 80 triệu đồng. Nguồn vốn này được gia đình bà HVing HTrấc đầu tư nuôi bò, bằng cách chuyển đổi mua giống bò lai thay bò cỏ, có giá trị cao hơn. Đến nay, gia đình bà đã có đàn bò lai trị giá hơn 100 triệu đồng. “Gia đình tôi có mấy hécta đất rẫy trồng sắn, bốn sào lúa nước, cộng với được vay vốn nuôi bò, nên bây giờ đã có của ăn của để”, bà HVing HTrấc tâm sự.
Già làng Oi Rí ở buôn Lé B năm nay đã 80 tuổi, cho biết ông rất vui cái bụng khi thấy sự đổi thay của buôn làng: “Cái thời chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đói lắm phải lên rừng đào củ nần ăn. Bây giờ Nhà nước làm đường, làm điện và làm cả nhà cho bà con ở nữa. Nhà tôi, làng tôi biết ơn Đảng, Bác Hồ đã đem lại cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay…”.
Tập trung giúp dân vượt khó
Cũng theo ông Lê Văn Diễu, cùng với sự nỗ lực, tự người dân vươn lên thoát nghèo, thời gian qua, Nhà nước cũng đầu tư nhiều chương trình như: Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; khuyến nông - lâm - phát triển sản xuất; hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt; công tác dạy nghề cho người nghèo, người dân tộc thiểu số...
Đặc biệt, năm 2014, Nhà nước đầu tư trạm bơm điện buôn Lé (đặt tại xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa), thực hiện dự án san ủi cánh đồng lúa nước và chỉ đạo địa phương vận động các hộ dân tự nguyện dồn điền đổi thửa, chia đều lại đất để trồng cây lúa nước hai vụ. UBND xã Krông Pa phối hợp Phòng NN-PTNT huyện tích cực vận động bà con nhân dân trồng lúa nước. Đến nay đã có hơn 200 hộ dân trồng lúa nước, với diện tích gần 100ha. Nhờ đó, không còn hộ đói, bà con rất vui mừng.
HVing HĐiếp nói: “Mình không dám nghĩ chỉ sau gần 10 năm mà đã có nhà ở, con cái được chăm sóc, học hành đầy đủ như thế này! Nhờ Nhà nước cho vay vốn, làm đường giao thông, làm công trình thủy lợi cho bà con làm lúa nước, giờ chỉ ai không chịu khó làm ăn mới nghèo đói thôi!”.
“Cây lúa nước đã thật sự làm thay đổi tập quán canh tác của bà con. Có lúa, không lo đói, bà con nuôi thêm con bò, trồng cây mía bán có thu nhập cao. Tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2015-2020 giảm bình quân 4%/năm, cuộc sống người dân Krông Pa đã thật sự đổi khác”, Chủ tịch UBND xã Krông Pa Lê Văn Diễu khẳng định và cho biết: Trong thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã sẽ tiếp tục chú trọng các biện pháp tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm bản thân, từ đó chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Đồng thời tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài. Tăng cường triển khai các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như: GD-ĐT; bảo hiểm y tế; khám, chữa bệnh; nhà ở và các chương trình, dự án về nước sinh hoạt, xây dựng chuồng trại chăn nuôi và nhà tiêu hợp vệ sinh...
Cây lúa nước đã thật sự làm thay đổi tập quán canh tác của bà con. Có lúa, không lo đói, bà con nuôi thêm con bò, trồng cây mía bán có thu nhập cao. Tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2015-2020 giảm bình quân 4%/năm, cuộc sống người dân Krông Pa đã thật sự đổi khác. Ông Lê Văn Diễu, Chủ tịch UBND xã Krông Pa |
VĂN TRÌNH - HOÀNG LÊ