Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) là hiệp định thế hệ mới giữa Việt Nam và các nước thành viên châu Âu. Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tạo nhiều cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng. Báo Phú Yên phỏng vấn TS Huỳnh Văn Trọng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP United Partners Solutions Việt Nam (UPS Việt Nam) về những vấn đề liên quan.
Với chức năng là một đơn vị chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp xâm nhập vào các thị trường Mỹ, Canada, Úc, châu Âu, New Zealand..., UPS Việt Nam tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, tư vấn hỗ trợ xuất khẩu giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.
* EU là một trong những thị trường nhiều tiềm năng có nhiều tác động đến nền kinh tế Việt Nam; trong đó có nhiều doanh nghiệp của Phú Yên. Việc tham gia Hiệp định EVFTA sẽ mang lại lợi thế gì cho nền kinh tế nước ta?
- Hiệp định EVFTA là một trong những hiệp định quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Lợi ích lớn nhất là giảm các chính sách thuế về 0% trong vòng 3-7 năm. Đây là một điều kiện rất quan trọng đối với các doanh nghiệp nước ta.
Thứ hai, với hiệp định này, các doanh nghiệp Việt Nam còn có một ưu thế nữa là tăng tỉ lệ xuất khẩu; mở rộng các ngành hàng mới đáp ứng các yêu cầu của Liên minh châu Âu.
TS Huỳnh Văn Trọng |
* Bên cạnh thuận lợi, việc tham gia hiệp định này cũng mang lại những thách thức nhất định cho doanh nghiệp trong nước. Ông có thể nhận diện một số bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia EVFTA?
- Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc tham gia EVFTA không chỉ là cơ hội, mà còn có khó khăn, thách thức nhất định. Ví dụ, đối với ngành Dệt may, theo quy định của Liên minh châu Âu, tất cả nguyên liệu sản xuất phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc các nước trong cộng đồng Liên minh châu Âu. Các quy định về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt. Ngoài ra, các quy định về điều kiện lao động, an toàn lao động hay ảnh hưởng môi trường, sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân như giày dép, thì doanh nghiệp Việt phải lưu ý, kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
* Trước những thuận lợi và khó khăn trên, các doanh nghiệp Việt phải làm gì để nắm bắt tốt cũng như thích ứng khi tham gia EVFTA?
- Đầu tiên, các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về hiệp định này để nắm bắt chi tiết các điều khoản của hiệp định. Thứ hai, các doanh nghiệp phải cải tiến, xây dựng lại các quy trình sản xuất phù hợp với các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu. Thứ ba, các doanh nghiệp phải tập trung chú ý các điều kiện về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, các nguyên phụ liệu; đặc biệt là các ngành chế biến gỗ, may mặc, thủy sản…
* UPS Việt Nam vừa gia nhập Hội Doanh nghiệp Phú Yên. Với vai trò, chức năng cũng như kinh nghiệm của mình, sắp tới đơn vị sẽ có những hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp Phú Yên trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thế giới nói chung và EU nói riêng?
- Là một thành viên mới của Hội Doanh nghiệp Phú Yên, UPS Việt Nam mong muốn sẽ trở thành cầu nối giúp các doanh nghiệp của tỉnh tiếp cận với các doanh nghiệp lớn trong nước cũng như thế giới.
UPS Việt Nam là đơn vị chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp xâm nhập vào các thị trường Mỹ, Canada, Úc, châu Âu, New Zealand... Với vai trò của mình, chúng tôi sẵn lòng chia sẻ những kinh nghiệm cũng như làm cầu nối tổ chức các buổi khảo sát thực tế tại các quốc qua này để tìm kiếm đối tác, thị trường mới cho các doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, UPS Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về các hiệp định, về thuế quan để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nắm bắt hiệu quả các quy định khi tham gia những hiệp định quốc tế mới. Điều này sẽ tạo nhiều lợi thế cho doanh nghiệp trong nước trong tiến trình hội nhập, phát triển thị trường quốc tế.
NGÔ XUÂN (thực hiện)