Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An vừa yêu cầu các ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn tỉnh này báo cáo về việc cho vay bán kèm bảo hiểm. Bởi hiện nay trên địa bàn tỉnh Long An đang xảy ra tình trạng các ngân hàng thương mại “ép” khách hàng khi đến làm hồ sơ, thủ tục vay tiền phải mua thêm các loại bảo hiểm không liên quan, như: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ… Người nào chấp nhận mua thêm các loại bảo hiểm này thì được duyệt hồ sơ cho vay sớm, còn nếu không thì không được vay tiền hoặc bị trì hoãn duyệt hồ sơ và giải ngân.
Được biết không riêng Long An mà tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, việc ngân hàng yêu cầu người vay phải mua sản phẩm bảo hiểm mới được vay khá phổ biến, khiến nhiều khách hàng bức xúc. Phú Yên cũng không ngoại lệ. Chị H.T.H ở phường 9 (TP Tuy Hòa) cho hay: Đầu năm nay, vợ chồng tôi mua nhà thiếu tiền nên tìm đến một chi nhánh ngân hàng thương mại ở phường 6, TP Tuy Hòa đăng ký vay vốn. Sau khi hoàn thành hồ sơ, cán bộ tín dụng ngân hàng này mới cho tôi hay phải ký hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ thì mới được giải ngân vốn vay. Thủ tục làm rồi, bỏ đi ngân hàng khác thì phải làm lại từ đầu; chủ nhà lại đang hối chồng tiền nên tôi đành vay luôn chứ thực ra tôi không có nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ. Chưa kể khoản tiền bảo hiểm 12 triệu đồng/năm không phải là nhỏ đối với người buôn bán ở vỉa hè như vợ chồng tôi.
Hiện nay, việc ngân hàng hợp tác với bảo hiểm được xem như phương án đôi bên cùng có lợi, vừa tận dụng được nguồn khách hàng, mạng lưới phân phối, vừa mang lại nguồn thu. Bên cạnh đó, mua bảo hiểm cũng là một cách chia sẻ rủi ro; bởi trong thời gian vay vốn, nếu chẳng may khách hàng gặp rủi ro bất khả kháng, không trả được nợ vay thì công ty bảo hiểm sẽ đứng ra trả nợ thay cho khách hàng. Khi đó, ngân hàng không mất vốn, còn gia đình của khách hàng thì bớt gánh nặng tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc người vay vốn cũng được hưởng lợi khi mua kèm bảo hiểm. Tuy nhiên, việc mua kèm này phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người vay thì mới hợp lý. Cán bộ tín dụng chỉ có trách nhiệm tư vấn, khuyến khích, giúp khách hàng thấy được sự cần thiết phải mua bảo hiểm khi vay vốn, còn việc lựa chọn như thế nào là tùy vào quyết định của khách hàng. Chứ nếu cán bộ ngân hàng vì phải chạy chỉ tiêu nên “ép buộc” người vay, “dọa” không giải ngân khi khách hàng không mua bảo hiểm, đẩy khách hàng vào “bước đường cùng” phải mua sẽ khiến người vay rất bức xúc.
LÊ HẢO