Thứ Năm, 03/10/2024 05:25 SA
Hiệu quả từ mô hình trồng keo tái sinh hạt
Thứ Năm, 30/05/2019 07:11 SA

Ông Điện đang dọn thực bì tạo khoảng trống để cây phát tán hạt - Ảnh: MINH DUYÊN

Hiểu và nắm rõ quá trình sinh trưởng phát triển của cây keo lai, nhiều hộ đã tạo ra rừng keo lai trồng một lần hưởng cả đời. Cách làm này giúp người trồng tiết kiệm rất nhiều chi phí giống, phân bón, công chăm sóc.

 

Thông thường người trồng keo chỉ trồng 5 năm là thu hoạch. Tùy theo giá ở thời điểm bán ra, người trồng có lãi từ 30-50 triệu đồng/ha. Tuy nhiên khi gặp bão, cây ngã đổ, chất lượng gỗ giảm thì người trồng bị lỗ hoặc may mắn là hòa vốn. Việc trồng rừng tái sinh hạt sẽ tiết kiệm được chi phí ban đầu và tạo ra rừng cây gỗ lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Ông Nguyễn Văn Thuyên, một hộ trồng rừng ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa), cho biết: Tôi nhớ bão năm 1993, cây ngã đổ bật gốc, nhiều hộ sau đó không có khả năng trồng lại. Vì không còn vốn nên nhiều người đã bán gỗ tạp rồi đốt dọn, vừa đốt xong gặp mưa, cây keo con tự mọc lên, thế là họ để và thành rừng keo mới. Học được kinh nghiệm này, tôi áp dụng trên diện tích 20ha đất rừng sản xuất. Tôi đã phân ra làm 5ha rừng 5 năm, 10ha 8 năm và 5ha 10 năm; vừa có gỗ tạp bán làm nguyên liệu giấy vừa có gỗ lâu năm bán làm đồ gia dụng cho các xưởng gỗ. Nhờ đó, hàng năm gia đình đều có nguồn thu từ bán gỗ keo, lại tiết kiệm được chi phí ban đầu.

 

Ông Trần Văn Điện ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) cũng nhờ trồng keo tái sinh hạt mà thu lợi nhuận kinh tế cao hơn. Theo ông Điện, khi bắt đầu trồng ông áp dụng kỹ thuật trồng rừng 5 năm. Sau 5 năm, thay vì khai thác hết toàn bộ và trồng mới, ông chỉ tỉa thưa để tạo ra rừng gỗ lớn 8-10 năm. Đây là giai đoạn gỗ keo khai thác đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Trong giai đoạn này, chi phí cho năm đầu tiên gồm giống, phân, nhân công, chi phí vận chuyển… hết 15 triệu đồng/ha.

 

Sang năm thứ hai, năm thứ ba, chi phí tỉa cành làm thực bì là 5 triệu đồng/ha/năm. Năm thứ 5 khai thác gỗ bán, với giá gỗ cao như năm nay thì người trồng thu lãi từ 50-70 triệu đồng/ha. Nhưng khi khai thác tỉa, tức là chặt bán 60% lượng gỗ thì thu lãi bình quân 30 triệu đồng/ha. Tới đây người trồng đã đủ bù chi phí ban đầu. Phần cây còn lại để tiếp 5 năm, giai đoạn này không cần đầu tư cũng không lo gió bão vì rễ cây bám sâu vào đất, tán cây phủ rộng, những cây bụi, cành thừa phía dưới không thể phát triển thì tự lụi nên không tốn chi phí làm thực bì.

 

“Sau đó cây sẽ ra hạt, tôi sử dụng lượng hạt đó làm giống. Bắt đầu sang năm thứ 8, đầu xuân cây kết trái đến tháng 4, tháng 5 rụng hạt thì tháng 7 bắt tay vào khai thác bán gỗ và cuối mùa thu dọn đốt thực bì để mùa mưa hạt keo sẽ tự mọc cây non. Tôi chỉ việc dặm keo non theo hàng, khoảng cách quy định để bắt đầu một chu kỳ trồng rừng mới. Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả của kỹ thuật này thì khoảng cách tỉa thưa khi keo ở năm thứ 5 là rất quan trọng nhằm tạo điều kiện cho cây ra nhiều trái và phân tán hạt giống”, ông Điện nói.

 

Theo ông Nguyễn Văn Hà, chuyên gia về rừng trồng, đang hỗ trợ dự án VIE6566 (dự án Hỗ trợ các hộ trồng rừng quy mô nhỏ hướng tới chứng chỉ rừng tại Việt Nam của Cơ quan nông nghiệp Phần Lan) ở Phú Yên thì cây cối có khả năng tự tái sinh theo nhiều cách, có thể bằng thân (bạch đàn), bằng hạt (keo)… Người trồng biết tận dụng đặc tính này sẽ giảm được nhiều chi phí. Song để cây phát triển tốt cần nắm vững kỹ thuật trồng để đảm bảo ánh sáng, khoảng cách cho cây dễ phân tán hạt.

 

BẠCH VÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek