Thứ Bảy, 05/10/2024 18:11 CH
Phát triển nghề chăn nuôi dê theo hướng bền vững
Thứ Bảy, 06/04/2019 10:00 SA

Ông Cảnh bổ sung khẩu phần ăn cho đàn dê bằng lá cây, cỏ và cám bột giúp dê phát triển tốt - Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Trung tâm Khuyến nông đang triển khai dự án Xây dựng vùng chăn nuôi dê thâm canh ứng phó biến đổi khí hậu gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Yên 2018-2020. Đây là dự án nhằm phát triển chăn nuôi dê theo hướng thâm canh, liên kết đầu ra để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, hướng tới hình thành một số vùng chăn nuôi dê bền vững.

 

Nhiều hỗ trợ cho người nuôi

 

Theo Trung tâm Khuyến nông, Phú Yên có diện tích đất sản xuất nông nghiệp rộng lớn, nhiều vùng đồi núi, rẫy rừng phân bổ ở các địa phương là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề chăn nuôi dê. Tuy nhiên, lâu nay đối tượng nuôi này chưa được chú trọng, bà con chủ yếu sản xuất theo hướng chăn thả tự nhiên nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

 

Để xây dựng và hình thành được một số vùng nuôi dê trọng điểm, từ năm 2018, trung tâm đã triển khai dự án Xây dựng vùng chăn nuôi dê thâm canh ứng phó biến đổi khí hậu gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Yên 2018-2020.

 

Bà Lê Thị Duy Đính, chủ nhiệm dự án cho biết: Mô hình này được triển khai tại các huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tuy An và TP Tuy Hòa với 24 hộ dân tham gia. Khi tham gia mô hình, bà con sẽ được hỗ trợ 100% con giống, 30% chi phí thức ăn dê cái sinh sản lứa đầu, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho dê... Dê giống hỗ trợ theo chương trình này gồm 2 loại. Dê cái giống Bách Thảo, khoảng 7-8 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 20kg/con. Dê đực giống Boer từ 8-9 tháng tuổi và có trọng lượng 30kg/con, đảm bảo điều kiện để vào kỳ sinh sản. Các hộ tham gia mô hình phải đáp ứng đủ điều kiện về chuồng nuôi, có diện tích trồng cỏ hơn 250m2 và có kinh nghiệm nuôi dê từ 10 con trở lên. Đến nay, đơn vị đã lựa chọn và hỗ trợ dê giống cho 12 hộ dân ở các huyện Phú Hòa và Đông Hòa.

 

Ông Nguyễn Ngọc Tại ở thôn Mậu Lâm Bắc, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) cho biết: Vừa qua, tôi được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 7 con dê cái và 1 con dê đực với giá trị hơn 20 triệu đồng. Đây là một số tiền khá lớn đối với nông dân như chúng tôi. Từ số dê giống này, tôi sẽ cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng để nhân đàn lên nhiều hơn nữa.

 

Còn theo ông Lê Anh Phùng ở thôn Bàn Nham, xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa), không chỉ được hỗ trợ dê giống, một phần chi phí thức ăn, mà bà con còn được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc thâm canh giúp dê phát triển tốt nhất. Nhờ vậy, người dân biết cách nhận diện các dấu hiệu dê cái động dục, có thai, sắp sinh... để có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý.

 

Theo bà Lê Thị Duy Đính, thực hiện dự án, bước đầu trung tâm đã trao hỗ trợ 92 con dê giống cho 12 hộ dân ở các xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) và xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa). Trung tâm đang tiếp tục khảo sát, thẩm định thêm 12 hộ khác ở huyện Tuy An và TP Tuy Hòa để tiến hành hỗ trợ dê giống đợt 2.

 

Kết quả bước đầu

 

Theo Trung tâm Khuyến nông, sau hơn 4 tháng kể từ khi bàn giao dê cho các hộ nuôi ở huyện Phú Hòa và Đông Hòa, đến nay, 92 con dê giống đều phát triển khỏe mạnh, tỉ lệ dê cái thụ thai đạt khoảng 60% và đã có 4 dê con được sinh ra. Đồng thời, các hộ nuôi dê đã bắt đầu áp dụng những biện pháp thâm canh chăm sóc cho dê.

 

Ông Nguyễn Ngọc Tại cho biết: Hiện nay, ngoài việc chăn thả dê trên rẫy, mỗi ngày tôi còn bổ sung thêm 2 bữa ăn vào sáng và chiều cho dê với cỏ và cám bột. Nhờ vậy, đàn dê phát triển rất tốt, hiện đã sinh được 2 dê con và 2 con khác đang chuẩn bị sinh.

 

Tương tự, hiện nay 7 con dê cái do Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ cho gia đình ông Nguyễn Cảnh ở thôn Ngọc Sơn Tây, xã Hòa Quang Bắc cũng sắp đẻ nên ông đang chăm sóc rất kỹ cho đàn dê. Ông Cảnh cho hay: Do dê cái đẻ lứa đầu nên thường mỗi con chỉ đẻ được 1 dê con. Nhưng ở những lứa tiếp theo, số lượng dê con sinh sản sẽ được từ 3-4 con/lần.

 

Còn theo ông Tô Thái Thượng ở thôn Mậu Lâm Bắc, xã Hòa Quang Bắc, sau khi được cán bộ hướng dẫn và phân tích những lợi ích, hiệu quả của việc thâm canh, chăm sóc dê sinh sản, gia đình ông không còn nuôi dê theo phương thức chăn thả nữa mà chuyển sang nuôi nhốt cho ăn đầy đủ.

 

Thức ăn cho dê chủ yếu là cỏ trồng, các loại lá cây hái được trong vùng và bổ sung cám bột. Với cách nuôi này, không chỉ 8 con dê được hỗ trợ theo chương trình mà toàn bộ đàn dê của gia đình ông sinh trưởng rất tốt, tỉ lệ đậu thai cũng cao hơn hẳn.

 

Bà Lê Thị Duy Đính cho biết: Thời gian tới, trung tâm sẽ tổ chức các hội nghị tuyên truyền tính hiệu quả của mô hình đến với các hộ nuôi dê trên địa bàn để bà con áp dụng vào chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, tiến đến hình thành vùng chăn nuôi dê tập trung, bền vững. Đồng thời đơn vị còn làm cầu nối, kết nối người nuôi với các cơ sở kinh doanh dê thương phẩm trên địa bàn để mở rộng đầu ra cho người chăn nuôi dê, từ đó hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi - tiêu thụ, giúp ổn định đầu ra cho người nuôi.

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek