Thứ Hai, 14/10/2024 05:21 SA
Khởi nghiệp không dừng ở... ý tưởng
Thứ Sáu, 02/11/2018 07:14 SA

Các tác giả Ngô Huỳnh Ngọc Khánh và Đoàn Vinh Phú trao đổi với một khán giả quan tâm đến các sản phẩm của dự án iNut Platform - Hệ sinh thái Internet of Things - Ảnh: LÊ HẢO

Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Phú Yên năm 2018 vừa chính thức khép lại với giải nhất thuộc về dự án iNut Platform - Hệ sinh thái Internet of Things của nhóm tác giả Ngô Huỳnh Ngọc Khánh, Đoàn Vinh Phú, Phạm Huỳnh Khanh. 10 dự án còn lại cùng lọt vào vòng chung kết cũng đã đem đến những sắc màu riêng, thể hiện bản lĩnh và khát vọng khởi nghiệp của người trẻ.

 

Xuất phát từ nhu cầu thực tế

 

Kết thúc cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Phú Yên năm 2018, Ban tổ chức công bố giải nhất thuộc về dự án iNut Platform - Hệ sinh thái Internet of Things của nhóm tác giả Ngô Huỳnh Ngọc Khánh, Đoàn Vinh Phú, Phạm Huỳnh Khanh; dự án Khởi nghiệp từ hoa lan của tác giả Lê Văn Khương nhận giải nhì; dự án Vó ngựa An Hiệp của nhóm tác giả Kiều Thị Diễm My, Lê Quốc Huy và dự án Chiếc nôi di động của tác giả Phạm Ngọc Vũ đồng giải ba.

Bắt đầu bài thuyết trình dự án của mình bằng cách dùng búa gõ thật mạnh vào... cánh cửa sản phẩm đã chuẩn bị trên sân khấu, anh Võ Lương Huyền Vân, tác giả dự án Cửa thông minh Smartwindow, gây bất ngờ cho cả ban giám khảo và những khán giả ngồi xem.

 

Điều bất ngờ hơn là dù anh Vân có đập mạnh cỡ nào thì cửa kính vẫn không vỡ. Anh Vân cho biết: Tôi có một công ty chuyên sản xuất cửa ở phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa. Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy có ba vấn đề mà khách hàng thường xuyên đặt ra yêu cầu tôi phải giải quyết.

 

Đó là làm sao để cửa có thể chống trộm được, tuy là kính nhưng đập không vỡ; làm sao để cửa kính không cần có rèm vẫn đảm bảo độ che như có rèm; và làm sao để khi trời mưa, cửa tự động đóng lại mà chủ nhà không cần phải tự tay đóng.

 

Giải quyết được những câu hỏi này, tôi đã cho ra đời sản phẩm cửa thông minh Smartwindow bằng cách lắp đặt một bộ cảm biến được điều khiển từ xa vào hệ thống cửa bình thường. Từ đó, cửa có thể tự đóng mở, tự điều chỉnh lượng gió, ánh sáng vào nhà... sau khi được lập trình hoặc qua một quá trình “tự học hỏi”.

 

Khác với anh Vân, nhận thấy đời sống của người dân ở vùng nông thôn còn thấp, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp thông thường và chăn nuôi ở quy mô nhỏ lẻ, nhóm tác giả đến từ xã An Phú (TP Tuy Hòa) đã thực hiện dự án Nhà máy tái chế tự nhiên.

 

“Mục đích là tái sử dụng nguồn rác thải hữu cơ (phân bò) để nuôi trùn quế nhằm đem lại thêm nguồn thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần cải thiện môi trường sống. Đến nay, về cơ bản chúng tôi đã hoàn thiện quy trình sản xuất, đưa ra thị trường sản phẩm phân trùn quế, dịch trùn quế và ký gửi ở hai đại lý chuyên bán những sản phẩm này ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa”, anh Phan Xuân Danh, một tác giả trong nhóm nói.

 

Không riêng hai dự án nói trên, hầu hết các dự án tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Phú Yên năm 2018 đều xuất phát từ thực tế cuộc sống. Có dự án mong muốn đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng (Thực phẩm Dân Quê, Hệ thống Aquaponics trồng rau nuôi cá kết hợp IoT), có dự án khai thác tiềm năng phát triển du lịch của địa phương (Vó ngựa An Hiệp, Du lịch thanh niên, Rượu dứa và bò vàng tắm nắng Sông Hinh), có dự án là nền tảng công nghệ giúp cho việc lập trình IoT trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn (iNut Platform - Hệ sinh thái Internet of Things)...

 

Hay đơn giản như anh Phạm Ngọc Vũ, tác giả dự án Chiếc nôi di động, chia sẻ: “Sau khi có con gái, tôi đã làm một số vật dụng như nôi di động, xe đẩy kết hợp bập bênh... để tặng con. Trong quá trình làm, tôi có quay clip, đăng lên facebook thì nhận được nhiều lời khen và chia sẻ. Sau đó, nhiều bà mẹ ngỏ lời đặt tôi làm nôi cho con của họ. Rồi tôi biết đến cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Phú Yên năm 2018 và đem sản phẩm mình làm ra đến dự thi”.

 

Anh Võ Lương Huyền Vân thuyết trình về dự án Cửa sổ thông minh Smartwindow - Ảnh: LÊ HẢO

 

Biến ý tưởng thành hành động

 

Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Phú Yên năm 2018 do Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên tổ chức, thu hút 33 dự án của các tác giả, nhóm tác giả trẻ là người Phú Yên đang học tập, làm việc ở trong và ngoài tỉnh tham gia.

 

Qua hai vòng sơ loại và bán kết, Ban tổ chức cuộc thi đã chọn được 11 dự án vào vòng chung kết. Tròn 7 tháng từ khi phát động đến khi kết thúc (tháng 4-10/2018), nhiều dự án đã được các tác giả triển khai trên thực tế chứ không chỉ dừng ở ý tưởng, một số dự án còn được thực hiện trước đó rồi mới dự thi.

 

Đoàn Vinh Phú, đồng tác giả dự án iNut Platform - Hệ sinh thái Internet of Things, cho hay: Nhóm đã thành lập công ty và bán sản phẩm ra thị trường. Sau 2 tháng hoạt động, chúng tôi tiếp cận được các khách hàng trong ngành yến, ngành nấm với doanh thu hơn 400 triệu đồng. Sau đó, nhiều khách hàng ở các ngành hàng khác cũng tìm đến iNut Platform để giải quyết bài toán của họ thông qua công nghệ IoT. Ngoài ra, chúng tôi còn kêu gọi được một nhà đầu tư góp vốn để phát triển công ty.

 

Hay như dự án Vó ngựa An Hiệp đã được triển khai trước khi nhóm tác giả đưa dự án đến với cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Phú Yên năm 2018. Theo chị Kiều Thị Diễm My, đồng tác giả dự án này, thời gian qua, dự án đã cung cấp 6 con ngựa đạt tiêu chuẩn để cho du khách thuê cưỡi, chụp hình, quay phim tại danh thắng cấp quốc gia Gành Đá Đĩa với giá 20.000 đồng/người/lượt.

 

Thời gian tới, nếu gọi được vốn và xin được giấy phép thì nhóm sẽ đầu tư 2 cỗ xe ngựa chuyên chở du khách theo 2 tuyến: từ cổng gành Đá Đĩa đến gành Đèn và ven bờ biển TP Tuy Hòa với giá vé dự kiến 30.000 đồng/người/lượt.

 

Đánh giá về các dự án tham gia vòng chung kết, TS Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Thái Bình Dương - thành viên ban giám khảo nói: Trong 11 dự án tham gia vòng chung kết có những dự án có ý tưởng mới, sát thực với tình hình khu vực miền Trung và tại Phú Yên.

 

Các tác giả nghiên cứu khá chi tiết về sản phẩm của mình và có thể triển khai kinh doanh. Tuy nhiên, trước khi bước vào kinh doanh thì các bạn phải tính toán, cân nhắc lại một số vấn đề mà ban giám khảo phản biện, góp ý để việc khởi nghiệp được thuận lợi, hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.

 

Còn theo ThS Nguyễn Xuân Châu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Thành - nhà tài trợ của cuộc thi, nhiều dự án lọt vào vòng chung kết có tính sáng tạo và thực tiễn khá cao. Điểm yếu của các tác giả là chưa chú trọng về phần marketing, thương hiệu, thương mại hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, một số tác giả còn bị lực cản là sức ỳ.

 

“Các bạn có thể có ý tưởng, các bạn có thể đã làm ra sản phẩm nhưng các bạn lại không nghĩ đến việc đăng ký sở hữu và không mạnh dạn thương mại hóa sản phẩm để bán ra thị trường thì các đối thủ cạnh tranh sẽ vượt lên trong tích tắc và bạn sẽ thất bại. Thời gian không chờ một ai. Do đó, các bạn phải biết nắm bắt thời cơ để thành công”, anh Châu nói.

 

ANH PHAN ĐẮC HOAN, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HỘI DOANH NHÂN TRẺ PHÚ YÊN, TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC CUỘC THI: Thành lập CLB Khởi nghiệp để hỗ trợ các dự án sau cuộc thi

 

 

Xuất phát từ chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và Chương trình hành động 17-CTr\TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh, Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên chủ động phối hợp tổ chức cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Phú Yên năm 2018 nhằm tìm kiếm, phát hiện, hướng dẫn và hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp. Do đó, trong quá trình triển khai, Ban tổ chức đã bố trí nhiều hoạt động kết nối và tương tác giữa các doanh nhân thành đạt, những người đi trước để chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ khởi nghiệp, hỗ trợ các bạn tham dự các chuyên đề về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và cả tương tác giữa các dự án khởi nghiệp với nhau.

 

Cũng tại cuộc thi, các doanh nhân đã đặt vấn đề đầu tư, hỗ trợ các dự án. Cuộc thi kết thúc nhưng các hoạt động hỗ trợ vẫn tiếp tục. Cụ thể là Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên sẽ kết nối các doanh nhân với các tác giả dự án để thống nhất phương án đầu tư, hỗ trợ. Và chúng tôi sẽ công bố các khoản đầu tư, hỗ trợ dự án và trao giải cuộc thi tại Đại hội Hội Doanh nhân trẻ sắp đến. Sau cuộc thi, chúng tôi cũng sẽ thành lập CLB Khởi nghiệp và ấp ủ hy vọng sớm hình thành trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp để hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp thuận lợi hơn.

 

ANH NGUYỄN HỒNG PHONG, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI HOÀNG LONG VINA, THÀNH VIÊN BAN GIÁM KHẢO: Quan tâm đến thị trường, doanh nghiệp mới phát triển bền vững

 

 

Các dự án tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Phú Yên năm nay có chất lượng tương đối tốt. Các tác giả, nhóm tác giả nắm vững những lĩnh vực mình muốn khởi nghiệp và thể hiện được tâm huyết với cộng đồng thông qua việc triển khai các dự án.

 

Tuy nhiên, hạn chế của các bạn là chưa có nhiều kinh nghiệm trong tiếp cận thị trường. Đa số dự án thiên về kỹ thuật chứ chưa quan tâm đến việc làm sao để phát triển và đưa sản phẩm của mình ra thị trường, chưa đánh giá được đối thủ tiềm tàng phía trước. Trong khi đây là vấn đề rất quan trọng để duy trì doanh nghiệp. Bởi bạn có thể không phải là người đầu tiên có ý tưởng sản xuất sản phẩm nhưng việc bạn thương mại hóa sản phẩm và đưa ra thị trường thuận lợi là bạn đã có lợi thế hơn đối thủ.

 

Do đó theo tôi, ngoài việc hiểu rõ lĩnh vực mình khởi nghiệp, các bạn phải quan tâm đến thị trường tiêu thụ sản phẩm, vận hành quá trình sản xuất kinh doanh, hành lang pháp lý để thực hiện dự án... Trong đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm là vấn đề đầu tiên cần quan tâm để có cơ sở phát triển doanh nghiệp, bởi nếu chỉ giỏi vấn đề sản xuất mà không thể tiêu thụ sản phẩm thì khó mà phát triển bền vững.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek