Theo nhiều xã viên lớn tuổi ở thôn Mỹ Thạnh Tây, xã Hoà Phong (huyện Tây Hòa), nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ bằng hình thức thủ công đã xuất hiện ở đây từ những năm kháng chiến chống Pháp, sau đó có một thời gian dài bị mai một.
Nuôi tằm ở Hòa Phong - Ảnh: T.LẬP |
Đến năm 1982, Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp (HTXNN KDTH) Hòa Phong khôi phục lại nghề nhằm giúp xã viên có thêm thu nhập. Kể từ đó đến nay, nghề này phát triển cơ bản và hoạt động theo mô hình làng nghề.
Mỹ Thạnh Tây hiện có 57 hộ trồng dâu nuôi tằm, chiếm 30,6% tổng số hộ của thôn, với 129 lao động tham gia. Giá trị sản xuất từ công việc trồng dâu nuôi tằm đạt khoảng 714 triệu đồng, thu nhập bình quân của mỗi hộ đạt 12,5 triệu đồng/năm. Người trồng dâu nuôi tằm tập hợp trong tổ hợp tác (THT) HTXNN KDDV Hòa Phong cung cấp vật tư, trứng tằm, chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi và bao tiêu toàn bộ kén tằm do hộ nông dân làm ra. Đầu ra cho sản phẩm khá ổn định nhờ HTX ký hợp đồng với Nhà máy dâu tằm tơ Lâm Đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nghề này không phải bỏ nhiều vốn, chủ yếu là lấy công làm lời. Mỗi năm bà con nuôi khoảng 6 lứa tằm. Với giá kén hiện ở mức 42.000 đồng/kg, mỗi lứa tằm cho thu nhập bình quân gần 1 triệu đồng.
Ông Lê Ngọc Cửu, Chủ nhiệm HTXNN KDDV Hòa Phong cho biết: HTX hiện có 14 ha trồng dâu ở những diện tích đất soi bồi ven sông Ba và đất 5%. Do sự bồi lấp của sông Ba nên diện tích trồng dâu bị giảm dần sau mỗi năm. Bên cạnh đó, phần lớn cây dâu đã cằn cỗi vì lâu năm và cho năng suất thấp. Để làng nghề phát triển theo hướng chuyên nghiệp, HTX Hòa Phong đang có dự án mở rộng diện tích trồng dâu từ 14 ha lên 20 ha (trên những diện tích lúa bấp bênh), thay thế giống dâu cũ (dâu Bầu Đen) cho năng suất thấp (chỉ 3 tấn/ha) bằng giống dâu Quế Ưu cho năng suất khoảng 4- 5 tấn lá/ha. Trong năm 2008, HTX đang triển khai trồng thí điểm gần 1 ha dâu mới, nếu thành công sẽ nhân rộng lên 5 ha nữa để hình thành vùng trồng dâu cho năng suất cao. Bên cạnh đó, HTX sẽ đầu tư khoan giếng bơm tưới cho cây dâu. Đối với những hộ chuyển đổi đất trồng lúa bấp bênh sang trồng dâu, HTX sẽ giảm thuế 2 năm. Kết thúc mỗi lứa tằm, HTX sẽ tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm và mời kỹ thuật viên của các công ty SXKD tơ tằm trong nước về tập huấn các quy trình kỹ thuật nuôi mới để đem lại hiệu quả hơn. Ông Cửu nói: Sở dĩ HTX duy trì nghề này vì nó tạo việc làm cho một lực lượng lớn lao động nhàn rỗi, tuy thu nhập không cao vì mỗi năm chỉ nuôi có 6 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch) nhưng mang tính ổn định. Bây giờ Mỹ Thạnh Tây đã thành làng nghề rồi, HTX sẽ cố gắng làm tốt các dịch vụ phục vụ làng nghề với mong muốn xã viên có thêm thu nhập.
BÍCH HÀ