Thứ Tư, 26/06/2024 20:58 CH
Người nuôi vịt trước nguy cơ... phá sản
Thứ Ba, 22/01/2008 07:19 SA

Chưa bao giờ người chăn nuôi vịt đàn ở Phú Yên lại đối mặt với cảnh khó khăn như hiện nay. Một ngàn con vịt, mỗi ngày người chủ phải bù lỗ khoảng 500.000 đồng cho chi phí thức ăn. Toàn tỉnh có 1,8 triệu con vịt, số tiền bù lỗ hằng ngày lên tới cả tỉ đồng. Hàng ngàn hộ chăn nuôi vịt đang đứng trước nguy cơ phá sản.

 

080122-trung-vit.jpg

Giá trứng xuống quá thấp khiến hàng ngàn hộ dân nuôi vịt đàn ở Phú Yên đang chịu lỗ nặng.  Ảnh: L.K

 

CHI 2 TRIỆU, THU 980.000 ĐỒNG

 

Tôi gặp Đoàn Văn Đắc Viên, một người mua gom trứng vịt với số lượng lớn nhất Phú Yên, đang đi gom trứng vịt ở các bãi dọc sông Đà Rằng. Anh cho biết: “Tất cả chủ trại vịt đều bị lỗ. Với 1.000 con vịt, chí ít các chủ trại lỗ 400.000 đồng một ngày. Nuôi ít lỗ ít, nuôi nhiều lỗ nhiều!”

 

Ông Lý Thành Thiên trú thôn Ân Niên xã Hòa An (Phú Hòa) nuôi 1.000 con vịt, mỗi ngày tiêu tốn 4 bao thức ăn tổng hợp với giá 260.000 đồng/bao cùng một bao lúa 50kg giá 175.000 đồng. Như vậy, riêng tiền thức ăn cho vịt, ông Thiên tốn 1.215.000 đồng/ngày. Tại trại ông Thiên, anh Viên đếm được 700 quả trứng, giá mua cao nhất là 1.500 đồng/trứng. Tổng cộng tiền bán trứng của ông Thiên là 1.050.000 đồng. Chủ trại vịt này cho hay: “Chỉ tính tiền thức ăn đã lỗ 165.000 đồng. Nếu tính cả công, thuốc men thì mỗi ngày tôi phải bỏ 400.000 đồng để nuôi đàn vịt”.

 

Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết ông Thiên chịu lỗ... thấp nhất trong số những người chăn nuôi vịt đàn. Tuy nhiên, khi cầm trứng do vịt của ông Thiên đẻ ra, Viên tặc lưỡi: “Trứng quá mỏng!”. Nguyên nhân trứng mỏng là vịt không được bổ sung một loại thuốc cần thiết, do vậy trứng sẽ dễ vỡ hơn trong quá trình vận chuyển.

 

Không được như ông Thiên, hàng loạt hộ chăn nuôi vịt đàn khác phải chịu lỗ rất nặng trong hơn một tháng nay. Ông Dương Minh Xuân ở thôn Phước Lộc xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), nói: “Mấy hôm chưa bị áp thấp nhiệt đới, đàn vịt 1.700 con của tui chỉ lấy đi 500.000 đồng tiền túi, còn giờ thì để nuôi được “tụi nó”, tui phải bù tiền ăn hơn 1 triệu đồng mỗi ngày”. Ông Xuân nhẩm tính: “6 bao thức ăn tổng hợp và một bao lúa đã “bay” của tui 1.705.000 đồng. Tính hết tiền thuốc men cho vịt, mỗi ngày tui chi 2 triệu đồng. Vì áp thấp nhiệt đới nên vịt đẻ sút, chỉ được 700 trứng, giá 1.400 đồng một trứng, tức chỉ thu được 980.000 đồng một ngày.” Ông Lê Văn Minh ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) có trại vịt cạnh trại của ông Xuân, cho hay: Tôi nuôi 600 con vịt, mỗi ngày cứ phải bỏ thêm 300 – 400.000 đồng mới giữ được đàn vịt. Cách đây một tuần, dân nuôi vịt còn thê thảm hơn vì giá một trứng chỉ có 1.200 đồng”.

 

GIÁ THỨC ĂN LÊN, GIÁ TRỨNG XUỐNG

 

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật vật nuôi Phú Yên Nguyễn Hữu Bách, 100% người chăn nuôi vịt bị lỗ nặng vì giá thức ăn tăng quá cao, trong khi cả giá trứng và giá vịt thịt đều bị rớt thảm hại. Người chăn nuôi vịt đàn đang có nguy cơ… “bứt sô” vì không chịu nổi khoảng bù lỗ, còn nếu phải vay mượn hay mua nợ thức ăn tại các đại lý thì không biết sau này lấy đâu ra tiền để trả.

 

Vào tháng 10/2007, giá thức ăn tổng hợp trên dưới 200.000 đồng/bao 40kg. Còn thời điểm đầu năm 2007, giá chỉ từ 160.000 – 170.000 đồng/bao. Với giá đó, người chăn nuôi vịt đàn còn “thở” được. Nhưng nay thì khác. Hiện tại, giá thức ăn tổng hợp từ 255.000 -270.000 đồng/bao tùy loại. Ông Dương Minh Xuân lắc đầu ngán ngẩm: “Vàng lên còn có khi xuống chứ giá thức ăn tổng hợp dành cho gia súc, gia cầm thì chỉ có lên, chưa thấy xuống bao giờ. Hễ thức ăn của hãng này lên thì hãng kia cũng lên. Hình như họ liên kết chặt chẽ với nhau trong khi nông dân không có quyền lựa chọn”.

 

Đúng là người chăn nuôi vịt không có quyền lựa chọn. Ông Lê Văn Minh nói: “Thường thì người nuôi vịt phải nợ gối đầu (có khi lên tới vài chục triệu đồng) với đại lý thức ăn. Do đó, khi giá thức ăn có sự chênh lệch thì người nuôi vịt cũng không đổi loại thức ăn được. Không mua nhãn hiệu này nữa thì anh phải trả hết nợ gối đầu. Nuôi vịt bị lỗ thì lấy gì mà trả? Không có thức ăn tổng hợp thì vịt không đẻ!” Thế là đành bấm bụng.

 

Trong khi đó, giá trứng liên tục giảm trong thời gian gần đây. Anh Đoàn Văn Đắc Viên cho biết: “Trước đây, lúc cao điểm giá trứng có khi lên tới 1.800 đồng - 1.900 đồng một trứng; giá thức ăn tổng hợp, giá lúa đều rẻ hơn bây giờ nên dân nuôi vịt đàn có lãi. Cách đây một tuần, giá trứng chỉ còn 1.200 đồng, thật thê thảm cho người nuôi! Gần Tết, giá có tăng lên đôi chút nhưng đang ở mức 1.400 - 1.500 đồng/trứng, người nuôi vẫn lỗ nặng.

 

Nếu giá trứng lên được 1.600 đồng, người nuôi giỏi sẽ huề vốn”. Tuy nhiên, giá trứng có có thể tăng thêm. Vì theo anh Viễn, sau Tết là thời điểm bất ổn nhất của giá cả trứng gia cầm. Thông thường giá sẽ xuống thấp nhất trong năm vì nhu cầu tiêu dùng trứng ở thời điểm này cũng thấp nhất trong năm. Người nuôi vịt sẽ lại một phen lao đao, khốn khổ hơn bây giờ.

 

BÁN TRỨNG ĐÃ LỖ, BÁN VỊT CÀNG LỖ

 

Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật vật nuôi Phú Yên Đào Lý Nhĩ: Việt Nam có hơn 240 doanh nghiệp, nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm. Còn số nhà máy hoạt động cùng lĩnh vực của các nhà đầu tư nước ngoài là 46 (đa phần của Trung Quốc và Thái Lan - hai nước có thế mạnh về nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, gia cầm). Thị phần thì không được chiếm lĩnh theo số lượng nhà máy mà ngược lại: 80% cho 46 nhà máy của nhà đầu tư nước ngoài, 20% cho 240 nhà máy trong nước. Trên thực tế, việc miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu của Chính phủ làm lợi cho nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Các doanh nghiệp này về nước họ mua nguyên liệu đưa sang Việt Nam chế biến. Giá cả họ đưa ra không ai quản lý được; gánh nặng ngày càng đè lên nông dân.

Trên thị trường hiện nay, trong số thịt gia súc, gia cầm, duy chỉ có thịt vịt là đang giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, trong khi các loại thịt khác thì ngược lại. Giá gà hiện là 70.000 đồng/kg chưa giết mổ, vặt lông; thịt heo từ 55.000 - 65.000 đồng/kg, còn vịt 30.000 đồng/con khoảng 3kg béo ngậy. Ông Lê Văn Minh tính: “Mỗi ngày, một con vịt ăn hết 2 gram thức ăn tổng hợp. Nuôi đến đỉnh điểm về trọng lượng, con vịt cõng trên lưng từ 60.000 – 70.000 đồng. Nếu bán thịt thì cứ 1.000 con vịt, dân nuôi chịu thiệt 30 - 40 triệu đồng. Nếu nuôi 3 tháng thì vịt chỉ bán được 15.000 - 17.000 đồng một con”.

 

Dân nuôi vịt đều biết Chính phủ bỏ thuế nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn giá súc, gia cầm, nhưng họ không hiểu tại sao giá thức ăn không giảm. Các mặt hàng khác đều tăng giá còn thứ họ làm ra thì lại giảm. Ông Nguyễn Hữu Bách nói: “Vì áp lực đối với người chăn nuôi gần đây nên Chính phủ đã miễn thuế nhập khẩu các loại nguyên liệu dùng để chế biến thức ăn gia súc, gia cầm. Trong khi các hãng chế biến liên tục tăng giá thì các điểm kinh doanh sản phẩm thức ăn gia súc, gia cầm trong tỉnh cũng đều được tăng thuế. Điều này vô hình chung tạo thêm áp lực cho nông dân chăn nuôi”.

 

Cùng với Bình Định, Phú Yên là tỉnh có số lượng vịt chăn nuôi theo đàn và số người dân sống bằng nghề này lớn nhất miền Trung. Hiện nay, họ đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn. Điều cần làm trước tiên hiện nay là miễn hoàn toàn các loại thuế đối với hoạt động kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm. Ngành nông nghiệp cũng cần có những động thái tích cực, hiệu quả giúp nông dân vượt qua khó khăn.q

 

LY KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek