Cần những giải pháp sát với thực tế

Cần những giải pháp sát với thực tế

Qua hơn 2 năm triển khai đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Phú Yên, kết quả đạt được chỉ mới dừng ở bước xây dựng thể chế, chưa tạo được sự chuyển biến trong sản xuất.

Qua hơn 2 năm triển khai đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Phú Yên, kết quả đạt được chỉ mới dừng ở bước xây dựng thể chế, chưa tạo được sự chuyển biến trong sản xuất. Vì vậy, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm tổ chức cuộc họp chuyên đề đánh giá toàn diện việc thực hiện đề án này để có giải pháp thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Thu hoạch tôm nuôi từ mô hình ương nuôi khép kín áp dụng công nghệ tiên tiến của DNTN Thủy sản Đắc Lộc - Ảnh: NGỌC CHUNG

Phát triển nông nghiệp còn hạn chế

Theo Sở NN-PTNT, qua hơn 2 năm triển khai đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Phú Yên đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, quy mô sản xuất nông nghiệp hiện nay ở Phú Yên vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa được nhiều. Phú Yên vẫn luôn bị động vì thiếu doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp chiến lược đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn… Ông Nguyễn Văn Kim ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), cho biết: Gia đình tôi tham gia mô hình sản xuất lúa giống đã nhiều năm, nhờ áp dụng đúng quy trình sản xuất nên năng suất lúa đạt khá cao. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là khâu tiêu thụ lúa giống vì các doanh nghiệp thu mua không ổn định, giá cả bấp bênh. Còn theo ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, Sở NN-PTNT cần tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình mới đạt hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp để nông dân lựa chọn mô hình phù hợp để phát triển kinh tế…

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho hay: Đơn vị đã xây dựng một số giải pháp để thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Phú Yên trong thời gian tới. Theo đó, trồng trọt tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đối với đất lúa năng suất và hiệu quả thấp cần chuyển sang các cây trồng khác, mở rộng diện tích gieo trồng cây bắp để cung ứng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Các địa phương cần giảm dần diện tích trồng sắn, phát triển sản xuất rau, hoa cây cảnh, cây dược liệu và tiếp tục phát triển các cây công nghiệp lâu năm ở những nơi có lợi thế. Trong chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển các vùng chăn nuôi tập trung gắn với nhu cầu thị trường, duy trì và phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi tiên tiến. Đối với lâm nghiệp, phát triển bền vững rừng tự nhiên, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, phát triển lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ. Về thủy sản, đẩy mạnh khai thác xa bờ, đầu tư hiện đại hóa thiết bị bảo quản trên tàu nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi khai thác, cung ứng dịch vụ hậu cần và thu mua trên biển, chế biến thủy sản gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi trồng phù hợp với lợi thế của từng địa phương. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, từ cung ứng giống, vật tư đầu vào, kỹ thuật nuôi đến chế biến thủy sản, phát triển mạnh nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tập trung thực hiện các giải pháp

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2017-2020. Theo đó, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương căn cứ lợi thế và nhu cầu thị trường, lựa chọn nhóm sản phẩm để quy hoạch và đầu tư, có chính sách và giải pháp mở rộng quy mô, sức cạnh tranh để bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia. Nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ, gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể, sẽ được xây dựng và phát triển cùng với xây dựng nông thôn mới ở huyện, xã theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”… Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Minh Thức yêu cầu Sở NN-PTNT sớm tham mưu các giải pháp cho UBND tỉnh để nông nghiệp Phú Yên hội nhập quốc tế, cụ thể là các nước trong khu vực.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà cho biết: Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, kết quả đạt được chỉ mới dừng ở bước xây dựng thể chế, chưa tạo được sự chuyển biến trong sản xuất. Trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Để khắc phục tình trạng trên, vừa qua UBND tỉnh đã có kế hoạch triển khai thực hiện Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó phân công rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành triển khai thực hiện với từng nội dung cụ thể. Hiện nay đã có một số nhà đầu tư chiến lược đang tiếp cận nghiên cứu và triển khai đầu tư một số dự án vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có Tập đoàn TH đang triển khai các dự án Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao (chuẩn bị khởi công); Vùng nguyên liệu cho bò sữa (đã có quyết định chủ trương đầu tư); Trồng cây ăn quả và xây dựng nhà máy chế biến hoa quả; trồng cây dược liệu dưới tán rừng; sản xuất nước mắm, muối ăn, cá biển sạch trên địa bàn tỉnh; Tập đoàn sữa Việt Nam Vinamilk cũng đang nghiên cứu đầu tư dự án Trang trại bò sữa Organic, trên địa bàn huyện Đồng Xuân... Bên cạnh đó, hiện nay một số nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đăng ký đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, UBND tỉnh đang tiến hành các thủ tục để cấp phép và triển khai thực hiện. Với những giải pháp, cơ hội nêu trên, hy vọng sẽ tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Tấn Việt chỉ đạo: UBND tỉnh sớm tổ chức cuộc họp chuyên đề đánh giá toàn diện việc thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để có giải pháp thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. Trước mắt, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với các nhà máy chế biến có quy mô lớn mà tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời, UBND tỉnh tập trung mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn để phát triển các chuỗi liên kết hợp tác trong đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Về lâu dài, UBND tỉnh cần chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế ngành nông, lâm, thủy sản, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, thực hiện tốt chính sách dồn điền, đổi thửa để tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và có sức cạnh tranh tốt, đáp ứng nhu cầu cho phát triển và xuất khẩu.

NGỌC CHUNG

Từ khóa:

Ý kiến của bạn