Phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ môi trường ở Đồng Xuân

Phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ môi trường ở Đồng Xuân

Những năm qua, cùng với cây lúa nước, mía và sắn, nông dân huyện Đồng Xuân đang mở rộng diện tích rừng trồng, không chỉ nâng cao thu nhập từ trồng rừng kinh tế mà việc trồng rừng còn góp phần bảo vệ môi trường nhất là những cánh rừng đầu nguồn.

Những năm qua, cùng với cây lúa nước, mía và sắn, nông dân huyện Đồng Xuân đang mở rộng diện tích rừng trồng, không chỉ nâng cao thu nhập từ trồng rừng kinh tế mà việc trồng rừng còn góp phần bảo vệ môi trường nhất là những cánh rừng đầu nguồn.

Hiện nay, giá gỗ nguyên liệu (bạch đàn, keo) tại nơi trồng ít nhất 1,1 triệu đồng/m3, tăng 50.000 đồng/m3 so với đầu năm. Nếu cây bạch đàn, keo có đường kính từ 20cm trở lên sẽ được mua với giá 2,6 triệu đồng/m3 để chế biến gỗ. Theo tính toán của những người trồng rừng, trung bình mỗi hécta trồng cây keo cần vốn đầu tư từ 20-25 triệu đồng và sau từ 5-7 năm, người trồng rừng thu lãi từ 40 triệu đồng/ha trở lên. Ông Thái Văn Sơn ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) đã có nhiều năm trồng rừng nói: Vùng này có lúa đủ ăn, mía, sắn đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, gia đình tôi không còn lo toan nữa, mà tập trung trồng rừng bằng cây keo, bạch đàn trên gần 2ha đất gộp (đất ở nhiều nơi). Từ 5-7 năm sau, tiền bán từ keo, bạch đàn sẽ được dùng để nuôi con học đại học.

Huyện miền núi Đồng Xuân có địa hình đồi núi chiếm phần lớn diện tích tự nhiên nên nông dân huyện xác định chỉ có kinh tế rừng mới tạo điều kiện phát triển bền vững. Dọc theo vùng gò đồi từ xã Xuân Quang 1 đến xã Phú Mỡ, rừng cây hai bên đường xanh tươi. Nông dân trồng rừng kinh tế thu hoạch “gối đầu” (thu hoạch xong trồng mới vào). Một trong những nguyên nhân chính là do giá nguyên liệu gỗ rừng trồng tăng và phong trào người dân ngày càng ý thức trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ hệ môi trường sinh thái. Ông Nguyễn Thanh ở thôn Kỳ Lộ (Xuân Quang 1) tranh thủ ngày mưa để trồng rừng kinh tế phân trần: Từ đây dọc lên dốc Đá Mài (xã Phú Mỡ) trước đây còn có chòm đất trống thả bò ăn nay người dân trồng rừng kín. Trồng cây trên đất trống không chỉ mang lại nguồn thu nhập mà còn giữ nước trên cánh rừng đầu nguồn mùa mưa lũ đổ xuống sông Kỳ Lộ.

Ông Châu Văn Dũng, Trưởng thôn Kỳ Lộ cho hay: Rừng kinh tế được trồng trên đất canh tác bạc màu, phần diện tích rừng khai hoang trước đây và đất trống, đồi núi trọc. Thậm chí, nhiều hộ chỉ có vài trăm mét vuông đất cũng tận dụng để trồng rừng, mở ra hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp. Việc đầu tư phát triển phong trào trồng rừng không chỉ giải quyết lao động nhàn rỗi sau mùa vụ, mà còn giúp nông dân gắn bó với núi rừng, bảo vệ môi trường, tăng thu nhập.

Theo thống kê của UBND huyện Đồng Xuân, trong giai đoạn từ năm 2010-2015, huyện miền núi Đồng Xuân đã trồng 9.740ha rừng tập trung, chủ yếu là rừng kinh tế và 10 triệu cây phân tán. Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: Tại Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Xuân nhiệm kỳ 2015-2020 đã thông qua 1 nghị quyết chuyên đề về bảo vệ, phát triển rừng và xem đây là ngành kinh tế mũi nhọn, quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Nhờ vậy đến nay trên địa bàn huyện có gần 13.000ha rừng trồng, chiếm gần 20% diện tích rừng trồng toàn tỉnh. Cùng với đó, huyện Đồng Xuân đưa ra mục tiêu đến năm 2020 cùng với phục hồi, khoanh nuôi 4.000ha rừng sẽ trồng mới 18.000ha rừng sản xuất. Toàn huyện phấn đấu nâng tỉ lệ độ che phủ rừng từ 41% đến năm 2020 tăng lên 47%.

TRÂM TRÂN

Từ khóa:

Ý kiến của bạn