Thứ Sáu, 25/10/2024 15:21 CH
Họp báo về vụ cá, tôm chết nhiều ở TX Sông Cầu:
Trung ương đang hỗ trợ tỉnh tìm ra nguyên nhân
Thứ Bảy, 03/06/2017 06:44 SA

Tôm hùm nuôi tại xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) bị chết - Ảnh: ANH NGỌC

Ngày 2/6, đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì buổi họp báo để thông tin ban đầu về việc tôm hùm nuôi tại TX Sông Cầu chết. Tham gia buổi họp báo có đồng chí Nguyễn Chí Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở NN-PTNT, TT-TT, TN-MT, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, UBND TX Sông Cầu, các hội, đoàn thể của tỉnh cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

 

Theo Sở NN-PTNT, vùng nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương và phường Xuân Yên thuộc vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) có khoảng 13.300 lồng. Từ ngày 15/5, tại khu vực này xảy ra hiện tượng nước có màu nâu đỏ, một số loài cá, cua, ghẹ sống tầng đáy chết bất thường. Kết quả khảo sát sơ bộ, nước trong vùng nuôi này có mùi hôi tanh, màu chuyển sang nâu không bình thường, độ trong thấp (0,8m); hàm lượng ôxy hòa tan rất thấp; nhiệt độ nước cao (31,4-31,60C); độ mặn 33ppt; pH=8,0; hàm lượng PO4-P (photphat-photpho): 0,221-0,246mg/l vượt ngưỡng cho phép; hàm lượng chất hữu cơ từ 4,32-5,15% và sulfua trong mẫu trầm tích ở mức cao, từ 11,2-16,1mg/kg. Nhóm tảo silic có mặt 9/9 mẫu nước, trong đó loài xuất hiện với mật độ cao là Rhizosolenia sp. (378.000-2.430.000 tb/ml); Nizchia sp. (14.000-610.000 tb/ml); Chaetoceros sp. (15.000-380.000 tb/ml). Nhóm tảo này có cấu tạo dạng chuỗi dài, mặc dù không sinh độc tố nhưng ở mật độ cao sẽ làm cạn kiệt ôxy trong thủy vực vào ban đêm, tảo vướng vào mang tôm, cá gây cản trở quá trình hô hấp. Ngoài ra, tảo giáp Peridinium sp. có mặt 2/9 mẫu nước, mật độ vi khuẩn Vibrio vượt giới hạn cho phép ở mẫu nước thu tại Phước Lý (phường Xuân Yên) và Phú Mỹ (xã Xuân Phương).

 

Kết quả phân tích mẫu bệnh, tôm hùm nuôi tại vùng này có biểu hiện bám lưới, trồi lên mặt lồng rồi chết với tỉ lệ từ 20-100% số tôm trong lồng nuôi. Phân tích 12 mẫu tôm thì có 4 mẫu dương tính với Rickettsia like bacteria (bệnh sữa) và 7 mẫu dương tính với V. Alginolyticus (bệnh đỏ thân). Theo thống kê nhanh của các xã, phường có tôm chết, đến 9 giờ 30 ngày 1/6 có 769.175 con tôm của 502 hộ nuôi tại các vùng nuôi nói trên bị chết, trong đó có 267.155 con tôm hùm bông, 502.040 con tôm hùm xanh. Số lượng tôm hùm chết khoảng 350-400 tấn, ước thiệt hại trên 700 tỉ đồng, trong đó có khoảng 70-80% số hộ nuôi bị mất trắng.

 

Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí đề nghị các cơ quan chức năng và địa phương cung cấp thông tin nguyên nhân chính thức làm tôm hùm nuôi chết; giải pháp của địa phương trong vấn đề người dân kéo đến nhà máy chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng nghi ngờ nhà máy này xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm tại vùng nuôi; UBND tỉnh và các ngân hàng thương mại có chính sách gì nhằm giúp người nuôi tôm hùm ổn định sản xuất…

 

Ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: Đã 6 ngày qua nhiều người dân tập trung trước nhà máy chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng vì nghi ngờ nhà máy này xả thải ra môi trường. Thị ủy và UBND thị xã đã gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với người dân, đồng thời động viên, chia sẻ những thiệt hại của người nuôi tôm hùm. Đoàn công tác của thị xã tiếp tục vận động người dân bình tĩnh, không nên quá khích, đồng thời chờ kết quả của các cơ quan chức năng đang vào cuộc để làm rõ nghi ngờ của bà con. Địa phương đã giải thích cho bà con hiểu là không nên tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự…

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết: UBND tỉnh đã đề nghị các bộ NN-PTNT, TN-MT hỗ trợ tỉnh để tìm nguyên ngân chính thức gây ra tình trạng tôm hùm chết vừa qua tại TX Sông Cầu và đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ. Hiện nay, công tác lấy mẫu để xác định nguyên nhân được các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai trên diện rộng như tại khu vực gần nhà máy chế biến thủy sản, khu vực tôm chết và cả các khu vực có nguồn thải khác… để tổng hợp và đưa ra kết luận chính thức. UBND tỉnh đã làm việc với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để bàn giải pháp khoanh nợ, giãn nợ đối với các hộ nuôi tôm hùm có vay vốn ngân hàng mà bị thiệt hại, đồng thời tiếp tục cho vay vốn để tái sản xuất. Đối với vấn đề người dân nghi ngờ nhà máy chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng xả thải ra môi trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra, làm rõ và sẽ công bố kết quả. UBND tỉnh sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề về nuôi tôm hùm lồng bền vững và vấn đề môi trường vùng nuôi; đồng thời chỉ đạo địa phương triển khai công tác quy hoạch chi tiết, giao cho thuê mặt nước và quản lý lồng bè nuôi tôm hùm theo hướng bền vững.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek