Thứ Ba, 26/11/2024 18:42 CH
Vì sao nhân dân Từ Nham ngăn cản khai thác titan?
Thứ Hai, 22/10/2007 07:10 SA

Công ty Cổ phần khoáng sản Phú Yên đang đầu tư chuẩn bị khai thác titan tại thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh (huyện Sông Cầu). Tuy nhiên, nhân dân địa phương này đã cản trở, kiến nghị các cơ quan chức năng không cho phép thực hiện dự án này. Vì sao?

 

071022-titan.jpg

Khu mỏ khai thác titan của Công ty Cổ phần khoáng sản Phú Yên tại thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh (Sông Cầu)

 

LO SỢ TRIỀU CƯỜNG XÂM THỰC

 

Liên tục trong các ngày từ 21 đến 24/9, nhân dân thôn Từ Nham kéo đến địa điểm khai thác phân xưởng titan của Công ty Cổ phần khoáng sản Phú Yên lấp các hố đặt máy li tâm, ngăn cản không cho công ty này khai thác titan. Ông Lâm Duy Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh, cho biết: “Người dân địa phương không đồng tình với việc Công ty Cổ phần khoáng sản Phú Yên khai thác titan tại khu vực này. Lý do là việc khai thác titan này gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước bị nhiễm mặn, triều cường xâm thực ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Ông Dũng nói thêm: “Nếu cho phép khai thác, tình trạng triều cường xâm thực vào đất liền là không thể lường trước được”.

 

Thực tế, hiện tượng triều cường xâm thực do khai thác titan đã từng xảy ra ở Từ Nham. Cách đây 5 năm, khi Công ty Cổ phần khoáng sản Phú Yên khai thác titan (bằng thủ công), triều cường đã đánh sập 5 ngôi nhà ở Bãi Trước của thôn Từ Nham khiến 5 hộ dân phải di dời. Ông Nguyễn Văn Tụ, một người có nhà sập, bức xúc: “Lúc trước, do việc khai thác titan nên nhà tôi bị triều cường đánh sập phải đến nơi ở mới. Bây giờ phân xưởng khai thác titan đặt ngay sau nhà, gia đình tôi lo lắm”. Theo quan sát của chúng tôi, chiều dài từ xóm nhà dân ra đến mép biển cách 1 cây số, chiều dài bãi biển từ lán trại công nhân khai thác titan của Công ty Cổ phần khoáng sản Phú Yên đến xóm nhà Bãi Trước cách 1 cây số. Diện tích mà các ngành chức năng cho phép công ty này khai thác là 26.950m2. Ông Lê Văn Xuân, một người dân địa phương, nói: “Bãi biển này vốn đã thấp, chỉ cần con sóng lớn là vồ đi hết xóm nhà”.

 

Điều đáng lo ngại nhất của nhân dân thôn Từ Nham, nhất là khu vực xóm Bãi Trước là nhà dân sống ngay cạnh mép biển. Đây là khu vực hằng năm sóng biển, triều cường luôn uy hiếp. Do đó, nếu khai thác titan sẽ làm thay đổi địa hình, mất đi lượng cát bồi hằng năm cho xóm Bãi Trước này, vốn đã trở thành khu vực xung yếu. Ông Nguyễn Thành Quẩn, một người dân thôn Từ Nham, bày tỏ: “Nhân dân địa phương này quý cồn cát đó như vàng, là bức tường thành chắn sóng gió. Nay cho phép khai thác titan ở đây, e rằng biển sẽ “nuốt” mất làng”.

 

GIẢI QUYẾT THẾ NÀO?

 

Tiến sĩ VIÊN CHINH CHIẾN, Phó trưởng khoa Y học lao động Viện Pasteur Nha Trang

 

Để lấy titan, người ta khai thác cát, sau đó sàng tuyển để chia thành hai loại, cát thông dụng và “cát đen” sẽ lấy được sản phẩm chính là titan (thường dùng xuất khẩu) và một lượng monazit được thải ra. Theo khảo sát của chúng tôi, cường độ phát xạ tại bờ mặt chất thải monazit gấp hàng chục, thậm chí cả hàng trăm lần so với mức cho phép đối với khu vực dân cư... Viện Pasteur Nha Trang đã từng có các khuyến cáo cụ thể cho các cơ sở sàng tuyển cát ở khu vực duyên hải miền Trung (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận...) phải quản lý monazit như một chất phóng xạ theo quy định hiện hành”.

Ngày 28/9, đại diện UBND huyện Sông Cầu, Sở Công nghiệp, Thanh tra Sở Xây dựng đã tiến hành kiểm tra thực địa, làm việc với 300 hộ dân thôn Từ Nham. Tại buổi làm việc, hầu hết nhân dân địa phương không đồng tình với việc khai thác titan của Công ty Cổ phần khoáng sản Phú Yên. Trước tình hình này, UBND huyện Sông Cầu đề nghị Công ty Cổ phần khoáng sản Phú Yên tạm dừng thi công các hạng mục phục vụ việc khai thác titan; đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan sớm kiểm tra, xác định cụ thể việc khai thác titan của Công ty Cổ phần khoáng sản Phú Yên tại thôn Từ Nham có làm ô nhiễm môi trường, nhiễm mặn nguồn nước, triều cường xâm thực hay không để trả lời cho nhân dân biết. Riêng đối với tình hình xâm thực, ông Đinh Văn Sang, Chủ tịch UBND huyện Sông Cầu, khẳng định: “Thực tế, trước đây triều cường đã gây xâm thực ở Bãi Trước, thôn Từ Nham, một số người dân phải sơ tán, tái định cư tại khu vực khác”.

 

Trong khi đó, ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công nghiệp Phú Yên, cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến việc khiếu kiện là do người dân chưa nắm bắt thông tin, chưa hiểu được quy trình  công nghệ khai thác tận thu Inmenit bằng phương pháp tuyển quặng... nên người dân lo lắng”. Kỹ thuật khai thác bằng phương pháp tuyển quặng được ông Trương Văn Luyến, đội trưởng đội khai thác mỏ, giải thích như sau: Khai thác tận thu tại chỗ không chở đi nơi khác, nghĩa là khai thác 100 khối cát, chỉ lấy đi 2-3 khối quặng (điều đó phụ thuộc vào trữ lượng). Ban đầu địa hình phá vỡ, sau đó khai thác tới đâu hoàn thiện địa hình đến đó. Còn độ sâu thì tùy thuộc vào trữ lượng quặng.

 

Tuy nhiên, dù khai thác theo phương pháp nào, hầu hết người dân thôn Từ Nham vẫn không chấp nhận. Ông Mạc Hữu Nguyên, năm nay 60 tuổi, một người dân thôn Từ Nham, nói: “Lớp “cát đen” (titan) như cái móng trụ vững vàng cho vùng đất này, nếu lấy đi thì lớp đất cát trên mặt kia triều cường lôi đi tức khắc”.

 

MẠNH HOÀI

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek