Đường 5 xưa - quốc lộ 29 nay

Đường 5 xưa - quốc lộ 29 nay

Đường 5 xưa, trong chiến tranh gắn liền với chiến thắng đánh tan cuộc tháo chạy của địch trong chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến thắng Đường 5 được ví như “Trận Bạch Đằng giang” trên cạn của quân và dân Phú Yên

Đường 5 xưa, trong chiến tranh gắn liền với chiến thắng đánh tan cuộc tháo chạy của địch trong chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến thắng Đường 5 được ví như “Trận Bạch Đằng giang” trên cạn của quân và dân Phú Yên. Sau 42 năm giải phóng, dọc theo Đường 5 xưa - quốc lộ 29 nay, những vùng đất đã có nhiều đổi thay…

Những trang trại cao su đang hình thành dọc theo quốc lộ 29 qua địa phận Sông Hinh - Ảnh: THỦY TIÊN

Đường 5 xưa...

Đường 5 là tên gọi một con đường tỉnh lộ của Phú Yên trước năm 1975. Con đường này xuất phát từ ngã ba Phú Lâm (huyện Tuy Hòa cũ, nay là phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) chạy về hướng tây đến huyện Sông Hinh. Trước năm 1975, Đường 5 gắn liền với những chiến công hiển hách của quân và dân Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và đỉnh cao là cuộc nổi dậy giải phóng quê hương vào mùa xuân 1975.

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh, cách đây 42 năm, quân và dân Phú Yên đã làm nên chiến thắng Đường 5 lịch sử. Sau khi địch thất thủ Buôn Ma Thuột, kéo chạy về Đường 7 (nay là quốc lộ 25), bị quân ta tập kích nên ngày 19/3/1975, địch bắc cầu phao vượt sông Ba, rút chạy theo Đường 5. Từ ngày 19-23/3/1975, các lực lượng vũ trang của tỉnh đã tập kích và tiêu diệt địch ở cứ điểm Hòn Sặt, Cầu Cháy, Hòn Kén, làm chủ Đường 5 đoạn từ Hòa Bình đến Sơn Thành. Với tinh thần thừa thắng xông lên, bộ đội ta tấn công cắt đứt không cho chúng tháo chạy, diệt và bắt sống toàn bộ, kết thúc số phận cánh quân rút lui vào 11 giờ ngày 25/3/1975, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Phú Yên phối hợp với Sư đoàn 320 tổ chức tấn công và nổi dậy giải phóng TX Tuy Hòa và toàn tỉnh vào ngày 1/4/1975.

Ông Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, người tham gia trong trân đánh trên Đường 5, cho biết: Trận đánh Đường 5 là trận quyết chiến tiếp theo sau trận đánh then chốt Buôn Ma Thuột. Trên đoạn đường dài khoảng 10km từ ga Gò Mầm (thị trấn Phú Thứ) đến cầu Lạc Mỹ (xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa), quân và dân Phú Yên đã chặn đánh tan rã hoàn toàn 2 vạn quân “di tản chiến lược” từ Tây Nguyên về giữ đồng bằng. Có thể nói, chiến thắng Đường 5 có ý nghĩa lịch sử to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong quá trình diễn biến của chiến dịch Tây Nguyên. Quân và dân Phú Yên đã viết nên bản hùng ca vang dội, góp phần kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30/4/1975, thống nhất đất nước.

Quốc lộ 29 nay

Sau giải phóng, Đường 5 được đổi tên thành tỉnh lộ 645 và ngày 14/3/2011, Bộ GTVT có Quyết định 1307/QĐ-BGTVT chuyển tỉnh lộ 645 (ĐT 645) thành quốc lộ 29 và giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý, khai thác.

Quốc lộ 29 là một quốc lộ mới, được nâng cấp trên cơ sở tỉnh lộ 645 thuộc tỉnh Phú Yên và 691 thuộc tỉnh Đắk Lắk. Toàn tuyến dài 182,5km đi qua các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Sông Hinh (Phú Yên), Krông Năng, Ea Kar, TX Buôn Hồ (Đắk Lắk). Đoạn trên địa phận Phú Yên dài 109km, đoạn trên địa phận Đắk Lắk dài 73,5km. Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Việc nâng cấp hai tỉnh lộ này nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ các cảng biển duyên hải Nam Trung Bộ lên Tây Nguyên và sang các nước láng giềng Lào, Campuchia. Đây là đường giao thông huyết mạch phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân và của thị trường từ Phú Yên đi Đắk Lắk nói riêng và từ các tỉnh vùng duyên hải miền Trung đến khu vực Tây Nguyên nói chung. Bên cạnh đó, quốc lộ 29 còn có vị trí quan trọng trong việc hình thành và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ, tạo điều kiện thúc đẩy vùng kinh tế duyên hải miền Trung và Tây Nguyên phát triển. Đồng thời kết nối kinh tế 3 quốc gia Việt Nam - Lào - Campuchia, tạo điều kiện thúc đẩy vùng Tam giác phát triển trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung.

Những ngày cuối tháng 3 lịch sử này, sau 42 năm giải phóng Phú Yên, trở lại Đường 5 xưa trên địa phận Phú Yên, những tên đất tên làng in đậm dấu ấn chiến công năm xưa, những vùng đất giàu truyền thống cách mạng đã khoác lên mình một sức sống mới, sự đổi thay rõ rệt. Trên trục đường này, đã hình thành các đô thị động lực tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương như: Thị trấn Hòa Hiệp Trung, thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa); thị trấn Phú Thứ, các xã Hòa Phong, Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa); Sơn Giang, Hai Riêng, Ea Ly (huyện Sông Hinh).

Tại huyện miền núi Sông Hinh, vùng đất một thời hoang sơ, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, nay dọc theo quốc lộ 29 là những trang trại mía, sắn, cao su xanh ngút ngàn và nhiều công trình mới mọc lên phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Hiện nay, Sông Hinh là vùng nguyên liệu mía, sắn trọng điểm của tỉnh với diện tích mía hơn 4.000ha, sắn 10.200ha. Ngoài những cây công nghiệp ngắn ngày, huyện còn sớm hình thành những vùng cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao với các loại cây cao su, cà phê, hồ tiêu và mắc ca.

Còn tại huyện Tây Hòa, nơi diễn ra trận đánh then chốt tại Đường 5 xưa, nay chúng ta được chứng kiến một sự hồi sinh, phát triển của vùng đất này. Theo UBND huyện Tây Hòa, năm 2016, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 7,58%; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được một số kết quả tích cực, bình quân đạt 18,4 tiêu chí/xã; hệ thống giao thông nông thôn ngày càng được nâng cấp bằng bê tông đã làm đổi thay những làng quê và nhiều cánh đồng mẫu lớn có năng suất chất lượng cao được hình thành tạo động lực cho sự phát triển của vùng đất này.

Đặc biệt, dọc quốc lộ 29 nay đã hình thành khu công nghiệp của tỉnh. Theo ông Lê Văn Thành, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên, Khu kinh tế Nam Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung từ tháng 10/2009, đang được tỉnh tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia để đưa khu vực này thành cửa ngõ ra biển Đông cho khu vực Tây Nguyên, tạo ra khu kinh tế động lực của tỉnh. Với quy mô gần 21.000ha, trải dài từ nam cầu Hùng Vương đến cảng Vũng Rô, Khu kinh tế Nam Phú Yên được quy hoạch phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu và các ngành công nghiệp sau dầu; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu. Gắn với mở rộng cảng Vũng Rô, tại đây sẽ xây dựng cảng nước sâu Bãi Gốc và kết hợp với cảng hàng không Tuy Hòa hình thành trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

TUẤN KIỆT

Từ khóa:

Ý kiến của bạn