Nhằm cải thiện hoạt động của các bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh, từ cuối năm 2014, Bưu điện tỉnh triển khai mô hình Bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ. Đến nay, mô hình này bước đầu mang lại những tiện ích cho người dân nông thôn, giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí nông thôn mới... Mô hình Bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ đã và đang được Bưu điện tỉnh nhân rộng và thực hiện hoàn thiện hơn.
Hiệu quả bước đầu
Theo ông Huỳnh Công Định, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh, bưu điện văn hóa xã là nơi phục vụ dịch vụ công ích. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, người dân khu vực nông thôn tiếp cận thông tin dễ dàng hơn. Điều này khiến số lượng người đến bưu điện văn hóa xã để sử dụng các dịch vụ bưu chính ngày càng thưa thớt. Thời gian qua, đa số điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh thu không đủ chi, có điểm mở cửa phục vụ nhưng không có khách hàng… Với mục tiêu khôi phục lại các điểm bưu điện văn hóa xã, năm 2014, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam triển khai chiến dịch đổi mới hoạt động của các cơ sở này. Tại Phú Yên, Bưu điện tỉnh đã tu sửa, nâng cấp 100% bưu điện văn hóa xã nhằm duy trì cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích cơ bản và cung cấp đa dịch vụ đối với các điểm bưu điện văn hóa xã trọng điểm. Bên cạnh những dịch vụ truyền thống như bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính, ngành cũng đã phối hợp với Tập đoàn BT, Việt Mỹ cung cấp hàng tiêu dùng với giá phù hợp, đa chủng loại, đảm bảo chất lượng cho người dân nông thôn. Bưu điện cũng cung ứng các dịch vụ phân phối truyền thông (sim thẻ, mua hàng qua mạng, dịch vụ truyền hình), hành chính công (cấp đổi hồ sơ giấy phép lái xe, chuyển phát chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thu tiền điện, BHXH, BHYT tự nguyện, chi trả lương hưu...).
Bà Nguyễn Thị Bích Huyền, Giám đốc Bưu điện huyện Tây Hòa, cho biết: Trước đây, bưu điện văn hóa xã không được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị, chủ yếu triển khai dịch vụ bưu chính, còn các dịch vụ khác thì mang tính chất thu hộ. Còn với mô hình Bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ như hiện nay, các cơ sở được đầu tư thiết bị đầy đủ hơn, tiện nghi như một bưu điện trung tâm; được mở rộng cung cấp nhiều dịch vụ công ích hơn.
Bà Trần Thị Xuân ở xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, nói: Con tôi đang học ở TP Hồ Chí Minh. Khi Bưu điện văn hóa xã An Ninh Tây chưa có dịch vụ chuyển tiền, mỗi lần gửi tiền cho con, tôi phải đến ngân hàng. Nhưng nay có dịch vụ này, tôi thấy thuận tiện hơn. Ngoài ra, tại đây còn bán nhiều loại hàng tiêu dùng, bảo hiểm xe máy, y tế... nên tôi cũng thường đến đây để mua khi có nhu cầu.
Theo Bưu điện tỉnh, mô hình cung cấp đa dịch vụ đã và đang từng bước cải thiện hoạt động của các điểm bưu điện văn hóa xã, bước đầu mang lại hiệu quả. Hiện toàn tỉnh có 76 điểm bưu điện văn hóa xã đang hoạt động. Từ khi triển khai mô hình đa dịch vụ, đến nay, Bưu điện tỉnh đã đưa vào hoạt động 36 điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ. Năm 2016, doanh thu khối bưu điện văn hóa xã đạt gần 8,5 tỉ đồng, chiếm 10% doanh thu của Bưu điện tỉnh. Năm 2017, khối bưu điện văn hóa xã phấn đấu thực hiện doanh thu đạt 16,5 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng gần 18% doanh thu toàn Bưu điện tỉnh. Ước tính trong 2 tháng đầu năm, doanh thu khối này đạt khoảng 10% kế hoạch.
Tiếp tục nhân rộng
Ông Phan Hoàng Khánh, Phó Giám đốc phụ trách Bưu điện huyện Tuy An, cho biết: Tuy An có 13 điểm bưu điện văn hóa xã. Chúng tôi đã triển khai 4 điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ ở xã An Thọ, An Ninh Tây, An Cư và An Chấn. So với những năm trước, mô hình đa dịch vụ đã giúp các điểm bưu điện văn hóa xã hoạt động thường xuyên, được người dân quan tâm hơn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhân viên. Trong năm nay, Bưu điện huyện sẽ khai trương tất cả các điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ còn lại. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường thời gian mở, đóng cửa để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân địa phương. Còn theo bà Nguyễn Thị Bích Huyền, Giám đốc Bưu điện huyện Tây Hòa, toàn huyện có 8 điểm bưu điện văn hóa xã, trong đó có 3 điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ. So với điểm bưu điện văn hóa xã trước đây thì doanh thu của Bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ tăng gấp đôi. Hiện chúng tôi đang làm các thủ tục để trình cấp trên xin tăng thêm 2 điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ nữa, dự kiến tháng 4 này sẽ đưa vào hoạt động. Bưu điện cũng đảm bảo cung cấp dịch vụ hữu ích nhất cho người dân.
Cũng theo ông Huỳnh Công Định, quan điểm của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam là đến cuối quý III/2017, tất cả điểm bưu điện văn hóa xã đều chuyển sang mô hình Bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn. Hiện Bưu điện tỉnh đang tiếp tục rà soát các điểm bưu điện văn hóa xã còn lại để chỉnh trang, trang bị đủ những điều kiện cần thiết. Bưu điện tỉnh đang tập trung tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp khách hàng cho nhân viên phục trách bưu điện văn hóa xã. Ngay từ đầu năm 2017, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã hỗ trợ 100% chi phí đóng BHXH và BHYT cho toàn thể nhân viên bưu điện văn hóa xã, nhằm tạo động lực để họ làm việc.
Thời gian qua, Bưu điện tỉnh đã thực hiện nhiều dịch vụ để hỗ trợ duy trì hoạt động của các điểm bưu điện văn hóa xã, giúp bà con thuận lợi hơn trong việc sử dụng dịch vụ công ích. Hiện Sở TT-TT đang phối hợp với Bưu điện tỉnh xây dựng đề án điểm Bưu điện văn hóa xã đáp ứng tiêu chí số 8 theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và trình UBND tỉnh phê duyệt. Nếu được, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí cho Bưu điện tỉnh triển khai mô hình này. Đây sẽ là điều kiện tốt giúp các điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, hoàn chỉnh hơn; tạo động lực để các xã sớm hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.
Bà Nguyễn Vũ Xuân Dung, Phó Giám đốc Sở TT-TT |
VÕ PHÊ - KIM THÚY