Cuối năm 2016, sau khi được nạo vét, thông luồng, cửa biển An Hải (huyện Tuy An) mở rộng, góp phần thoát lũ kịp thời và cải thiện môi trường đầm Ô Loan. Tuy nhiên, điều này cũng khiến thủy triều lên nhanh với biên độ cao hơn so với khi cửa chưa mở nên đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở các xã ven đầm, nhất là các xứ đồng hạ lưu xã An Cư.
Cửa biển bị “xé” rộng
Hơn 1 tuần nay, ông Nguyễn Ngọc Cừ ở thôn Tân Long, xã An Cư liên tục ra thăm đồng. Gia đình ông có 3 sào ruộng ở xứ đồng Vỡ thuộc xã An Cư, đến nay vẫn chưa gieo sạ được vì ruộng còn nhiễm mặn. Ông Cừ cho biết: Những năm trước đây, tôi thường gieo sạ vào nửa cuối tháng 11 âm lịch, tính đến thời điểm này, lúa đã được khoảng 60 ngày tuổi và chuẩn bị vào giai đoạn trổ đòng. Thế nhưng năm nay thời tiết bất thường, lũ muộn, rồi triều cường lên xuống liên tục do cửa biển mở rộng nên hiện nhiều người ở đây vẫn phập phồng, chưa dám ngâm giống để gieo sạ.
Cùng cảnh ngộ với ông Cừ, ông Nguyễn Đức Hiền cũng ở thôn Tân Long cho hay: Nước triều mới rút được hơn 1 tuần nay, chúng tôi bắt đầu ủ giống nhưng ai nấy đều rất hồi hộp. Vì nếu lỡ gieo sạ mà trời mưa lớn hay biển động rồi thủy triều dâng cao như từ trước tết đến nay thì cả cánh đồng sẽ lênh láng nước, giống mới gieo coi như bỏ đi. Theo ông Hiền, mọi năm, các xứ đồng Vỡ, đồng Mây, Gò Giá, Gò Vôi, Ba Ngọn... ở xã An Cư đến thời điểm này đã xanh ngút mắt, nhưng hiện nay chỉ có những diện tích ở vùng đồng cao là gieo sạ được; còn những đám ruộng ở khu vực trũng thấp, người dân mặc dù phải sạ đi sạ lại 4-5 lần nhưng vẫn không ăn thua. Đám thì mạ lên thưa thớt, đám thì đất ruộng vàng chạch do còn bị nhiễm mặn.
Theo nhiều người dân ở xã An Cư, chưa năm nào việc trồng lúa lại khó khăn như vụ đông xuân năm nay. Thời tiết không thuận lợi, chưa kể ruộng đối mặt với nguy cơ bị ngập và xâm nhập mặn bất cứ lúc nào. “Trước đây, cửa biển An Hải cũng thường mở nhưng mỗi lần mở thì cũng chỉ rộng 100-120m. Nay, do doanh nghiệp nạo vét, thông luồng, hút cát ở cửa biển, kết hợp với đợt lũ muộn cuối năm 2016 khiến cửa bị “xé”, mở rộng đến gần 280m. Điều này một mặt làm môi trường nước trong đầm Ô Loan được cải thiện nhưng mặt khác lại làm cho thủy triều lên nhanh với biên độ cao hơn so với khi cửa chưa mở ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp của người dân”, ông Nguyễn Ngọc Cừ nói.
Liên tục lùi lịch thời vụ
Theo ông Tiếu Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã An Cư, tổng diện tích lúa hai vụ của xã gần 300ha. Đợt mưa lũ cuối năm 2016 khiến 5ha bị bồi lấp, không sản xuất được. Số diện tích còn lại, người dân gieo sạ theo lịch thời vụ thì gặp mưa lớn, ngập úng kéo dài nên có khoảng 100ha ở vùng trũng phải sạ đi sạ lại nhiều lần. Đến nay, toàn xã còn khoảng 10ha ở các xứ đồng phía đông và 3ha ở các xứ đồng phía tây chưa gieo sạ được do đất bị nhiễm mặn.
“Năm 2009, mặc dù xảy ra trận lụt lịch sử, nhưng diện tích ruộng bị ngập úng, nhiễm mặn ở xã chỉ bằng một nửa năm nay. Chưa kể, sau đợt lụt năm 2009, đến mùng 5 tháng Giêng năm sau, toàn bộ diện tích sản xuất trên địa bàn xã đã gieo sạ xong. Còn năm nay, ban đầu, xã chốt lịch gieo sạ vào mùng 4 tháng Giêng nhưng gặp mưa nên lùi lại đến 12 tháng Giêng. Sau đó thì gặp triều cường, nước mặn xâm thực, mới rút được hơn 1 tuần nên đến giờ nhiều diện tích ở vùng trũng, bị nhiễm mặn nặng vẫn chưa thể gieo sạ”, ông Cừ nói và cho biết thêm: UBND xã đã chỉ đạo các HTX nông nghiệp trên địa bàn huy động mọi nguồn lực, thường xuyên canh đóng - xả nước để ngăn triều cường; đồng thời đắp đất, bờ đê ở chỗ trũng để ngăn mặn và cho nước vào thau chua rửa mặn để có thể tái sản xuất.
Không chỉ ở xã An Cư, một số diện tích sản xuất lúa đông xuân ở xã An Ninh Đông cũng bị ảnh hưởng bởi ngập úng, xâm nhập mặn nên đến nay vẫn chưa gieo sạ được. Ông Nguyễn Trinh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông An Ninh, cho hay: Một số diện tích ở các xứ đồng Cây Hai, Ngũ Chủ, Gò Vuông Ngoài, Gò Vuông Trong... trên địa bàn xã bị ngập úng, nhiễm mặn do mưa lớn kết hợp với nước triều dâng nên việc sản xuất lúa đông xuân năm nay gặp bất lợi. Nhiều người dân phải gieo sạ đi, gieo sạ lại nhiều lần nhưng vẫn đối mặt với nguy cơ mất trắng nếu thời tiết tiếp tục diễn biến thất thường như vừa rồi.
Mới đây, qua khảo sát hiện trạng cửa biển An Hải, UBND huyện Tuy An xác định cửa biển đã thay đổi rất nhiều, chiều rộng cửa đã lên đến gần 280m, phần lớn cát được đưa ra phía biển nhưng cũng có một phần được sóng biển đưa vào tạo dải cát chắn ngang lạch về phía cửa Lễ Thịnh. Do cửa biển đã thay đổi hiện trạng nên UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện cho tạm dừng thi công dự án Nạo vét thông luồng cửa biển An Hải - đầm Ô Loan, chờ đánh giá lại hiệu quả dự án và xem xét có nên tiếp tục triển khai hay không.
HOÀI TRUNG - LÊ HẢO