Nhiều tháng qua, các tiểu thương chợ Phú Lâm (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) liên tục than phiền vì tình trạng chợ xuống cấp, dột nát ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán. Nhiều hộ dân sống quanh chợ cũng bất bình vì nước thải tràn lan, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Dân khổ vì ô nhiễm
Những ngày qua, gần 30 hộ dân sinh sống quanh chợ Phú Lâm liên tục “kêu cứu” vì tình trạng nước thải của chợ này tràn ra đường, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Anh Nguyễn Văn Thạo, người dân sống ở đây, nói: Hàng ngày, cứ khoảng 11 giờ 30 đến 12 giờ, các tiểu thương bán cá lại đổ nước về khu xử lý nước thải của chợ. Do nhiều người cùng đổ nên tất cả các loại nước rửa thịt, cá hòa cùng nước cống đen ngòm, hôi thối tràn lênh láng ra đường. Rác thải thì hai ngày mới được thu gom nên cũng bốc mùi nồng nặc. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND phường, yêu cầu Ban quản lý chợ xử lý nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Còn theo chị Nguyễn Thị Huệ Linh, một người dân sống ở khu vực này, thì tình trạng ô nhiễm quanh chợ Phú Lâm đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của gia đình chị. Hàng ngày, nhà chị luôn “cửa đóng then cài” nhưng vẫn không thể ngăn được mùi hôi xộc vào nhà. Các con chị nhiều khi phải “sơ tán” sang nhà bạn bè, người quen vì không thể tập trung học bài trong không gian toàn mùi hôi thối, khó chịu.
Ông Dương Văn Nhi, Phó Trưởng Ban quản lý chợ Phú Lâm, cho hay: Trước đây, chợ chỉ có 3 hầm chứa nước thải. Sau khi tiếp nhận, Ban quản lý chợ làm thêm 3 hầm, mỗi hầm rộng 1,4m, sâu 4m. Tuy nhiên năm qua, trời mưa liên tục nên các hầm nước đều bị “no”, dẫn đến tình trạng nước tràn ra ngoài. Ban quản lý chợ đã 3 lần thuê xe hút hầm; trong đó, lần cuối hút hầm là ngày 26 tết nhưng đến nay chưa đầy 1 tháng mà các hầm nước lại đầy. Với chi phí 3 triệu đồng/lần hút hầm thì Ban quản lý chợ thực sự gặp khó khăn. Chúng tôi đang có kế hoạch xây thêm 3 hầm chứa nước thải, đồng thời tăng thời gian thu gom rác lên 1 ngày/lần để hạn chế tình trạng nói trên.
Cơ sở hạ tầng chợ chưa đảm bảo
Không chỉ người dân sống xung quanh mà ngay cả các tiểu thương trong chợ Phú Lâm cũng than phiền vì tình trạng chợ xuống cấp. Chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc, bán mỹ phẩm trong khu vực nhà lồng chợ, bức xúc: Mỗi khi trời mưa, nước từ trên mái đổ xuống ướt hết hàng hóa, chúng tôi phải lấy thau, chậu hứng nước đổ đi để không ướt hàng. Bên cạnh đó, đường bê tông trước mặt chưa có hệ thống thoát nước nên mỗi khi trời mưa lớn là nước dâng lên đến tận quầy. Chúng tôi phải thường xuyên túc trực cả ngày lẫn đêm để “cứu” hàng vào mùa mưa.
Còn tại khu vực hàng thực phẩm tươi sống, các tiểu thương bán cá, thịt lại luôn lo lắng về vấn đề xử lý nước thải sau mỗi ngày bán hàng. Theo chị Hà, người bán cá tại khu vực này, thì tiểu thương không tránh khỏi việc sử dụng nhiều nước rửa trong quá trình buôn bán, sơ chế cá. Hiện tiểu thương cố gắng giữ vệ sinh bằng cách hạn chế nước thải, đồng thời tự thu gom nước rửa, sơ chế cá, tập trung đổ về khu tập trung nước thải của chợ nhưng về lâu dài, Ban quản lý chợ Phú Lâm cần đầu tư mặt bằng nền, hệ thống thu gom, thoát nước… cho chợ để tạo điều kiện cho tiểu thương buôn bán.
Theo Ban quản lý chợ Phú Lâm, chợ này hình thành từ những năm 1975, sau đó đến năm 2000 thì được địa phương nâng cấp, tổ chức buôn bán cho đến nay chưa được đầu tư thêm. Chợ có diện tích hơn 5.100m2, diện tích xây dựng gần 2.400m2 với 3 khu vực: Khu kinh doanh cố định trong nhà lồng, khu kinh doanh ngoài nhà lồng chợ và khu kinh doanh đường Đoàn Thị Điểm cùng phía đông đường nội bộ. Năm 2014, sau khi trúng thầu quản lý chợ, DNTN Vũ 86 đã tổ chức, sắp xếp lại chợ ngăn nắp, thuận tiện cho việc mua bán. Tuy nhiên, do thời gian xây dựng quá lâu nên nhiều khu vực đã xuống cấp.
Ông Đặng Thái Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Phú Lâm, cho biết: Phường đã nhận được phản ánh của người dân về việc ô nhiễm môi trường quanh chợ Phú Lâm từ tháng 10/2016. Trước mắt, phường đã yêu cầu DNTN Vũ 86 tăng cường thuê xe hút hầm, nạo vét các khu vực ngập ứ nước để hạn chế mùi hôi. Ngoài ra, trong quý II/2017, phường sẽ cho tu sửa mái khu nhà lồng và làm hệ thống thoát nước cho khu hàng thực phẩm tươi sống với kinh phí khoảng 800 triệu đồng. Về lâu dài, khi bố trí được kinh phí, chúng tôi sẽ yêu cầu đơn vị quản lý chợ tiếp tục đầu tư, nâng cấp chợ để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu mua bán của người dân.
NGÔ XUÂN - KIM THÚY