Thứ Sáu, 15/11/2024 14:24 CH
Khẩn trương sửa chữa kênh mương sau lũ
Thứ Bảy, 12/11/2016 14:07 CH

Công nhân Trạm thủy nông kênh Nam phát dọn lòng kênh chính để chuẩn bị cho vụ sản xuất - Ảnh: THỦY TIÊN

Sau đợt mưa lũ vừa qua, nhiều tuyến kênh thủy lợi thuộc hệ thống thủy nông Đồng Cam và kênh nội đồng của nhiều địa phương đã bị hư hỏng, bồi lấp nặng, cần được sửa chữa, nạo vét kịp thời để phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2016-2017 sắp tới.

 

Thiệt hại nặng

 

Theo Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam (Công ty Đồng Cam), đơn vị này đang quản lý vận hành các hệ thống thủy nông kênh Bắc, kênh Nam, Phú Xuân, Đồng Tròn, Tuy An, Suối Vực, Sông Hinh, mỗi năm phục vụ tưới cho khoảng 36.000ha lúa của toàn tỉnh. Vừa qua, bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, nhiều tuyến kênh bị sạt lở, sụp đổ và bồi lấp nặng.

 

Ông Lê Thành Danh, Phó Trưởng Trạm thủy nông kênh Nam, cho biết: Sau đợt mưa lũ vừa qua, trên toàn hệ thống kênh Nam đã bị nước lũ cuốn trôi khoảng 5.000m3 đất đắp, gây sạt lở, làm hư hỏng khoảng 200m2 bê tông mái kênh và hiện hầu hết các kênh cuối cấp đều bị bồi lấp từ 0,3-0,5m với khối lượng đất đá bồi lấp khoảng 3.500m3. Nặng nề nhất là tại K7 thuộc kênh chính nam đoạn qua xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa), đợt mưa lũ vừa rồi, nước sông Ba xâm thực vào bờ hơn 2m, tạo thành nhiều “hàm ếch” rất nguy hiểm. Ước tính nước lũ đã cuốn trôi khoảng 2.700m3 đất ở khu vực kênh này. Theo ông Danh, tình trạng nước lũ xâm thực tại vị trí này đã xảy ra nhiều năm nay, cứ qua mỗi đợt mưa lớn, bờ sông sẽ lấn vào bờ khoảng 0,5m. Trước đây, từ bờ sông đến bờ kênh thủy lợi cách nhau 14m, còn giờ chỉ cách khoảng 5m. Trong khi đó, cao trình giữa bờ kênh và đáy sông chênh lệch nhau khoảng 12m, nếu tình trạng này không được khắc phục sớm thì trong quá trình mở nước phục vụ tưới gặp mưa lớn nguy cơ vỡ kênh rất cao.

 

Trong khi đó, tại hệ thống thủy nông sau thủy điện Sông Hinh, trong đợt mưa lũ vừa qua, một lượng lớn đất đá đã bị nước lũ cuốn từ các sườn núi đổ xuống hồ Suối Thị, gây bồi lấp nặng. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng Trạm thủy nông sau thủy điện Sông Hinh, cho biết: Hồ Suối Thị là vị trí trung chuyển trong hệ thống. Hồ này sẽ nhận nước từ thủy điện Sông Hinh thông qua kênh chính đông và tây sau đó sẽ cấp nước tưới cho hơn 1.500ha đất sản xuất của xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh). Ảnh hưởng bởi mưa lũ, hiện lòng hồ Suối Thị bị bồi lấp khoảng 2ha với khối lượng bồi lấp khoảng 3.200m3. Đặc biệt, vị trí cống nhận nước của kênh chính tây đang bị cát lấp đầy, không thể tiếp nước. Ngoài ra, trên toàn tuyến kênh cũng bị bồi lấp nhiều chỗ. Trong khi đó, tại Trạm thủy nông Phú Xuân, đợt lũ vừa qua đã làm sập đổ hoàn toàn cống tiêu trên kênh N1 của trạm này với khối lượng khoảng 450m3. Theo ông Bùi Văn Định, Trưởng Trạm thủy nông Phú Xuân, nếu cống tiêu này không được khắc phục kịp thời thì vụ tưới sắp tới, nguồn nước sẽ ách tắc hoàn toàn, không đảm bảo cho công tác tưới của trạm.

 

Phó Giám đốc Công ty Đồng Cam Vương Tấn An cho hay: Ngoài những hệ thống trên, hiện các hệ thống thủy nông Đồng Tròn, Tuy An, kênh Bắc cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều đoạn kênh bị bứt hẳn, không thể dẫn nước để phục vụ tưới. Tổng khối lượng đất đá bị cuốn trôi khoảng 6.500m3, đất đá bồi lấp cần phải nạo vét khoảng 15.000m3 và gần 400m3 đá xây, bê tông, tấm lát bị sụp đổ phải sửa chữa. Ước thiệt hại khoảng 3,5 tỉ đồng.

 

Tương tự, hiện nhiều diện tích đất sản xuất của một số địa phương cũng bị bồi lấp và hệ thống kênh mương nội đồng cũng bị hư hỏng nặng. Ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, cho biết: Qua đợt lũ, nhiều diện tích đồng ruộng của địa phương bị đất đá bồi lấp với khối lượng cần phải nạo vét khoảng 9.400m3; trong khi đó, hàng chục tuyến kênh mương nội đồng bị sạt lở với khối lượng khoảng 8.600m3 đất đắp.

 

Còn theo Sở NN-PTNT, qua đợt mưa lũ, toàn tỉnh có khoảng 22km kênh mương bị sạt lở, bồi lấp và hơn 1,4km kênh đá xây bị hư hỏng. Để khơi thông dòng chảy, kịp thời phục vụ sản xuất lúa đông xuân 2016-2017, các đơn vị, địa phương phải nạo vét khoảng 35.000m3 đất đá bồi lấp.

 

Khẩn trương khắc phục

 

Hiện Sở NN-PTNT đã có thông báo lịch gieo sạ vụ lúa đông xuân 2016-2017, theo đó, các địa phương sẽ bắt đầu gieo sạ từ ngày 20/11. Vì vậy, để kịp thời đưa nước phục vụ sản xuất ở các địa phương, Công ty Đồng Cam đang khẩn trương sửa chữa, nạo vét kênh mương.

 

Theo Trạm thủy nông kênh Nam, vụ đông xuân này trạm sẽ cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất khoảng 7.800ha lúa thuộc các huyện Tây Hòa, Đông Hòa và một phần TP Tuy Hòa. Để tưới đúng lịch, trạm đang huy động 48 công nhân tập trung khắc phục các vị trí kênh bị sạt lở với phương thức mua đất và cho anh em đắp tạm để dẫn nước tưới trong vụ, dự kiến sẽ đắp khoảng 500m3 đất. Khó khăn nhất hiện nay là trên toàn tuyến có nhiều vị trí kênh bị sập đổ, bứt hẳn mái ngoài, không còn khả năng dẫn nước tưới. Các tuyến kênh này đều là kênh lát hoặc đá xây, lưu lượng dẫn nước lớn vì vậy phải có các đơn vị chuyên môn khắc phục mới đảm bảo công tác tưới. Tương tự, từ ngày 11/11, Trạm thủy nông kênh Bắc cũng cho công nhân nạo vét, khơi thông dòng chảy tại một số vị trí kênh bị bồi lấp và đắp đất tạm thời ở những tuyến kênh bị sạt lở nhẹ để đáp ứng nhu cầu dẫn nước tưới cho gần 8.000ha lúa đông xuân sắp tới.

 

“Riêng các điểm sạt lở, sụt đổ và bồi lấp nặng, công ty đã kiểm tra, thống kê khối lượng và đang trình các sở, ngành liên quan thẩm định để xin kinh phí khắc phục. Riêng điểm sạt lở tại vị trí K7 trên kênh chính nam, để đảm bảo an toàn cho hệ thống kênh này, trước mắt phải có giải pháp khắc phục bằng cách đổ đất gia cố phía mái ngoài, về lâu dài cần có phương án xây dựng kè cứng hoặc các mỏ hàn để nắn dòng. Công ty Đồng Cam kiến nghị UBND tỉnh xem xét cấp kinh phí và cho cơ chế đặc thù để sửa chữa, đáp ứng nhu cầu cấp thiết phục vụ cho vụ sản xuất lúa đông xuân 2016-2017 đang cận kề”, ông Vương Tấn An nói.

 

Không riêng Công ty Đồng Cam, các địa phương cũng đang gấp rút khắc phục hậu quả lũ lụt để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Tại huyện Tuy An, ngay sau khi lũ rút, huyện này đã triển khai cho các hợp tác xã khẩn trương chuẩn bị sản xuất. Ông Trần Sáu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: Đến nay, địa phương đã thống kê và có kế hoạch khắc phục hậu quả lũ lụt để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Ngoài việc chăm sóc, cứu những diện tích lúa mùa bị ngập, các HTX đang tập trung nạo vét, khơi thông dòng chảy, tu sửa các tuyến kênh bị sạt lở để dẫn nước. Về kinh phí khắc phục, trước mắt địa phương cân đối từ nguồn kinh phí khuyến nông. Đối với những công trình hư hỏng nặng, huyện sẽ kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí khắc phục.

 

Còn theo ông Nguyễn Siêng, định hướng của huyện Phú Hòa là nước rút đến đâu, khắc phục đến đó. Ngoài việc khẩn trương sửa chữa kênh mương, địa phương này cũng kiến nghị các cấp, ngành sớm hỗ trợ giống để người dân sản xuất.

 

Chỉ đạo tại hội nghị UBND tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến yêu cầu các địa phương chủ động khôi phục sớm các hệ thống kênh mương, nạo vét các kênh tiêu, hướng dẫn người dân vệ sinh đồng ruộng…, đảm bảo kịp xuống giống đúng lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp để đảm bảo năng suất lúa. UBND tỉnh cũng sẽ có văn bản xin Trung ương hỗ trợ giống sản xuất cho người dân trong thời gian sớm nhất.

 

THỦY TIÊN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek