Chiều 3/6, tại Hà Nội, Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị hữu quan tổ chức Phiên toàn thể lần thứ nhất Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2016. Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự, chủ trì phiên họp và phát biểu chỉ đạo.
Với chủ đề “Thách thức, giải pháp và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”, Diễn đàn thảo luận 10 chủ đề bao trùm 7 ngành (Kinh tế số, Nông nghiệp, Dạy nghề, Phân phối và Logistics, Thị trường tài chính và Huy động vốn, Công nghiệp phụ trợ, Năng lượng sạch và Tiết kiệm năng lượng) và 3 lĩnh vực (Hội nhập và Toàn cầu hóa, Khởi nghiệp và Sáng tạo, Cụm liên kết ngành).
Hoan nghênh sáng kiến tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2016 của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Diễn đàn có đóng góp quan trọng để Chính phủ lắng nghe trực tiếp những ý kiến của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, từ đó tiếp thu và trình với Quốc hội các chủ trương, chính sách để hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế, doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là xây dựng, ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện nay có 900.000 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký kinh doanh nhưng thực tế chỉ có khoảng 520.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Với mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ sẽ tập trung chăm lo lượng doanh nghiệp hiện có; hỗ trợ, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp quốc gia; hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp khởi nghiệp; hướng đến xây dựng hệ thống doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển nhanh và bền vững bên cạnh những thành phần kinh tế khác.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước.
Môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân đã và đang liên tục được cải thiện với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ như Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020...
Với tinh thần đó, Chính phủ sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, đảm bảo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đại diện Ban Tổ chức, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân cho biết, tại diễn đàn, hơn 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cùng nhau trao đổi để đánh giá khách quan thực trạng và nội lực của khu vực kinh tế tư nhân, qua đó tìm ra tiếng nói chung về những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội và lợi thế mà khối doanh nghiệp tư nhân đã và đang phải đối mặt.
Trên cơ sở đó, Diễn đàn Kinh tế Tư nhân tập hợp và đề xuất các giải pháp chiến lược cho phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam, cũng như thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên trên tinh thần hợp tác giữa khu vực kinh tế tư nhân với Chính phủ và các đối tác trong, ngoài nước để hướng tới sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
Khuyến nghị cơ quan chức năng, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần FPT mong muốn Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp; Tạo thuận lợi cho các thủ tục doanh nghiệp và tăng cường số hóa quy trình quản lý hành chính điện tử; Tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục để tạo nguồn nhân lực sáng tạo cho kinh tế và xã hội, sẵn sàng với cách mạng số là nguồn sáng tạo ra các giá trị cho xã hội; Tăng cường xúc tiến, kêu gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.
Theo TTXVN/Vietnam+