Theo các chuyên gia kinh tế và thị trường, Phú Yên có nhiều lợi thế để phát triển hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN). Tuy nhiên, do còn nhiều điểm yếu như mẫu mã kém, chưa chú trọng xúc tiến quảng bá và nghiên cứu thị trường, thiếu sự liên kết, hợp tác... khiến cho lĩnh vực này chậm phát triển.
MẪU MÃ ĐƠN ĐIỆU, SẢN XUẤT NHỎ LẺ
Gia công hàng ốc mỹ nghệ ở Doanh nghiệp Đại Hưng Phát (TP Tuy Hòa) - Ảnh:MINH NGUYỆT |
Trong đợt tập huấn kỹ năng thiết kế hàng TCMN ở Phú Yên mới đây, ông Đinh Mạnh Hùng, Trưởng phòng Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết: “Các cơ sở sản xuất hàng TCMN của chúng ta hễ thấy có mẫu mã mới là đua nhau bắt chước một cách tệ hại. Nếu muốn tồn tại và phát triển trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, chúng ta buộc phải tạo ra mẫu mã mới”.
Doanh nghiệp Đại Hưng Phát (TP Tuy Hòa) vừa mới ký kết mở đại lý độc quyền bán hàng mỹ nghệ ốc, gỗ tại Mỹ. Với mẫu mã có sự khác biệt, mang nét riêng, doanh nghiệp này đã có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tìm được những nét riêng như Đại Hưng Phát ở Phú Yên hiện vẫn còn rất ít.
Cơ sở Đồng Nhất (Tây Hoà) đang ăn nên làm ra với sản phẩm TCMN từ cọng dừa, nhưng thường ở trong tình trạng bị “đuối hơi” vì sản phẩm luôn hút hàng. Cơ sở này hiện không dám đi chào hàng, mở rộng thêm nhiều điểm phân phối nữa chỉ vì một lẽ là sợ không đáp ứng được lượng hàng. Chị Nguyễn Thị Thắm, chủ cơ sở Đồng Nhất tiếc rẻ: “Chúng tôi đã từ chối nhiều mối hàng lớn vì khả năng sản xuất của mình có chừng thôi”.
Một chủ doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN cho biết: “Đội ngũ thợ sản xuất TCMN chỉ nắm được các kỹ năng cơ bản theo kiểu “công thức” rập khuôn chứ không được đào tạo một cách chuyên sâu, bài bản về thiết kế mẫu mã”. Không chỉ có vậy, các chuyên gia thị trường đánh giá rằng các doanh nghiệp TCMN Phú Yên chưa có sự đầu tư nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu, xu thế của thị trường, nhu cầu của khách hàng.
Thêm vào đó, ý thức sản xuất thành hàng hoá đối với hàng TCMN ở các cơ sở sản xuất chưa nhiều; việc đầu tư công nghệ vào sản xuất còn rất hạn chế. Không những thế, sự thiếu liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề trong ngành hàng này còn dẫn đến việc không đủ khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn.
KHẮC PHỤC, CÁCH NÀO?
Việc khắc phục nhược điểm về thiết kế được xem là cách tốt nhất để khẳng định mình và khách hàng sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của họ. Thực tế cho thấy, nhu cầu thị hiếu về thẩm mỹ của con người luôn biến đổi theo thời gian và từng thời điểm cụ thể.
Ông Phạm Hồng Bình, Chủ Doanh nghiệp Bình SVC cho rằng: “Trước hết, Phú Yên cần phải có hiệp hội về TCMN. Bên cạnh việc chú trọng cải tiến mẫu mã, doanh nghiệp còn cần có cơ quan xúc tiến thương mại chuyên ngành cung cấp thông tin thị trường cũng như thiết kế mẫu mã một cách cụ thể, thiết thực”.
Ông Đinh Mạnh Hùng cho biết: “Đối với thị trường các nước phát triển, hàng TCMN mang tính thời trang rõ nét. Vì vậy, những nhà sản xuất nên đầu tư nhiều hơn cho khâu nghiên cứu thị trường”. Theo ông Hùng: “Các doanh nghiệp TCMN kể cả những doanh nghiệp có nhiều nghệ nhân giỏi cũng nên xây dựng một đội ngũ hoạ sĩ tạo mẫu chuyên nghiệp và thường xuyên đầu tư để đội ngũ này nâng cao chuyên môn và cập nhật kiến thức về thị trường nhằm phục vụ cho việc sáng tạo mẫu mã có chất lượng cao hơn”.
Ông Trần Xủn, Trưởng Văn phòng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Theo các chuyên gia thiết kế hàng TCMN, Phú Yên có một thế mạnh là có nhiều làng đan mây tre lá, xơ dừa… Đây là những mặt hàng nên tập trung nghiên cứu, thiết kế mẫu mã và tìm kiếm các thị trường.
MINH NGUYỆT