Thứ Tư, 23/10/2024 10:15 SA
Khó mua đặc sản vùng miền
Thứ Tư, 09/03/2016 08:23 SA

Lãnh đạo tỉnh cùng đoàn công tác Sở Công thương kiểm tra thị trường tại huyện Sơn Hòa. Trong ảnh: Sản phẩm đặc sản Phú Yên thiếu đa dạng tại các điểm bán ở huyện Sơn Hòa - Ảnh: V.PHÊ

Nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng mạng lưới phân phối nội địa là những biện pháp cần được các cơ quan chức năng, doanh nghiệp Phú Yên hướng đến để giúp người tiêu dùng dễ dàng mua được đặc sản vùng miền hơn.

 

TÌM ĐẶC SẢN, ĐI ĐƯỜNG VÒNG

 

Trong chuyến tham quan gành Đá Đĩa (huyện Tuy An), chị Lê Thị Thùy Vân ở TP Hồ Chí Minh được người dân giới thiệu đặc sản của vùng đất này là một số loại hải sản khô, nước mắm nên chị muốn mua về để làm quà cho bạn bè, hàng xóm. Khi hỏi mua, chị Vân được người dân chỉ đến các cơ sở chế biến ở xã An Chấn. Sau nhiều lần hỏi thăm hết người nọ đến người kia, chị mới đến được nơi làm cá cơm khô. “Đến tận nơi sản xuất, được dùng thử sản phẩm, tôi thấy sản phẩm ngon, chất lượng, giá cũng không đắt. Nhưng bao bì sản phẩm của cơ sở này còn đơn giản nên chúng tôi không biết có bảo quản được lâu không. Dù vậy, chúng tôi cũng mua gần 30kg”, chị Vân cho biết. Một trường hợp khác là ông Trần Công Dinh, quê ở TX Sông Cầu, là Việt kiều Hà Lan, chia sẻ: Về Phú Yên, tôi mới biết ở đây có bò khô một nắng. Nhưng ở Sông Cầu không ai bán nên tôi phải vào TP Tuy Hòa để mua. Theo tôi, các sản phẩm đặc sản như thế này nếu được bán rộng rãi ở các địa phương thì sẽ tiện hơn cho những người có nhu cầu sử dụng.

 

Thực tế, Phú Yên có nhiều đặc sản vùng miền, trong đó, những sản phẩm có thương hiệu, được nhiều người biết đến như bò khô một nắng Hà Trung, Bảy Thư; nước mắm Tân Lập, Ông Già; hải sản Trang Thủy, Bá Hải, Nguyễn Hưng; cà phê Huy Tùng, Hương Hương… Tuy nhiên, trừ những doanh nghiệp lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu thì nhiều cơ sở chỉ sản xuất nhỏ lẻ nên chưa chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói, kiểu dáng bao bì… Quan trọng hơn, hầu hết các đặc sản vùng miền chưa được xây dựng và quảng bá thương hiệu một cách bài bản nên không để lại dấu ấn trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy An, cho biết: Các đặc sản đặc trưng của địa phương là nước mắm, cá cơm khô, mực một nắng, bắp chiên bơ… Tuy sản xuất, chế biến nhiều nhưng đa số các cơ sở còn hoạt động nhỏ lẻ, thủ công, theo mùa vụ, không có vốn đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị. Thêm vào đó, công tác bao bì, đóng gói, nhãn mác, thương hiệu… cũng chưa được chú trọng. Do nhận thức còn hạn chế, nên người sản xuất chưa thấy được lợi ích, tầm quan trọng của những yếu tố này.

 

Ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Để sản phẩm vùng miền có thể cạnh tranh và đứng vững trên thị trường cần có một quy trình đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... Các địa phương, doanh nghiệp sản xuất phải làm cho người tiêu dùng cảm nhận được sự khác biệt về công dụng, đặc điểm… của sản phẩm để góp phần xây dựng và quảng bá thương hiệu. Sở cũng đã hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chú trọng công tác này. Hiện các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn hoạt động khá hiệu quả.

 

LIÊN KẾT PHÂN PHỐI ĐẶC SẢN

 

Qua kiểm tra tại nhiều địa phương, các loại đặc sản vùng miền còn khá hạn chế, thậm chí “vắng bóng” tại các điểm bán. Điều này cho thấy người dân địa phương này chưa sử dụng được sản phẩm của địa phương khác, thậm chí ngay cả sản phẩm được chế biến tại quê hương mình cũng chưa tiếp cận được. Theo những cơ sở chế biến hàng đặc sản tại TX Sông Cầu thì do nhu cầu sử dụng hàng hóa địa phương của người dân không nhiều nên các cơ sở sản xuất không mặn mà cung cấp. Mặt khác, hầu hết các cơ sở đều ít vốn nên muốn bán nhanh lượng sản phẩm làm ra để xoay vòng vốn. Ông Nguyễn Chân, chủ một cơ sở chế biến hải sản khô ở xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu, bày tỏ: Chúng tôi chế biến theo phương thức truyền thống, bao bì đơn giản và vì không có thiết bị bảo quản nên làm xong là bán cho các cơ sở khác để xuất khẩu, không giữ sản phẩm quá lâu. Người dân trong tỉnh, ai có nhu cầu thì liên hệ với cơ sở để mua chứ lâu nay, chúng tôi không cung cấp phổ biến cho những nơi khác trong tỉnh.

 

Bà Nguyễn Thị Thư, chủ cơ sở sản xuất bò một nắng Bảy Thư (huyện Sơn Hòa), cho hay: Hiện nay, hàng đặc sản vùng miền có nhưng chưa thật sự đa dạng ở các điểm bán. Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ triển khai một điểm bán hàng đặc sản tại huyện Sơn Hòa. Tại đây, chúng tôi sẽ trưng bày thêm nhiều loại đặc sản của Phú Yên để phục vụ nhu cầu của người dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ cung cấp bò một nắng tại các điểm trưng bày, khu du lịch… ở những địa phương khác, nhằm giới thiệu sản phẩm của địa phương mình với khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến, khi sản phẩm đã đạt chất lượng thì cần chú trọng khâu phân phối, trong đó có phân phối nội địa và xuất khẩu… Với bất cứ đặc sản nào, nếu người tiêu dùng trong nước, trong tỉnh còn không biết đến thì việc xuất khẩu là không dễ. Do đó, các địa phương phải có sự liên kết chặt chẽ, làm thế nào để đặc sản được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh biết và sử dụng.

 

Sắp tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Công thương hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp trong việc phân phối, quảng bá. Cụ thể, hàng đặc sản vùng miền phải được tăng cường ở các điểm bán. Để làm được điều này, Sở Công thương và các địa phương cần phối hợp vận động doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cung cấp hàng hóa cho các điểm bán, giúp các địa phương trao đổi, sử dụng hàng hóa lẫn nhau.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến

 

VÕ PHÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek