Thứ Tư, 27/11/2024 05:23 SA
3 điển hình cựu chiến binh sản xuất giỏi
Thứ Năm, 26/07/2007 14:00 CH

Khi đã về hưu, gác lại chuyện chiến trường, họ trở về quê hương và bắt tay vào công việc sản xuất, làm kinh tế. Ba gương mặt dưới đây là những tấm gương tiêu biểu trong số những CCB sản xuất giỏi ở Phú Yên.

 

* Ông Đặng Quốc Dụ (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh):

 

LÀM GIÀU NHỜ TRỒNG MÍA

 

070725-CCB1.jpg

Lãnh đạo Hội CCB tỉnh thăm một mô hình sản xuất nông lâm kết hợp của hội viên - Ảnh: N.CÔNG

 

Năm 1996, người cựu chiến binh (CCB), thương binh 4/4, mất sức lao động 62% Đặng Quốc Dụ bỏ nghề làm chè, trồng dâu nuôi tằm ở Bảo Lộc – Lâm Đồng về Phú Yên… trồng mía.

 

Vụ đầu tiên ông trồng 6 sào. Thấy “ngon ăn”, những năm tiếp theo ông thuê đất nhàn rỗi của bà con dân tộc thiểu số phát triển lên dần. Đến niên vụ 1999-2000, ông có 21 ha mía sản lượng trên 1200 tấn, lãi tích góp được trong 4 năm trên 70 triệu đồng. Nhưng cũng trong thời điểm đó, giá đường rớt thê thảm, giá mua mía nguyên liệu của nhà máy đường không đủ thuê công chặt và trả cước phí vận chuyển. Do vậy, tay trắng vẫn hoàn trắng tay.

 

Thất bại nhưng ông không nản chí. Với bản chất của người lính Cụ Hồ đã được tôi luyện theo năm tháng, ông Dụ quyết tâm làm lại từ đầu. Trong lúc người ta thi nhau chặt bỏ mía  thì ông vẫn giữ lại số mía gốc và tiếp tục trồng. Năm 2002, giá mía đường tăng lại và luôn ổn định nên đến năm 2004 ông đã trả hết số nợ vay của Công ty Mía đường Tuy Hòa, của anh em bạn bè, đồng chí đồng đội. Từ đó đến nay, trừ chi phí mỗi năm ông thu lãi ròng từ 100 đến 150 triệu đồng.

 

Giờ thì ông Dụ có trên 50 ha mía, 2.000m2 ao thả cá, 1 xe tải (chuyên vận chuyển mía)… Ông phát triển kinh tế theo hình thức trang trại. Không chỉ làm giàu cho chính mình, ông Dụ còn đầu tư vốn cho một số hộ nông dân có đất, có lao động phát triển kinh tế gia đình; đầu tư trồng 8 sào mía cho chi bộ CCB khu phố 9 (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh), nơi ông làm uỷ viên ban chấp hành, để làm quỹ.

 

* Ông Phạm Xoáy (xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu):

 

TỈ PHÚ TÔM HÙM

 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, rời quân ngũ, ông Phạm Xoáy trở về quê hương Xuân Phương (Sông Cầu) với giấy chứng nhận bệnh binh mất sức 60%. Dù cố gắng cật lực với nghề đánh bắt bằng phương tiện thô sơ, gia đình anh vẫn thiếu trước hụt sau.

 

Năm 2000, thấy nghề nuôi tôm hùm bằng lồng ở địa phương có hiệu quả, anh mạnh dạn đề nghị Hội CCB cơ sở lập dự án vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Vụ đầu tiên anh nuôi 200 con, sau 18 tháng xuất bán được 70 triệu đồng. Nhờ con giống do gia đình tự lặn bắt, thức ăn tự tìm nên toàn bộ số tiền bán tôm được xem như lãi ròng. Với số tiền đó anh sắm thêm lồng và tiếp tục thả nuôi 500 con. Cứ như vậy, hàng năm anh tăng số lượng tôm nuôi từ 200 đến 250 con, hiện nay là 1400 con. Lợi nhuận từ đó cũng tăng theo, bình quân mỗi năm anh thu lãi từ 150 đến hơn 200 triệu đồng.

 

Ăn nên làm ra, anh Xoáy đã xây được nhà bề thế với kinh phí gần 300 triệu đồng. Ngoài mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình, phương tiện đi lại và đầu tư cho các con ăn học, anh còn cho các anh em trong Chi hội CCB Phú Hai và một số bà con trong xã mượn vốn nuôi tôm hơn 100 triệu đồng. Từ sự giúp đỡ của anh (cả tiền vốn lẫn kỹ thuật), 6/6 hội viên CCB của Chi hội Phú Hai đều nuôi tôm hùm và thu lãi mỗi năm 60-100 triệu đồng. Liên tục từ năm 1991 đến nay, anh được  anh em CCB tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng.

 

* Ông Ma Meo (xã Suối Trai, huyện Sơn Hoà):

 

SẴN SÀNG GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC CÙNG LÀM GIÀU

 

Năm 1980, trở về từ quân đội, Ma Meo, người dân tộc Ê đê ở xã Suối Trai, (huyện Sơn Hòa)- luôn trăn trở: Làm thế nào để cái bụng được no, con cái lớn lên được học cái chữ?. Ma Meo tìm gặp những  đồng chí, đồng đội cũ, rồi nhờ họ giới thiệu làm quen với những người đang ăn nên làm ra để học tập kinh nghiệm  làm ăn.

 

Năm 1981, Ma Meo động viên gia đình cải tạo lại số diện tích nương rẫy sẵn có và khai hoang thêm được 5 ha. Lúc đầu chưa có vốn nên Ma Meo chỉ trồng đỗ, bắp, mè và lúa rẫy với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.  Sau đó, ông thực hiện thâm canh tăng vụ, đưa giống mới vào sản xuất, thay thế giống cũ đã thoái hoá. Thế là chỉ sau mấy năm, gia đình người cựu chiến binh này không những đủ cái ăn mà còn có vốn tích luỹ.

 

Dùng tiền đã tích lũy được, Ma Meo mua bò sinh sản và khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất lên đến 19ha. Nhờ  biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, thời tiết thuận lợi, nên qua mấy vụ sản xuất Ma Meo thu được lãi lớn.

 

Kinh tế gia đình ổn định, Ma Meo học theo người miền xuôi mua máy xay xát về xay gạo, mua xe công nông để vận chuyển lương thực, hàng hóa và sắm máy cày do mình tự lái.

 

Với những kết quả đạt được từ việc sản xuất và chăn nuôi, Ma Meo trở thành CCB giàu  có nhất ở Suối Trai. Bình quân mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 30 -40 triệu đồng. Riêng năm 2006, lãi từ cây sắn, đậu đỏ và bắp lai của gia đình ông là khoảng 55 triệu đồng. “Gia đình Ma Meo đã khá, nhưng bà con nhiều người còn khổ. Họ muốn làm theo Ma Meo nhưng khó khăn về vốn, giống. Vì vậy, ai cần vốn, Ma Meo giúp vốn, ai cần giống, Ma Meo giúp giống. Ma Meo sẵn sàng cho mượn mà không tính lãi. Cày đất cho bà con, Ma Meo chỉ tính tiền dầu và một phần chi phí hao mòn máy móc. Có những vụ thời tiết khắc nghiệt, sản xuất mất mùa, làm ăn thua lỗ, bà con không thu hồi được vốn, Ma Meo sẵn sàng xoá nợ, xem như vụ đó cày giúp  bà con không lấy tiền. Việc làm của Ma Meo đều được bà con trong buôn làng đồng tình, ủng hộ” - Ma Hoang, Chủ tịch Hội CCB xã Suối Trai cho biết.

 

LÊ MINH CÔNG

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek