Thứ Ba, 29/10/2024 06:26 SA
Phòng và trị bệnh gumboro cho gà
Thứ Ba, 08/12/2015 07:00 SA

Ảnh minh họa: N. MINH

Bệnh gumboro là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, khả năng lây lan nhanh ở cả gà nuôi công nghiệp và gà thả vườn, có thể gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.

 

Bệnh gumboro thường xảy ra ở gà từ 30-60 ngày tuổi. Tỉ lệ chết của gà khi bị nhiễm bệnh từ 3-20%, và từ 21-100% nếu nhiễm kèm với các bệnh newcastle, tụ huyết trùng, thương hàn, marek, cầu trùng… Bệnh gumboro thường xảy ra khi gà không được tiêm vắc xin phòng gumboro hoặc tiêm không đủ liều hoặc vắc xin kém chất lượng đều làm cho miễn dịch của gà đối với bệnh không tốt. Công tác vệ sinh phòng bệnh kém như máng ăn, máng uống, chuồng nuôi và sân chơi bẩn, không được sát trùng đúng cách và thường xuyên, khiến mầm bệnh lưu lại lâu trong dụng cụ và môi trường, dễ dàng gây bệnh khi sức đề kháng của gà bị giảm sút. Thức ăn cho gà phẩm chất kém, nghèo dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không cân đối…

 

Khi gà bị bệnh gumboro có những biểu hiện đặc trưng sau: Quan sát bên ngoài ta thấy gà bỏ ăn, uống nhiều nước, xù lông, da tái nhợt nhạt, sốt rất cao (sờ vào thân gà rất nóng), chân khô, yếu, đi đứng không vững, phân ban đầu có nước màu trắng đục sau chuyển thành màu vàng, nhớt, đôi khi có lẫn máu, gà ỉa liên tục. Gà bị bệnh thường chụm lại một chỗ và suy yếu rất nhanh. Mổ nội tạng thấy cơ đùi và cơ ức xuất huyết lấm chấm hoặc thành những vệt dài. Nơi tiếp giáp giữa dạ dày cơ và dạ dày tuyến bị xuất huyết. Túi fabricius (túi huyệt) ban đầu sưng to, bóp vào dễ mủn nát, sau teo dần lại rất nhỏ, kích thước chỉ bằng 1/3 so với bình thường. Đây là đặc điểm không thể nhầm lẫn giữa bệnh gumboro với các bệnh khác.

 

Bệnh gumboro do virus gây ra nên chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, khi gà bị bệnh gumboro chết chủ yếu do sốt quá cao, mất nước nặng và bội nhiễm thêm các bệnh khác. Nếu chẩn đoán chính xác gà đã bị bệnh gumboro, người chăn nuôi cần thực hiện ngay những biện pháp sau: Giải nhiệt, trợ sức, bù nước, chất điện giải và tăng sức đề kháng cho gà bằng các loại như điện giải Oresol, điện giải Anti-gumboro, Multivit… Cho uống liên tục trong thời gian gà bị bệnh. Tiêm kháng thể gumboro 3 ngày liên tục (có thể sử dụng chế phẩm sinh học Navet kháng gum hoặc kháng thể Hanvet K.T.G). Sau khi sử dụng kháng thể 5 ngày, bệnh có dấu hiệu thuyên giảm có thể dùng kháng sinh để chống bội nhiễm: Vimenro, RTD - gum gà… cho uống vào mỗi buổi chiều mát, 3 ngày liên tục. Vệ sinh và phun thuốc tiêu độc thật kỹ chuồng nuôi và xung quanh khu vực nuôi bằng các loại thuốc sát trùng như Benkocid, Virkon, Longlife… Sau khi tiêm kháng thể gumboro 7 ngày và gà đã khỏe mạnh trở lại cần tiêm lại vắc xin gumboro cho toàn đàn.

 

Vào thời điểm này, người chăn nuôi gà bắt đầu thả nuôi và tăng đàn để kịp bán dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đây cũng là lúc bệnh gumboro dễ phát ra nhất bởi những thay đổi bất thường và liên tục của thời tiết. Người chăn nuôi gà cần thận trọng hơn không riêng gì bệnh gumbro mà cần phòng ngừa các bệnh khác, chăm sóc đàn gà nuôi luôn khỏe mạnh và mau lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

 

NGỌC NHƯ (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek