Mùa ốc ruốc biển kéo dài từ tháng Giêng đến tháng 5 âm lịch đã mang lại nguồn lợi đáng kể cho những người dân làm nghề cào ốc ở phường 7, phường 9, xã An Phú (TP Tuy Hòa). Thế nhưng, để có thể mang về những con ốc nhỏ từ lòng biển, người lao động phải mất nhiều mồ hôi, công sức.
MẶN CHÁT MỒ HÔI
Ốc ruốc là một loại ốc biển rất nhỏ, nhiều màu sắc, là món ăn vặt được nhiều người ưa thích. Để có món ốc ruốc thơm lừng cho mọi người thưởng thức, ít ai biết những người làm nghề cào, nấu ốc ruốc trải qua bao nhọc nhằn.
Đầu tiên phải kể đến việc cào ốc. Công việc khá cực nhọc nên kén người làm. Hầu như cả ngày họ ngâm mình trong nước biển để có những mẻ ốc bỏ mối cho khách hàng.
Dù chuyên hay không chuyên, mỗi ngày, khi mặt trời gần lặn, thủy triều xuống thấp là lúc những người cào ốc ruốc bắt đầu công việc của mình. Đến tầm 19 giờ, khi thủy triều lên, họ tạm ngừng công việc. Đồ nghề của họ khá đơn giản với cây cào làm bằng tre dài khoảng 2m, một đầu được chẻ ra làm hai và lắp vào khung cào (thanh sắt mỏng) để cào ốc. Bao bọc khung sắt là tấm lưới mắt nhỏ có đãy dài để giữ ốc trong lúc cào. Những người cào ốc làm việc trong khu vực nước cạn từ 1 đến 1,5m, dùng sức của đôi tay và sức rướn cả người để cào xuống cát biển. Sau khoảng 15 phút, khi cát trong đãy đã đầy, họ lắc đãy để đãi cát ra ngoài, lấy phần ốc đưa lên bờ, bỏ vào bao ni lông, rồi tiếp tục lội xuống nước cào mẻ sau.
Ông Nguyễn Văn Định (phường 9, TP Tuy Hòa), 56 tuổi, một trong những người cào ốc ruốc có thâm niên, cho biết, hiện tại có khoảng 10 người làm công việc cào ốc ruốc chuyên nghiệp. Còn như những người tranh thủ kiếm thêm thu nhập thì khoảng 10 người. Ốc ruốc cũng có lúc được mùa, vài ba năm mới được một lần. Thông thường, mỗi một mẻ cào được 2 đến 3kg, nếu chịu khó, trong một buổi, mỗi người cào được 50kg. Với giá hiện nay, mỗi ký ốc tươi 5.000 đồng, một ký ốc đã luộc chín 11.000 đồng, một người, một ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng.
Còn bà Trần Thị Ty, người chuyên bỏ mối ốc luộc ở chợ Tuy Hòa và các xã lân cận, cho biết: “Năm nay, dọc biển Tuy Hòa đều có ốc, nhưng chỉ có bãi tắm cuối đường Trần Phú là có ốc to. Để có thể cào được ốc to, người ta phải cào rà từ biển xã An Phú vào, thấy nơi nào có ốc to là dừng lại. Mất một khoảng thời gian kha khá cho việc cào thử nghiệm, đến khi tìm được chỗ ưng ý thì chỉ cần ở một chỗ, cào thì sẽ có ốc. Nhưng đây chỉ là khâu đầu tiên. Để có ốc bán cho bạn hàng, chúng tôi phải làm tiếp nhiều công đoạn nữa”.
CỦA CHỒNG, CÔNG VỢ
Công việc cào ốc ruốc là của đàn ông, nhưng để đổi ốc thành tiền cần đến bàn tay của người phụ nữ.
Chị Lưu Thị Thanh, vợ anh Nguyễn Văn Nhanh, cho biết thông thường, ốc về tới nhà lúc 19 giờ. Để ốc nhả cát, chị ngâm nước biển vài tiếng đồng hồ, sau đó đãi cho sạch. Khâu luộc ốc ruốc cũng công phu và có nghề thì mẻ ốc luộc ra mới ngon. Ốc ruốc ngâm sạch cho vào xoong, cho thêm các loại gia vị như mắm, muối, đường, ớt, dầu ăn, bột nêm…; nấu sôi một lúc rồi nhắc xuống. Công đoạn này quan trọng nhất là khâu ướp gia vị, sao cho vừa miệng, đủ độ cay đòi hỏi người làm phải quen tay, lường chuẩn xác.
Bán ốc chín phải cung cấp gai để lể ốc. Sau khi cào, nấu ốc thì người bán phải đi chặt bàn chải về để bẻ gai. Gai bàn chải nhọn, cầm đã khó, bất cẩn một chút là gai đâm vào tay nhức nhối. Khó khổ là thế nhưng chị Thanh không khi nào bán sỉ ốc tươi, mà luộc xong rồi bán. Chị chia sẻ: “Chồng cào ốc ruốc cực khổ, phải ngâm mình ở biển, thì mình cũng góp công sức để chế biến nó ra, bán cho được tiền. Nếu bán ốc tươi, chỉ chừng 5.000 đồng/kg, còn ốc làm rồi thì gấp đôi, nên thu nhập cũng tăng gấp đôi”.
Còn bà Trần Thị Ty thì cho biết, hàng ngày bà bỏ mối từ 1 đến 5 tạ ốc cho những bạn hàng ở chợ Tuy Hòa. Do nhu cầu cao nên lượng ốc cào tại biển Tuy Hòa thường không đủ đáp ứng. Để có nguồn cung dồi dào, bà Ty đặt mua ốc ruốc từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… Bà Ty cho biết thêm, năm nay nắng nóng, ốc mua từ tỉnh ngoài về không ngọt, ít tươi nên chồng và con trai bà Ty phải đi cào ốc ruốc để giữ chân khách hàng. Bà Ty chia sẻ: “Ốc ở biển ngoài nhìn to nhưng nếu so sánh về độ ngọt thì không bằng ốc biển Tuy Hòa, nên những người sành ăn vẫn thích ăn loại ốc biển ở mình hơn”.
Theo bà Ty, hiện tại có khoảng 6 người ở TP Tuy Hòa chuyên cung cấp ốc ruốc luộc như bà. Công việc cũng có lãi nhưng vất vả, cả vợ chồng phải ra sức chứ không phải kiểu làm chơi, ăn thiệt.
THÁI HÀ