Thứ Ba, 26/11/2024 12:25 CH
Đổ xô đi cưa, hạ cây xay
Thứ Bảy, 09/08/2014 08:18 SA

Người dân xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) hái xay rừng về để trong nhà chờ bán - Ảnh: H.NAM

Những ngày qua, nhiều người dân huyện miền núi Sơn Hòa, Đồng Xuân đổ xô đến các khu rừng già La Hiên, Suối Mun, Chín Cụm, Trại Tôn thuộc xã Phú Mỡ (khu vực lâm phần của rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân) để cưa, hạ cây xay hái trái.

 

“NẰM RỪNG” LA HIÊN

 

Anh T. V. Th ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) vừa đi hái xay về, trong nhà chất 10 bao tải trái xay, còn trước nhà thì phơi kín sân. Anh Th giãi bày: “Chuyến đi trước tôi cùng mấy người trong xóm sáng sớm vượt đèo dốc vào vùng rừng Suối Mây (khu vực giáp ranh giữa xã Sơn Định với xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) hái xay. Đến nơi thấy hàng chục xe gắn máy của những người hái xay để dọc theo bờ suối. Tôi đã hái 2 ngày ở khu vực đó nên lần này phải lên La Hiên “nằm rừng” 3 đêm mới về”.

 

Hiện khu rừng già La Hiên, Suối Mun, Chín Cụm, cây xay cao 10 đến 15m, có cây cao đến 20m, thẳng đuột như trụ điện nên không thể trèo lên hái được. Trước đây những người hái xay lâu năm nghĩ ra cách, hai người leo lên hai cây xay cạnh nhau rồi mỗi người nắm chặt đầu dây rừng, người bên này dùng sức kéo để cành cây bên kia quặt xuống nghiêng đụng vào cây xay rồi chuyền qua dùng rựa chặt nhánh. Ông N. P.L, một người hái xay ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), phân trần: “Thân cây xay rất cứng, nhánh nhỏ bằng đầu gối, dùng rựa “cốt” (chặt) cả buổi mới gãy, còn nay dùng cưa máy chỉ trong 10 phút thì cưa tiện sát gốc cây đường kính cỡ 50cm. Tuy nhiên trước khi đi, mọi người mang theo nhiều lưỡi cưa vì cưa cây to cứng nên lưỡi cưa bị gãy liên tục”.

 

Cây xay cũng giống như cây ươi, năm nào nắng hạn thì được mùa sai trái, tuy nhiên khác với trái ươi khi gặp mưa thì nở ra, sau đó rụng cuốn, còn trái xay “đeo” trên cành đến khi chín khô. Thêm một đặc điểm là cây xay cao, thân thẳng so với các loại cây khác. Theo kinh nghiệm của những người chuyên hái xay, khi cây xay đến tuổi ra trái thì vươn cao hơn các loại cây khác mọc bên cạnh và hướng theo ánh nắng mặt trời để ra trái. Dù cùng “được mùa trong nắng hạn” nhưng trái xay lại không giống trái ươi ở chỗ, trái ươi ra trái thòng xuống, còn trái xay hướng ngược lên trời, nằm trên những tán lá. Anh L. V. Đ ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), người đi hái xay ở khu rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân, đúc kết: “Xay “giấu” trái trên tán lá vì vậy đứng dưới gốc cây nhìn lên rất khó thấy. Muốn biết cây xay có trái hay không, phải “dựa thế” các cây bên cạnh, leo lên cách 5m mới nhìn thấy trái, thế nhưng trái xay lại “mà mắt” nhiều người, không phân biệt được xay chín và xay xanh vì từ trái già đến trái non đều có màu đen nhẵn thín”.

 

Chính vì xay “giấu” trái trên tán lá và nay cũng không ai bỏ công sức leo lên trên cao nhìn có trái hay không mà dùng cưa máy cưa cây. Nhiều người gắng sức rồ máy cưa, khi cây ngã lại phát hiện trái xay còn non ợt nên bỏ đi tìm cây khác, mặc cho thân cây xay ở khu rừng phòng hộ chảy nhựa rồi khô dần.

 

TRỌNG THƯƠNG VÌ CƯA XAY

 

Trái xay có 3 loại. Xay trâu có vỏ màu nhung đen, trái to bằng ngón tay cái, cơm ngọt. Loại xay bét có vỏ màu lông chồn đèn, ít ngọt hơn. Còn xay sẻ là loại có trái cỡ ngón tay út, hơi chua. Một bao xay trung bình nặng 30kg. Ông N.V.D, một người hái xay ở xã Xuân Phước, xởi lởi: “Tốp của tôi 4 người, dỡ gạo, mang theo cá mặn lên ăn ngủ tại rừng sâu Suối Mun, Trại Tôn chứ ở ngoài này người ta cưa hết rồi. Ở đó 4 ngày hái 17 bao xay. Xay mõ (xay chín) thương lái mua 35.000 đồng/kg, còn xay vàng mơ (ruột màu xanh) thì 30.000 đồng/kg. Xay vàng mơ phơi cỡ 4 nắng thì thành xay mõ trộn lại bán chung, trừ hao hụt bán được trên 17 triệu đồng, chia ra mỗi người được 4 triệu đồng”.

 

Do cây xay sai trái, cho thu nhập cao nên nhiều người đổ xô vào rừng hái xay, vì vậy rừng xay rất hỗn độn và không lường trước hiểm nguy. Khi đến rừng xay, từng tốp người chia ra mạnh ai nấy cưa cho cây xay ngã xuống rồi “xí chủ”; có người khi đang cưa cây chưa kịp ngã thì cây người khác cưa bên cạnh ngã trước trúng hướng đè người. Mới đây, tại xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) đã có người bị thương rất nặng vì bị cây xay đè.

 

Hơn 1 tháng trước, cũng tại khu rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân, nhiều cây ươi bị đốn hạ không thương tiếc, nay hết mùa ươi thì nhiều người quanh vùng đổ xô vào rừng tiếp tục cưa hạ cây xay. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Lộc, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Đồng Xuân, thừa nhận: “Trước thông tin nhiều người vào rừng phòng hộ Đồng Xuân cưa cây xay hái trái, lực lượng của ngành Kiểm lâm đã tiến hành kiểm tra và vừa bắt một số đối tượng. Chúng tôi vào rừng nghe tiếng máy cưa, khi băng rừng đến nơi thì họ bỏ chạy, kiểm lâm không thể vào rừng sâu vì khu vực này rất rộng, trên 22.000ha, trong khi đó người hái xay đi đến các nơi xa hẻo lánh, đêm ngủ tại rừng. Khu rừng này vừa hết mùa ươi lại đến mùa xay, thế nhưng vì cây xay rất cứng nên họ chỉ cưa cây nhỏ, cây to cỡ người ôm không thể cưa được”.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek