Huyện Đồng Xuân là một trong những địa phương của tỉnh được thụ hưởng dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (Flitch). Qua gần 6 năm trồng, chăm sóc, màu xanh bạt ngàn của rừng keo sắp mang lại cho người dân nơi đây một cuộc sống mới.
ĐẦU TƯ PHÙ HỢP
Theo Sở NN-PTNT, dự án Flitch có tổng mức đầu tư 181,76 tỉ đồng; trong đó vốn đối ứng 38,4 tỉ đồng, vốn nước ngoài 115,68 tỉ đồng. Lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến hết tháng 6/2014 ước đạt 109,637 tỉ đồng. Năm 2014, kế hoạch vốn bố trí 21,911 tỉ đồng; trong đó, vốn ODA 15 tỉ đồng, vốn đối ứng 6,911 tỉ đồng… Dự án tập trung thực hiện các hoạt động phát triển lâm sinh với khối lượng dự kiến trồng rừng phòng hộ 70ha, rừng sản xuất khoảng 3.090ha, chăm sóc 4.023,27ha rừng, cải tạo vườn tạp 60ha, giao khoán quản lý bảo vệ rừng có người dân tham gia 11.343ha. Riêng hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển lâm sinh và cải thiện đời sống sinh kế của nhân dân vùng dự án, đến nay đã đầu tư được 11 nhóm hạng mục gồm 219 công trình, 19,82km đường lâm nghiệp và đường giao thông nông thôn với tổng giá trị 30,742 tỉ đồng. |
Dự án trồng rừng Flitch được triển khai từ năm 2009 tại 2 xã Phú Mỡ và Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) với tổng diện tích hơn 800ha. Qua kiểm tra, Ban quản lý dự án Flitch Trung ương đánh giá huyện Đồng Xuân thực hiện khá tốt nên đồng ý cho tiếp tục triển khai thêm 4 xã khác. Ông Huỳnh Pô Pin, Phó giám đốc dự án Flitch tại huyện Đồng Xuân cho biết, sau xã Phú Mỡ và Xuân Quang 1, Trung ương quyết định đầu tư mở rộng dự án này đến các xã Xuân Lãnh, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3 và Xuân Phước. Dự án thu hút 1.231 hộ gia đình tham gia trồng rừng sản xuất được gần 1.507ha, rừng theo kiểu nông lâm kết hợp hơn 14ha, cải tạo vườn hộ gia đình hơn 23ha và quản lý bảo vệ rừng hơn 8.370ha.
Ngoài trồng và bảo vệ rừng, các hộ tham gia dự án thuộc 2 xã Phú Mỡ và Xuân Quang 1 còn được hỗ trợ từ hợp phần cải thiện sinh kế. Theo đó, mỗi xã được hỗ trợ không hoàn lại 20.000 USD; trong đó, 16.000 USD cho người dân vay phát triển kinh tế hộ gia đình với lãi suất theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội và 4.000 USD còn lại được dùng để mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng thôn, buôn. Từ nguồn vốn này, Ban quản lý dự án của 2 xã thành lập 10 nhóm với 275 thành viên tham gia, trong đó có 140 hộ nghèo được vay 794 triệu đồng để trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh khác. Kết quả cho thấy, hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, các hộ vay đều trả lãi và nợ gốc đúng hạn. Ngoài ra, dự án còn thực hiện 10 công trình dân sinh như bê tông hóa đường giao thông nông thôn, san ủi mở đường vào khu đất sản xuất, nâng cấp, xây dựng kênh nhánh thủy lợi, làm cống hộp qua đường giao thông và xây dựng nhà văn hóa…
MANG LẠI HIỆU QUẢ
Theo ông Huỳnh Pô Pin, riêng thôn Phú Hải, xã Phú Mỡ, bà con trồng được trên 100ha, bình quân mỗi hộ khoảng 2ha. Nếu bán gỗ tại rừng với giá bình quân 1 triệu đồng/tấn cũng được từ 50 đến 60 triệu đồng/ha, đạt doanh thu trên 100 triệu đồng. Còn bán thẳng cho nhà máy, giá sẽ cao hơn (từ 70 đến 80 triệu đồng/ha). Nhiều hộ trồng được từ 5 đến 6ha rừng, thu nhập không dưới 300 triệu đồng. Đây là cơ hội lý tưởng để bà con mua sắm, xây dựng nhà cửa, xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ cho bà con về cơ sở hạ tầng nông thôn, cho vay lãi suất thấp để sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.
Gia đình anh La O Thảo ở thôn Phú Hải trồng được 1,9ha rừng keo xanh tốt, đang chờ ngày thu hoạch, nói: “Do mình chăm sóc kỹ nên mới được vậy. Năm nay, tôi tiếp tục đăng ký trồng khoảng 1,5ha rừng. Cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm”. “Là người bán buôn ở đây đã lâu, tôi thấy trước kia người dân Phú Hải còn khó khăn nhiều lắm. Từ ngày có dự án, nhà nào cũng làm ăn được, giảm đói nghèo, an ninh trật tự trong thôn cũng được đảm bảo”, chị Võ Thị Hoa, một tiểu thương ở thôn Phú Hải, cho biết.
Thôn Phú Hải có 53 hộ thì có đến 50 hộ tham gia dự án, hộ ít cũng trồng được 1ha, nhiều từ 4 đến 6ha. Hiện rừng chưa đến chu kỳ khai thác, nên bà con chỉ mới được hưởng lợi từ các khoản hỗ trợ. Trưởng thôn Phú Hải So Minh Thương phấn khởi cho biết, từ khi có dự án đến nay, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Trong tổng số 53 hộ đã có 5 hộ vượt nghèo, những hộ còn lại sẽ tiếp tục thoát nghèo trong nay mai. Riêng gia đình tôi trồng được 6ha, do thực hiện đúng quy trình nên cây phát triển rất nhanh. Một năm được hưởng công chăm sóc 2 lần, cộng với tiền bán nông sản và làm thêm cũng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Còn tiền thu hoạch từ rừng sắp tới dùng để xây nhà, mua sắm vật dụng, phương tiện và tái đầu tư trồng lại.
Tương tự, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân cũng trồng được hơn 500ha keo thuộc dự án này. Do đầu tư tốt, chăm sóc kỹ nên rừng phát triển khá tốt, trong khi đó nhiều khu rừng khác kề bên chậm phát triển hoặc bị khô lá do nắng nóng kéo dài. Ông Đặng Chí Hậu, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 cho biết, bà con rất phấn khởi và có trách nhiệm rất cao ngay từ những buổi đầu xuống giống trồng rừng. Hy vọng mùa thu hoạch tới, rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Năm 2014 là năm cuối thực hiện dự án, huyện Đồng Xuân có 566 hộ đăng ký tham gia trồng 1.921ha rừng. Hiện địa phương đã hoàn thành khâu kiến thiết cơ bản để chuẩn bị trồng rừng trong mùa mưa tới.
THẾ LẬP - PHƯƠNG NAM