Gần đây, tại nhiều địa phương trong tỉnh, người dân tổ chức nhân nuôi số lượng lớn loại sâu superworm (còn được gọi là sâu gạo), để cung cấp cho các cửa hàng chim cảnh. Loại sâu này chưa có tên trong “Danh sách vật nuôi nông nghiệp tại Việt Nam” và có nguy cơ gây hại, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên xung quanh vấn đề này.
* Thời gian qua, nhiều người dân tổ chức nhân nuôi sâu gạo để cung cấp cho các cửa hàng chim cảnh và bán cho người nuôi chim. Loại sâu này khi phóng thích có gây hại đến sản xuất nông nghiệp không, thưa ông?
- Sâu làm thức ăn cho chim cảnh hiện nay là sâu superworm (Zophobas morio), một loài bọ cánh cứng thuộc họ Tenebrionidae, có tên khoa học là Zophobas morio. Ấu trùng của chúng còn được gọi là sâu gạo, có kích thước 50 đến 60mm. Chúng được dùng làm thức ăn cho chim cảnh và cá rồng. Sâu gạo là loài côn trùng ăn tạp, phàm ăn và có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Chúng chưa có tên trong “Danh sách vật nuôi nông nghiệp tại Việt Nam” và có nguy cơ gây hại đến sản xuất nông nghiệp cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Vì vậy, việc nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu gạo là hành vi vi phạm pháp luật. Căn cứ theo Điều 7 của Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2001, quy định: “Nghiêm cấm mọi hành vi gây hại tài nguyên thực vật, sức khỏe nhân dân, môi trường và hệ sinh thái”. Hành vi nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích dịch hại nguy hiểm đối với tài nguyên thực vật mà không được phép của Bộ NN-PTNT sẽ bị xử phạt căn cứ tại Điểm b, Khoản 3, Điều 14 của Nghị định 114/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Ở Phú Yên, qua khảo sát của Trạm Kiểm dịch thực vật (thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật), tại các thành phố, thị xã và thị trấn có nhiều cửa hàng bán chim cảnh. Thức ăn cho chim cảnh được bán tại các cửa hàng là loài sâu gạo này. Sâu gạo được nhập từ miền Nam nhưng không loại trừ khả năng chúng được nhân nuôi tại Phú Yên.
* Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?
- Để kịp thời ngăn chặn việc nhân nuôi và phóng thích loài sâu hại nguy hiểm này, ngày 23/5/2014, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên có công văn gửi các địa phương và cơ quan chức năng nhằm phối hợp ngăn ngừa việc nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu gạo. Theo đó, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đề nghị các địa phương và các cơ quan chức năng cùng phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu gạo trên địa bàn tỉnh. Thông báo cho cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương và chính quyền cấp xã, phường phối hợp với các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu việc nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu gạo là trái với quy định của Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật. Khuyến khích người dân phát hiện các cơ sở nhân nuôi, báo cho chính quyền địa phương biết để kịp thời xử lý. Phòng Kinh tế, Phòng NN-PTNT phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật thường xuyên theo dõi các cửa hàng bán chim cảnh trên địa bàn, tham mưu UBND xã phát huy tính tự chủ trong việc kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm của các cửa hàng bán chim cảnh theo quy định của Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ngăn chặn việc phát tán rộng rãi loài sâu hại nguy hiểm này nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra như trường hợp của ốc bươu vàng hay bọ cánh cứng hại dừa.
* Xin cảm ơn ông!
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cục đã có văn bản gửi các địa phương về việc xử lý sâu superworm từ tháng 4/2014. Hiện nay đã có các quy định cụ thể đối với việc xử lý các trường hợp nhân nuôi, phát tán các vật nuôi không có trong danh mục được phép nuôi của Bộ NN-PTNT. Việc nhân nuôi sâu superworm, dù ít hay nhiều đều vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành, có thể xử lý hành chính, tịch thu, tiêu hủy theo quy định.
MẠNH HOÀI NAM (thực hiện)