Thứ Hai, 25/11/2024 00:46 SA
Sạt lở, bồi lấp vùng hạ lưu sông ba:
Các giải pháp hạn chế tác hại
Thứ Bảy, 15/03/2014 08:04 SA

Sông Ba - đoạn dưới hạ lưu đập Đồng Cam gọi là sông Đà Rằng. Người Phú Yên gọi thân thiết là: “Con sông yêu thương”, “Mạch sống quê hương”.

 

sat-lo140315.jpg

Tình trạng sạt lở ở cửa sông Đà Rằng ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Trong ảnh: Khắc phục tình trạng sạt lở ở khu vực cảng cá phường 6 (TP Tuy Hòa) vào cuối năm 2013 - Ảnh: M.ĐĂNG

Bởi bao đời nay con sông luôn hiền hòa, chở nặng phù sa, nước mát cho vùng châu thổ Tuy Hòa. Nhưng khoảng hơn một thập niên lại đây, “con sông yêu thương” trở nên trái tính, trái nết lạ thường. Lúc thì trào sôi, dâng nước tràn bờ, khi thì cạn khô, trơ đáy; hết xói lở bờ nam lại chuyển sang bờ bắc. Còn “mạch sống quê hương” thì có nhiều đe dọa, làm giảm sút chất lượng nguồn nước, nguy cơ cạn kiệt.

 

Không phải vô cớ, con sông không biết nói nhưng con người cần hiểu rằng đó là sự phản kháng trước những xâm hại thô bạo của con người. Chúng ta thường sử dụng cụm từ “biến đổi khí hậu” như một chủ thể gây ra mọi hiểm họa để che đậy, bào chữa những hành vi thô bạo, tự mình gieo họa cho mình.

 

Hơn bao giờ hết cần nâng cao nhận thức cộng đồng về ý thức sống thân thiện với môi trường, luôn ý thức tạo ra không gian sống bền vững với tự nhiên. Muốn sống chung, thân thiện với dòng sông thì phải hiểu sông, đặc biệt là những diễn biến bất thường và dị thường của sông để khai thác, phát huy mặt thủy lợi, hạn chế mặt thủy hại.

 

Sông Ba phát nguyên từ dãy Ngọc Rô ở phía bắc tỉnh Kon Tum trên độ cao 1.549m, chảy qua địa phận 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên. Tổng chiều dài 374km; diện tích lưu vực 13.900km2, lưu lượng dòng chảy trung bình khoảng 302m3/s, tổng lượng nước khoảng 10 tỉ m3, đổ ra biển tại cửa Đà Diễn (TP Tuy Hòa). Theo tài liệu nghiên cứu “Quản lý tổng hợp nguồn nước sông Ba” của Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Đình Tuấn, Trường đại học Thủy lợi cho thấy nhiều yếu tố không bền vững của dòng sông Ba đã và đang diễn ra, đó là:

 

- Cơ cấu nguồn nước không đều. Trên địa phận vùng Tây Nguyên chiếm khoảng 80%, địa phận Phú Yên chiếm khoảng 20%. Với địa hình sông lồng máng, độ dốc cao, có nhiều bậc thang có lợi thế cho xây dựng thủy điện. Việc khai thác thủy điện có mâu thuẫn với việc cấp nước cho vùng hạ lưu nhà máy. Điển hình như Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak sau khi phát điện đã chuyển 9% lượng nước sông Ba về sông Kôn (Bình Định).

 

Trên lý thuyết cũng như thực tế, các hồ thủy điện, thủy lợi trên sông Ba có chức năng điều tiết phân lũ, nhưng nếu vận hành không tốt, các hồ chứa xả tháo lũ trùng pha với nước lụt ở hạ du, đặc biệt là gặp những ngày triều cường, gió chướng, cửa sông bị bồi lấp sẽ gây ngập lụt ác liệt hơn cho hạ du (ngập sâu, dài ngày, diện rộng, tàn phá ác liệt do dòng chảy lớn). Điển hình như các trận lụt năm 2009, 2011 ở Phú Yên và trận lụt năm 2013 ở Quảng Nam và Quảng Ngãi.

 

- Thời gian phân bổ dòng chảy cũng không đều, 4 tháng mùa mưa chiếm từ 80 đến 85% lượng nước, 8 tháng mùa khô chỉ chiếm 15 đến 20%; chênh lệch dòng chảy giữa mùa mưa và mùa khô khoảng 3.000 lần.

 

- Sự cạn kiệt nguồn nước ngày càng gia tăng. Lũ quét, bồi lấp lòng sông, xói lở 2 bên bờ ngày càng phức tạp, ác liệt.

 

Dẫn chứng trên đây cho thấy không chỉ có nhà chính trị, nhà kinh tế mà các nhà khoa học cũng đã quan tâm rất nhiều đến sông Ba. Bởi vì nó là một trong các con sông lớn ở miền Trung đang có những diễn biến rất phức tạp, tác động đến nhiều tỉnh, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của hàng triệu cư dân trong lưu vực.

 

Chỉ nói riêng sông Đà Rằng (hạ lưu của sông Ba, đoạn từ đập Đồng Cam đến cửa Đà Diễn), có thể quan sát bằng mắt thường chứ chưa cần đến những luận giải khoa học, chúng ta thấy có những diễn biến của dòng sông rất đáng chú ý sau đây:

 

+ Hai bên bờ sông, từ Phú Sen (bờ phía bắc) và từ Lạc Mỹ (phía bờ nam) ra đến cửa Đà Diễn đã có hàng chục điểm xói lở nghiêm trọng. Hàng chục năm nay, Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để xây dựng các công trình đê, kè cứng hóa bờ sông chống xói lở. Thành tựu thấy rõ nhất là đoạn sông từ cầu Đà Rằng (bờ phía nam) và từ cầu Sông Chùa (bờ bắc), nhờ có biện pháp công trình kè cứng vĩnh cửu mà hai bên bờ sông ổn định; chỉnh trang được đô thị xinh đẹp, sạch sẽ; tạo ra quỹ đất để mở rộng, phát triển thành phố. Ở những điểm xói lở khác nhờ có biện pháp công trình kè cứng nên đã tương đối ổn định. Nhưng suốt chiều dài khoảng 20km của khúc sông nói trên còn nhiều điểm xói lở chưa có công trình kè bảo vệ, xói lở bờ sông còn diễn biến rất phức tạp.

 

+ Trận lũ quét dị thường vào mùa lũ năm 1993, luôn nhắc nhở chúng ta cần quan tâm đến những vùng dân cư ven sông, đặc biệt là những vùng thấp có triệu chứng xói lở như: Phú Lễ (xã Hòa Thành), Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc)… Cần xây dựng phương án phòng tránh trước khi có công trình đê kè.

 

+ Mặt cắt dòng chảy kiệt thu hẹp, xuất hiện ngày càng nhiều cồn cát, soi. Có nơi bà con nông dân trồng cỏ, tre gây cản trở dòng chảy vào mùa lũ, góp phần làm nước dâng tràn bờ, bắn phá xói lở ven bờ.

 

+ Lấp cửa sông là diễn biến thường xảy ra. Diễn biến cửa sông của các con sông ở Phú Yên gần như theo một quy luật: Về mùa lũ cửa sông xé rất rộng như cửa Đà Diễn rộng tới 800m đến 1km để đạt yêu cầu thoát lũ. Nhưng về mùa kiệt, do nguồn nước trong sông không đủ áp lực dòng chảy đẩy cát ra biển bị sóng se cát, phù sa bồi lấp làm cạn luồng, tàu thuyền không qua lại được, thậm chí có năm cửa sông bị đóng kín.

 

Khi xem xét đến vấn đề thủy lợi theo nghĩa rộng là xét đến nhiều mặt lợi mà dòng sông mang lại như: nông nghiệp, thủy sản, giao thông thủy, môi trường…

 

Quan điểm chỉ đạo đặt ra khi chủ trương can thiệp vào dòng sông - từ ngữ kỹ thuật hay dùng là “chỉnh trị sông”. Chỉnh trị sông nghĩa là phải lợi dụng, phát huy tối đa mặt lợi và hạn chế tối thiểu mặt hại của nó. Nếu có nhiều đối tượng lợi ích thì phải xác định lợi ích nào lớn nhất để ưu tiên.

 

Đối với sông Đà Rằng, có ít nhất 5 nhóm đối tượng lợi ích cần xem xét tính toán cân nhắc khi quyết định chọn giải pháp và quy mô, mức độ can thiệp chỉnh trị sông xếp theo thứ tự, đó là: Nhóm thủy sản (chủ yếu phục vụ tàu thuyền ra khơi đánh bắt thủy sản); nhóm giao thông thủy; nhóm du lịch. 3 nhóm này có chung lợi ích là sông càng sâu, cửa sông êm thuận là càng có lợi. Nhóm thứ tư là nông nghiệp và nhóm thứ năm là môi trường, 2 nhóm này có chung vấn đề cùng quan tâm là mức độ xâm hại do nhiễm mặn khi cửa sông được khơi thông.

 

Điều đáng chú ý là, tỉ lệ cơ cấu cây trồng trong diện tích lưu vực sông Ba đã thay đổi rất lớn. Khoảng 30 năm trước, diện tích đất rừng trong lưu vực chiếm 80%, diện tích đất nông nghiệp chiếm 20%. Ngày nay, do tăng dân số, nhu cầu phát triển đất sản xuất nông nghiệp tăng nhanh, đất lâm nghiệp bị thu hẹp. Nhiều cánh rừng bị chặt đốt, phát dọn lấy đất làm nông nghiệp. Tỉ lệ cơ cấu đất lâm nghiệp và nông nghiệp dần như đổi chỗ cho nhau. Nhiều hệ lụy đã diễn ra, đặc biệt nghiêm trọng là số trận lũ quét ngày càng nhiều hơn. Xói mòn, bào mòn ở các vùng đất cao, các lưu vực vùng thượng lưu ngày càng ác liệt. Chất lượng phù sa trong nước cũng thay đổi, lượng phù sa hữu cơ, đem lại màu mỡ cho đồng bằng bị giảm đáng kể, lượng phù sa dạng hạt bồi lắng tăng lên ngày càng nhiều. Vì vậy, lòng sông, cửa biển bị bồi lấp là hậu quả tất yếu. Nó không những xảy ra trong giai đoạn hiện tại mà còn tiềm tàng lâu dài vì hiện trạng môi trường hiện nay khó có thể phục hồi nguyên trạng như trước đây.

 

Lấp dòng, lấp cửa, nạo vét để khơi thông luồng lạch, khơi thông dòng chảy là một trong những biện pháp cần thiết trong nhiều giải pháp, biện pháp chỉnh trị sông. Ở Phú Yên có mô hình chỉnh trị cửa sông Đà Nông rất tốt cần được rút kinh nghiệm, tham khảo.

 

Việc cửa Đà Diễn bị bồi cạn, làm cho tàu thuyền ngư dân không ra khơi được là một thực tế diễn ra nhiều năm. Lực lượng đánh bắt xa bờ phát triển tàu thuyền lớn ngày càng nhiều. Cảng cá hiện tại đã quá công suất thiết kế. Cửa biển bị bồi lấp, tàu thuyền không ra vào được.

 

Nạo vét luồng lạch, cửa sông đảm bảo cho tàu thuyền lưu thông là yêu cầu cấp thiết không những cho trước mắt mà cho cả lâu dài. Vấn đề quan trọng là làm sao cho đúng để tránh tác hại.

 

Hiện tượng xói lở ở Xóm Rớ là do triều cường, sóng biển xâm thực, gây xói lở diễn ra nhiều năm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân nhưng chúng ta chưa có biện pháp khắc phục. Khu vực mỏ hàn cảng cá phường 6 cũng vậy. Hiện tại, hậu quả đã được giải quyết tạm thời, qua đó đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm. Để công trình đê chắn sóng đoạn kè tạm bờ biển Xóm Rớ và kè bờ bắc cửa Đà Diễn bền vững, các đơn vị tư vấn và chủ đầu tư cần thiết kế bố trí gia cường kè chắn sóng bằng cách thả các tetrapot chắn sóng (cục bê tông 3 gạnh củ ấu) ở mặt ngoài chân kè, phía mặt biển.

 

Để tiếp tục triển khai tốt dự án Nạo vét cửa Đà Diễn, đề xuất các cơ quan chức năng một số nội dung như sau:

 

Theo đồ án thiết kế nạo vét, thực hiện thả phao tiêu đánh dấu giới hạn phạm vi nạo vét. Công việc này do tư vấn thiết kế và chủ đầu tư thực hiện, giao mặt bằng hiện trường cho bên thi công nạo vét.

 

Tăng cường trách nhiệm giữa các bên liên quan, cơ quan thẩm quyền cử cán bộ giám sát, kiểm tra, theo dõi diễn biến xói lở (nếu có) do nguyên nhân nạo vét xảy ra để kịp thời xử lý.

 

Về lâu dài, tình hình diễn biến sông Đà Rằng cho thấy mức độ tốt không khả quan mà mức độ xấu ngày càng trầm trọng hơn. Để chủ động ngăn ngừa hiểm họa của thiên tai nhất thiết cần có những biện pháp công trình cơ bản để “sống chung với lũ”. Kiến nghị:

 

1 - Xúc tiến xây dựng một dự án: Quy hoạch, thiết kế, xây dựng hệ thống tuyến đê kè chống xói hai bên bờ sông Đà Rằng: Phía bờ nam từ đuôi kè Lạc Mỹ đến cầu Đà Rằng; phía bờ bắc từ Phú Sen thượng đến cửa khẩu hợp lưu sông Chùa. Chiều dài mỗi tuyến khoảng 20km, trong đó có qua địa phận 2 thị trấn Tây Hòa và Phú Hòa. Dự án đê kè chống xói lở bờ sông kết hợp giao thông (như đê kè Bạch Đằng) sẽ tạo diện mạo cảnh quan mới xinh đẹp, góp phần hiện đại hóa nông thôn. Đây sẽ là một dự án có vốn đầu tư lớn, cần quy hoạch, xây dự án tốt, phân kỳ đầu tư nhiều giai đoạn, huy động nhiều nguồn vốn, lồng ghép nhiều nguồn vốn, trong thời hạn khoảng 2 kỳ kế hoạch 5 năm là hoàn toàn khả thi.

 

2 - Xây dựng dự án đầu tư nâng cấp cảng cá phường 6 và Đông Tác thành khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền. Một số nội dung đề xuất nội dung hạng mục đầu tư như sau:

 

Đối với phía cảng cá phường 6, đầu tư kéo dài, mở rộng bến cá; kè cứng bờ, cửa sông bên phường 6; nạo vét âu tàu, mặt bến; đắp ụ cát chắn gió, trồng cây phòng hộ phía lưng, đông bắc cảng.

 

Đối với phía cảng cá Đông Tác, đầu tư gia cố kéo dài mặt bến, kè cứng bờ sông cho đến gần miệng tràn xói lở vào mùa lũ lịch sử lớn nhất; nạo vét âu tàu, bến đậu và mặt bến. Mặt ngoài biển, kè chống xói lở toàn bộ khu vực xung yếu bao gồm gia cố kè bảo vệ Xóm Rớ.

 

Xúc tiến dự án nạo vét tiếp đoạn sông từ cầu Đà Rằng đến cửa biển. Chú ý khi nạo vét lòng sông đoạn từ cầu Đà Rằng đến cầu Hùng Vương phải tiến hành đồng thời với việc xây dựng kè chống xói cho Ngọc Lãng. Phân bổ một phần lượng cát nạo vét để san nền khu đất mới bờ nam. Việc bố trí nạo vét đoạn sông này sẽ góp phần hoành triệt nguồn cát trực tiếp bồi lấp cửa.

Kiến nghị Trạm thủy văn Đà Rằng bố trí quan trắc nhiễm mặn để cảnh báo mức độ nhiễm mặn nhằm cảnh báo sớm diễn biến tác động môi trường để có biện pháp chủ động ngăn ngừa tác hại.

 

TS. NGUYỄN THÀNH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek