Thứ Ba, 26/11/2024 23:48 CH
Sức sống nông thôn mới
Thứ Sáu, 31/01/2014 07:05 SA

Qua ba năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Phú Yên đã huy động nguồn vốn lồng ghép đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển sản xuất. Phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn” mới lan rộng khắp nơi, từ đồng bằng đến miền núi. Diện mạo các vùng nông thôn từng bước thay đổi, xã nông thôn mới đang dần hình thành ở vùng quê. Riêng trong năm 2013, thực hiện đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn, các cấp, các ngành đặt nhiệm vụ này lên hàng đầu với quyết tâm chính trị cao nhất để đạt kế hoạch đề ra.

 

* ÐỒNG CHÍ LÊ VĂN TRÚC, ỦY VIÊN BTV TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH, PHÓ BAN TRỰC BAN CHỈ ÐẠO XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH: Hệ thống giao thông có bước phát triển rõ rệt

 

suc-song-nong-thon-1.jpg

Đồng chí Lê Văn Trúc.

Năm 2013, UBND tỉnh đã triển khai đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn, nguồn vốn huy động từ nhân dân, các tổ chức doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới đạt 931 tỉ đồng. Trong đó đóng góp để triển khai thực hiện đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn khoảng 120 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 12% tổng nguồn lực huy động.

 

Khi chưa triển khai đề án bê tông xi măng thì hiện trạng đường giao thông nông thôn đã được bê tông xi măng và bê tông nhựa khoảng 579,6 /2.675km. Từ khi các địa phương tập trung triển khai tích cực đề án bê tông xi măng đường giao thông nông thôn giai đoạn 2013-2015, toàn tỉnh đã bê tông hóa khoảng 850km đường giao thông nông thôn. Riêng năm 2013 đã bê tông mới hơn 325km, nâng tỉ lệ số xã đạt tiêu chí giao thông từ 1% năm 2012 lên 12% năm 2013.

 

Lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất đang có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất tập trung, nâng cao thu nhập cho người dân. Các địa phương xây dựng mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với đặc điểm canh tác, lợi thế sản xuất trên địa bàn. Các xã thuộc vùng đồng bằng tập trung phát triển sản xuất lúa, rau màu, luân canh và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Đối với các xã vùng núi tập trung phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, mô hình nông lâm kết hợp; các xã vùng ven biển thì tập trung mô hình nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, các tiêu chí về hạ tầng cơ sở ở nông thôn như thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa; các tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập và môi trường tiến độ thực hiện chậm, mức đạt còn thấp từ 1% đến 25%, do nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn rất hạn hẹp, việc lồng ghép các nguồn vốn chưa thật sự mang tính tập trung, trọng điểm. Trong thời gian đến các cấp, các ngành cần bám sát hiện trạng thực hiện 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Qua đó thể hiện quyết tâm chính trị với sự chung sức, chung lòng của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

 

* PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN SÔNG HINH TRẦN THANH ÐỊNH: Hiệu quả từ cánh đồng mẫu lớn

 

Trong những năm gần đây, huyện miền núi Sông Hinh đã chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng các bộ giống mới vào sản xuất nông nghiệp. Để đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Sông Hinh đã đề ra chính sách đầu tư hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật để nông dân chuyển sang mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đối với cánh đồng lúa mẫu lớn, những năm gần đây huyện đã đầu tư hỗ trợ 50% kinh phí mua giống lúa lai cho bà con, các giống lúa lai được đưa vào khảo nghiệm và nhân rộng như TH3-3, HR182, Xuyên Hương 178, Syn 6, PAC837… Qua thực tế canh tác, các giống này đều có ưu thế ít sâu bệnh và cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon. Trong vụ đông xuân 2012-2013, toàn huyện đã có 108ha lúa đưa vào mô hình cánh đồng mẫu lớn, chủ yếu áp dụng giống lúa lai 2 dòng TH3-3. Huyện đã hỗ trợ 1 triệu đồng/ha để mua giống và hướng dẫn kỹ thuật, Công ty TNHH Cường Tân hỗ trợ thêm tiền mua giống là 900.000 đồng/ha, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hoàng Long Vina hỗ trợ 4 loại phân NPK tương ứng 2,42 triệu đồng/ha. Kết quả, vụ này cho năng suất bình quân 74 tạ/ha, lãi ròng hơn 13,8 triệu đồng/ha, cao hơn khoảng 6,2 triệu đồng/ha so với canh tác theo tập quán cũ. Vụ hè thu 2013, nông dân huyện Sông Hinh tiếp tục mở rộng hơn 70ha, nâng tổng số diện tích cánh đồng lúa mẫu lớn trên địa bàn huyện khoảng 180ha.

 

suc-song-nong-thon-3.jpg

Giới thiệu mô hình cánh đồng mẫu tại xã Bình Kiến - Ảnh: H.NAM

Đối với mô hình cánh đồng mía mẫu lớn được triển khai từ tháng 3/2013 tại xã Ea Ly với diện tích hơn 10ha. Mô hình được Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hoàng Long Vina hỗ trợ phân bón, Công ty TNHH KUBOTA Việt Nam hỗ trợ máy móc và cử cán bộ kỹ thuật tập huấn hướng dẫn vận hành, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa chịu trách nhiệm cung cấp mía giống, đầu tư và bao tiêu toàn bộ mía nguyên liệu cho các hộ tham gia mô hình. Đây là mô hình mẫu đầu tiên được triển khai tại các xã miền núi nhằm khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất và sản lượng trong sản xuất mía. Đến nay, cây mía của mô hình rất khỏe mạnh, xanh tốt có khả năng cho năng suất và chất lượng cao.

 

Hiệu quả của các mô hình cánh đồng lúa, mía mẫu lớn được áp dụng sản xuất các giống mới có năng suất, chất lượng cao, đã thay thế dần các giống cũ năng suất, chất lượng thấp và làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của người dân trên địa bàn, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Các mô hình này được nhiều nông dân hưởng ứng, nhờ mang lại hiệu quả kinh tế cao đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi…”.

 

PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN TÂY HÒA TRẦN TRỌNG KỲ: Ðường bê tông góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn

 

suc-song-nong-thon-2.jpg

Nông dân xóm Hóc Son, thôn Thạnh Đức, Xuân Quang 3 góp công sức làm đường giao thông nông thôn - Ảnh: D.T.XUÂN

Năm 2013, phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Tây Hòa thực sự đã trở thành một phong trào lan tỏa đến từng người dân, họ đã nhận thức đầy đủ, chính xác về vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới, từ đó tự nguyện đóng góp thời gian, công sức, vật chất để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Trong điều kiện nguồn lực hạn chế, nhiều địa phương ở huyện Tây Hòa đã có những chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của người dân và cộng đồng. Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở Tây Hòa trong năm 2013 là nhiều người dân đã tham gia hiến đất, đóng góp kinh phí và ngày công để kiên cố hóa đường giao thông nông thôn. Năm 2013 trên địa bàn huyện đã huy động được hơn 12,5 tỉ đồng, người dân đã tham gia hiến hơn 7.220m2 đất để xây dựng đường bê tông nông thôn, các xã đã triển khai thi công hoàn thành hơn 80km đường bê tông theo tiêu chí rộng từ 2,5m trở lên, vượt kế hoạch hơn 200% (đăng ký ban đầu gần 40km).

 

Có những tuyến đường bê tông liên xã, liên thôn đã tạo điều kiện cho người dân đi lại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và bộ mặt nông thôn ở huyện Tây Hòa được cải thiện rõ rệt.

 

* ÔNG NGUYỄN HỒNG PHONG, GIÁM ÐỐC CÔNG TY TNHH SX-TM HOÀNG LONG VINA: Sát cánh cùng nông dân nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản của tỉnh

 

Nhằm nâng cao chất lượng và năng suất cây trồng, để các sản phẩm nông sản trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Thời gian qua, Hoàng Long Vina phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh tổ chức các hội thảo, tập huấn cho nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng, nâng cao năng suất cây trồng. Với trách nhiệm một doanh nghiệp cung cấp vật tư phân bón, đã không ngừng cải tiến dây chuyền sản xuất tìm ra công thức sản xuất các loại phân phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Trong năm, Hoàng Long Vina phối hợp với các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Phú Hòa, Đông Hòa, Đồng Xuân, Tuy An triển khai mô hình cánh đồng lúa mẫu và cánh đồng mía mẫu, thông qua mô hình đã hỗ trợ cho nông dân 30% phân bón. Các cánh đồng lúa mẫu sử dụng phân bón của Hoàng Long Vina đạt năng suất 70 tạ/ha, tăng hơn ruộng đối chứng 5 tạ/ha. Riêng cánh đồng mía mẫu hiện đang phát triển tốt, năng suất dự ước đạt trên 90 tấn/ha.

 

Thời gian đến, Hoàng Long Vina đầu tư xây dựng khu chế biến lúa gạo xuất khẩu tại Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1 (Đông Hòa), nhằm tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Mô hình liên kết trên cơ sở sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong từng địa bàn, vùng nguyên liệu. Thông qua đó, các yếu tố đầu vào của sản xuất (vốn, giống, vật tư, đất đai, lao động...) và đầu ra của sản phẩm (mua bán nguyên liệu, dự trữ, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau chế biến,...) gắn với nhau một cách đồng bộ. Doanh nghiệp thu mua chế biến chú trọng trong việc thực hiện phát triển giống lúa chất lượng tại các địa phương, qua đó giúp nông dân sản xuất giống lúa mới, tăng thêm thu nhập. Từ các mô hình trên đã góp phần cùng địa phương xây dựng thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Nhóm PV KINH TẾ (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Khát vọng Xuân Ðài
Thứ Tư, 05/02/2014 11:00 SA
Diện mạo mới Cảng hàng không Tuy Hòa
Thứ Ba, 04/02/2014 07:00 SA
Quà tặng từ lòng biển
Thứ Hai, 03/02/2014 07:00 SA
Xây dựng hình ảnh thân thiện, hấp dẫn
Thứ Sáu, 31/01/2014 15:00 CH
Dưới chân đèo Cả
Thứ Sáu, 31/01/2014 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek