Trên thị trường đồ chơi trẻ em, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vẫn được một số người bày bán, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm.
Khách hàng mua đồ chơi trẻ em tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp - Thương mại Phú Yên năm 2013 - Ảnh: K.ANH
Nghị định 80/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa có hiệu lực từ ngày 15/9/2013. Trong đó, có quy định mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm về kinh doanh, buôn bán hàng kém chất lượng, không hợp quy… Tuy nhiên, đến nay, tại Phú Yên vẫn còn nhiều cá nhân vi phạm việc kinh doanh, buôn bán đồ chơi trẻ em không đúng quy định, nhất là đồ chơi bạo lực, không có tem CR chứng nhận hợp quy, nhãn mác. Bà Võ Thị Thu Trang ở khu phố Ninh Tịnh 2, phường 9 (TP Tuy Hòa) cho biết: Tết Trung thu vừa qua, vợ chồng tôi đưa con đến mua đồ chơi tại một cửa hàng bán đồ chơi trẻ em ở đường Trần Hưng Đạo. Phần lớn các loại đồ chơi được bán ở đây không được niêm yết giá, không dán tem, nhãn mác, do đó sau khi xem chúng tôi không chọn mua được món hàng nào.
Có một thực tế là hầu hết người bán đều giới thiệu với khách hàng rằng đồ chơi của cơ sở đều sản xuất trong nước, nhưng theo các ngành chức năng thì hiện nay 60% đồ chơi trẻ em bán trên thị trường nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có một số loại đồ chơi như kiếm, súng, dao nhựa không được phép lưu hành và việc dán tem hợp chuẩn cho sản phẩm cũng chưa được người bán hàng chú trọng. Bà Trần Thị Thủy, chủ một điểm bán đồ chơi trẻ em ở đường Nguyễn Văn Linh, phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) cho biết: Theo tôi, mỗi khách hàng có một sở thích riêng nên tôi nhập về nhiều mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, muốn cho hàng hóa phong phú thì tôi phải nhập hàng Trung Quốc. Riêng về tem chứng nhận hợp quy, tôi mua hàng tại nơi sản xuất nhưng vẫn không được dán tem CR nên tôi cũng bán hàng không tem.
Một số điểm bán đồ chơi trẻ em nắm bắt được quy định của nhà nước về kinh doanh hàng hóa nên dè dặt trong việc trưng hàng hóa không có tem chứng nhận hợp quy, hoặc cất giấu kỹ khi có lực lượng kiểm tra; một số khác thì vẫn ngang nhiên trưng bày. Ông Lê Ngọc Q, chủ một quầy đồ chơi trẻ em tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp và Thương mại Phú Yên năm 2013 vừa tổ chức tại TP Tuy Hòa, cho rằng: Chúng tôi không thể kiểm tra chất lượng đồ chơi trẻ em. Vả lại, các loại đồ chơi bạo lực dù có bán cũng chỉ làm bằng nhựa nên không ảnh hưởng gì. Nếu không cho bán thì ngành chức năng phải quản lý ngay từ khâu sản xuất. Còn việc ghi nhãn mác, giá cả là rất khó, vì có nhiều đồ chơi nhỏ, vụn vặt nên chúng tôi không thể làm nổi…
Để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đồi chơi trẻ em trên thị trường, UBND tỉnh vừa chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp thanh tra Sở KH-CN tiến hành thanh tra chuyên đề chất lượng đồ chơi trẻ em. Qua kiểm tra tại 19 cơ sở kinh doanh, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tạm giữ 1 bộ đồ chơi ngũ quả không có nguồn gốc, 1 ô tô nhựa không có tem CR chứng nhận sản phẩm hợp quy và lấy 7 mẫu để kiểm nghiệm chất lượng. Theo nhận định của đoàn thanh tra, hầu hết các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa (không có nhãn mác, xuất xứ), niêm yết giá chưa đầy đủ và không có tem CR chứng nhận hợp quy.
Ông Trần Văn Nho, Chánh thanh tra Sở KH-CN Phú Yên cho biết, sở đang tiến hành kiểm tra chất lượng các mẫu đồ chơi đã được lấy trong đợt thanh tra vừa qua và sẽ phối hợp với đoàn thanh tra xử lý các trường hợp vi phạm. “Thông thường, người tiêu dùng có thể dựa vào cảm quan thông qua mẫu mã, nhãn mác đã được chứng nhận hợp quy để đánh giá chất lượng sản phẩm. Dù vậy, các bậc phụ huynh nên chọn đồ chơi trẻ em có ghi rõ tên cơ sở sản xuất, mã số hàng hóa để bảo đảm an toàn cho con em mình”, ông Nho nói.
Thanh tra Bộ KH-CN đã kiểm tra gần 350 cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán đồ chơi. Trong số hàng chục nghìn mẫu hàng được kiểm tra, tập trung vào mẫu không có tem hợp quy đạt chuẩn và vi phạm quy định về nhãn hàng hóa. Qua kiểm nghiệm cho thấy, nhiều mẫu thú nhún có hàm lượng chất Phthalate cao gấp 5 đến 9 lần so với tiêu chuẩn thế giới và nhiều sản phẩm đồ chơi khác không rõ nguồn gốc xuất xứ, bày bán trên thị trường, có cả đồ chơi vũ khí được làm bằng nhựa tái chế và nhựa PE. Một số mặt hàng có chứa chất Cadimir cao gấp nhiều lần cho phép, có thể gây ung thư. |
KHANG ANH