Thứ Bảy, 05/10/2024 20:23 CH
Xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du sông Ba:
Giúp chủ động phòng tránh lũ lụt
Thứ Ba, 17/09/2013 07:35 SA

Sông Ba là sông lớn nhất miền Trung, chảy qua 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Phú Yên. Mùa lũ hàng năm, nước sông Ba dồn từ thượng nguồn về gây ngập lụt nghiêm trọng cho vùng hạ lưu, thiệt hại về người, tài sản và các công trình rất lớn. Việc xây dựng bản đồ ngập lụt (BĐNL), đề xuất phương án ứng phó, cứu hộ nhân dân vùng bị lũ lụt là nhu cầu cấp bách đối với các vùng thường xuyên bị ngập lụt do mưa, lũ gây ra.

 

Bando130917.jpg

Bản đồ ngập lụt hạ du sông Ba do Trung tâm Tư vấn và kiểm định an toàn đập (Công ty cổ phần Sông Ba) xây dựng - Ảnh: A.NGỌC

CẦN CÓ BẢN ĐỒ NGẬP LỤT

 

Đầu tháng 5/2013, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng BĐNL cho hạ du sông Ba, trong đó yêu cầu các chủ hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh phải thu thập thông tin và xây dựng BĐNL để ứng dụng trong phòng chống lụt bão (PCLB). Đến nay, công tác này cơ bản hoàn thành, đơn vị thực hiện đang tổng hợp các ý kiến bổ sung từ các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh để hoàn tất BĐNL cho hạ du sông Ba và làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện. Ông Phạm Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba (Công ty Sông Ba), cho biết: “Các chủ hồ chứa thủy điện ở Phú Yên đã thống nhất giao cho Công ty Sông Ba thu thập số liệu và xây dựng BĐNL cho hạ du sông Ba. Phương pháp xây dựng BĐNL hạ du sông Ba kết hợp giữa việc mô phỏng bằng các mô hình tính toán và thống kê, điều tra vết lũ các trận lũ thực tế năm 1993, 2009. Nội dung thực hiện là xây dựng đường quan hệ giữa tổng lưu lượng xả lũ từ 2 hồ Sông Hinh và Sông Ba Hạ với các cấp lũ tương ứng; xây dựng quan hệ lưu lượng lũ nhập lưu từ các nhánh sông, từ đập hồ thủy điện Sông Ba Hạ đến TP Tuy Hòa với các cấp lũ tương ứng và với lưu lượng xả lũ 2 hồ Sông Hinh và Sông Ba Hạ. Ngoài ra, BĐNL còn xây dựng các đường bao mức ngập ở vùng hạ du ứng với các cấp lũ ở hạ du; xây dựng các đường bao mức tránh lũ tương ứng với các cấp lũ, dự kiến đường sơ tán, vị trí sơ tán; lập sổ tay vận hành BĐNL; tổng hợp xây dựng hệ thống cột mốc báo lũ từ số liệu từng địa phương…”.

 

Theo Sở GTVT, khi xác định đường bao mức tránh lũ, tương ứng với cấp lũ thì chủ đề án phải xác định mức độ, khả năng di chuyển được của các loại phương tiện như ô tô, xe thô sơ… đến vị trí sơ tán tương ứng với đường bao tránh lũ. UBND huyện Phú Hòa thì đề nghị bổ sung phương án di dời cho từng mức ngập lụt. Bản đồ được xây dựng trên các chương trình mô phỏng và sử dụng phần mềm GIS nên Sở Công thương đề nghị chủ đề án khi thực hiện phải bàn giao bản đồ số và phần mềm mô phỏng cho Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh. Đối với cấp huyện, xã thì bàn giao bản đồ giấy để điều hành trong công tác PCLB-TKCN và cần nêu rõ việc cắm các cột mốc cảnh báo theo các tần suất lũ là bao nhiêu. “Việc xây dựng BĐNL cho hạ du sông Ba là cần thiết và cấp bách, giúp chủ động trong công tác phòng tránh lũ lụt, giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, việc xây dựng BĐNL cho hạ du sông Ba cần sử dụng nhiều chuỗi số liệu về thủy văn, địa hình, các yếu tố ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng… Để xây dựng BĐNL cho hạ du sông Ba đòi hỏi có sự am hiểu, chuyên môn sâu nên cần có sự tham gia của các tổ chức, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này”, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Trọng Cường nhấn mạnh.

 

Xalu130917.jpg

Hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ trong mùa mưa- Ảnh: A.NGỌC

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM

 

Nhằm phục vụ tốt cho công tác PCLB của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh và các địa phương có liên quan ở Phú Yên, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Sông Ba đôn đốc Trung tâm Tư vấn và kiểm định an toàn đập (thuộc Công ty Sông Ba), các đơn vị có liên quan nhanh chóng hoàn thiện bản đồ vùng ngập lụt hạ du sông Ba và các sổ tay vận hành BĐNL hạ du sông Ba đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ, Công ty cổ phần Vĩnh Sơn - Sông Hinh có trách nhiệm cung cấp các số liệu về lưu lượng xả lũ, lượng mưa thượng nguồn về các hồ thủy điện và các tài liệu có liên quan. Công ty Sông Ba tính toán tổng lưu lượng nước về hạ du sông Ba tại thời điểm có cấp lưu lượng xả lũ cao nhất và các cấp lưu lượng xả lũ: 5.000m3/s, 10.000m3/s, 15.000m3/s… trong đó có xét đến dao động mực nước triều cường và lưu lượng mưa (ứng với các cấp độ mưa khác nhau: 50mm, 100mm, 150mm, 200mm,…) trong nhiều ngày trên toàn lưu vực hạ lưu sông Ba. Sau đó đơn vị thực hiện phải xác định chi tiết mực nước ngập của các khu vực bị ảnh hưởng theo từng cấp báo động lũ.

 

Về hệ thống cột mốc báo lũ, Công ty Sông Ba có trách nhiệm phối hợp với các địa phương có liên quan xác định hệ thống mốc báo lũ trên vùng ngập. Mỗi xã được khảo sát phải có ít nhất một cột mốc báo lũ được sơn chỉ thị các mức nước lũ tính toán là 0,5m, 1m, 1,5m, 2m… Về các số liệu khí tượng, thủy văn vùng hạ du, UBND các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Phú Hòa, Đông Hòa và TP Tuy Hòa cần cung cấp các tài liệu quan trắc và mưa lũ theo đề nghị của Công ty Sông Ba. UBND tỉnh thống nhất cho Công ty Sông Ba sử dụng bộ phần mềm MIKE để tính toán xây dựng BĐNL cho hạ du sông Ba. Về tỉ lệ BĐNL cho hạ du sông Ba, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Sông Ba xây dựng bản đồ đường bao mức ngập lụt hạ du, tỉ lệ 1/10.000 ứng với các tần suất lũ tính toán. Tỉnh cũng giao các sở Xây dựng, TN-MT, NN-PTNT và các địa phương có liên quan làm việc, cung cấp các loại bản đồ được cập nhật mới nhất và số liệu chi tiết về dân sinh kinh tế các xã, huyện trong vùng ngập theo đề nghị của Công ty Sông Ba để xác định diện tích khu vực và số hộ dân bị ngập lụt theo từng cấp báo động để kịp thời đưa ra các phương án di dời, sơ tán các hộ dân đến nơi an toàn. UBND tỉnh cũng đề nghị Công ty Sông Ba nghiên cứu điều chỉnh việc tính toán các số liệu có liên quan ứng với các tần suất p=1%; 2%; 3%; 5%; 10%, 20% và 30%.

 

Đồng chí Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, chỉ đạo: “Việc cập nhật báo cáo các số liệu liên quan đến lũ lụt (từ khi có dấu hiệu lũ trên hạ du sông Ba) của các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng với hạn kỳ báo cáo 2 giờ/lần là quá ngắn. Để các địa phương có khu vực bị ảnh hưởng lũ kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra, yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ, Công ty cổ phần Vĩnh Sơn - Sông Hinh và Công ty Sông Ba phải có thông báo số liệu cụ thể trong thời hạn ít nhất là 4 giờ, trước khi tiến hành xả lũ. Từ thời điểm xả lũ trở đi, phải thông báo đầy đủ ít nhất 1 giờ/lần, cho đến khi kết thúc xả lũ”.

 

ANH NGỌC

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek