Thứ Bảy, 05/10/2024 14:35 CH
Phát triển du lịch gắn với văn hóa:
Cách bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Chủ Nhật, 11/08/2013 14:10 CH

Trong chuyến giám sát thực hiện Luật Di sản văn hóa tại Phú Yên, ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá cao tiềm năng di sản văn hóa đối với phát triển du lịch Phú Yên. Theo ông Tiến, phát triển du lịch là phương cách hiệu quả để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn ông Lê Như Tiến xung quanh vấn đề này.

 

le-nhu-tien130811.jpg

Ông Lê Như Tiến - Ảnh: T.QUỚI

* Ông đánh giá như thế nào sau chuyến giám sát thực tế tại Phú Yên về việc thực hiện Luật Di sản văn hóa?

 

- Có thể nói, việc thực hiện Luật Di sản văn hóa và các chương trình liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa được Phú Yên triển khai khá tốt. Ngành VH-TT-DL đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai kịp thời các văn bản của Nhà nước về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc sử dụng vốn ngân sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cũng được bố trí đúng theo các hạng mục công trình. Một trong những điểm nổi bật mà đoàn giám sát Ủy ban của Quốc hội cũng như cá nhân tôi đánh giá cao đó là công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa mà Phú Yên đã làm được. Bên cạnh huy động nguồn lực tài chính từ các cá nhân, doanh nghiệp để trùng tu, tôn tạo, làm mới các đình, đền tượng đồng danh nhân với số tiền hàng tỉ đồng, Sở VH-TT-DL Phú Yên đã vận động được nhiều nhà sưu tầm cổ vật tư nhân tham gia sưu tầm và trưng bày; phối hợp với Sở GD-ĐT và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong học sinh và các tầng lớp nhân dân cùng chăm sóc, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…

 

* Ông cảm nhận thế nào về các di tích, danh thắng ở đây trong bối cảnh tỉnh Phú Yên đang phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?

 

- Phú Yên sở hữu hệ thống di tích danh thắng cấp quốc gia không đến mức đậm đặc. Tuy nhiên, nhìn sang một số địa phương khác thì với con số 18 di tích, danh thắng cấp quốc gia cũng không phải là ít. Điểm đặc biệt nữa là Phú Yên có đủ các loại hình di tích danh thắng gồm: di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh.

 

Tôi thật sự rất ấn tượng về giá trị cảnh quan thiên nhiên qua các danh thắng ở Phú Yên. Rất đẹp, độc đáo, trong đó không thể không nhắc đến danh thắng gành Đá Đĩa (Tuy An) và cụm danh thắng di tích núi Đá Bia, Bãi Môn - Mũi Điện, di tích Tàu không số - Vũng Rô. Rất tiếc là địa phương chưa phát huy giá trị của các di tích, danh thắng này để đầu tư, khai thác du lịch.

 

bieu-dien130811.jpg

Múa Chăm dưới chân Tháp Nhạn (TP Tuy Hòa) phục vụ du khách - Ảnh: T.QUỚI

Với vị trí địa lý tương đối thuận lợi (trung tâm miền Trung và cửa ngõ ra biển Đông của Tây Nguyên), cùng với tiềm năng du lịch rất lớn với những cảnh quan độc đáo cùng với sự định hướng của tỉnh, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, tôi nghĩ đây là những điều kiện cần thiết để kỳ vọng Phú Yên trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thân thiện trong thời gian không xa.

 

* Ông có những khuyến nghị gì đối với tỉnh Phú Yên trong vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản?

 

- Phát triển du lịch và bảo tồn giá trị di sản văn hóa có mối quan hệ rất mật thiết. Bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa sẽ là nguồn tài nguyên quý để phát triển, thu hút khách du lịch. Ngược lại, du lịch được phát triển mạnh sẽ là nguồn lực đáng kể trong việc phát huy, quảng bá giá trị di sản văn hóa đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế, từ đó có thêm nguồn lực tái đầu tư cho công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích. Các di tích văn hóa khi được công nhận tầm quốc gia, cao hơn là của nhân loại thì giá trị của nó mang lại rất lớn. Tôi nghĩ, Phú Yên đã chọn du lịch là ngành kinh tế phấn đấu trở thành mũi nhọn thì càng phải có sự đầu tư mạnh hơn cho việc bảo tồn di sản văn hóa, bằng nhiều nguồn lực: Ngân sách tỉnh, tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, xã hội hóa các nguồn lực tài chính hợp pháp, các tổ chức phi chính phủ… cùng chung tay, góp sức.

 

* Trong nhiều kiến nghị của các địa phương nói chung trong đó có Phú Yên thì nguồn ngân sách Trung ương đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa còn thấp nên khó có thể yêu cầu làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa, một công việc hết sức tốn kém. Ông nghĩ như thế nào về điều này?

 

- Đây là khó khăn chung của đất nước trong tình hình hiện nay, Quốc hội đã rất cân nhắc khi chọn và phân bổ kinh phí cho các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm. Bởi vậy, như tôi đã nói, các địa phương cần chủ động đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội có thể. Với trách nhiệm là Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, tôi sẽ tiếp tục có kiến nghị lên Quốc hội xem xét vấn đề này.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

TRẦN QUỚI (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek