6 tháng đầu năm 2013, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do kinh tế thế giới và trong nước chậm phục hồi nên tăng trưởng chậm. Tuy vậy, một số ngành sản xuất cũng đã đạt kết quả khả quan.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở KCN Hòa Hiệp, Đông Hòa - Ảnh: N.XUÂN
NỖ LỰC DUY TRÌ SẢN XUẤT
Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho theo các nghị quyết 01/NQ-CP, 02/NQ/CP... đã giúp cho một số lĩnh vực sản xuất ổn định sản xuất kinh doanh. Trong đó, ngành may mặc xuất khẩu có những tín hiệu tích cực và hoạt động ổn định, trong những tháng đầu năm. Các doanh nghiệp tích cực khai thác, tìm kiếm được thị trường tiêu thụ mới, có nhiều đơn hàng lớn, ổn định, đảm bảo việc làm cho hàng nghìn lao động. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng ngành may mặc xuất khẩu đạt hơn 3,3 triệu sản phẩm, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2012. Ông Bùi Xuân Khương, Phó giám đốc Công ty cổ phần An Hưng cho biết: Ngay từ đầu năm, công ty đã nhận được rất nhiều đơn hàng mới, một số đơn hàng lớn với khoảng 500.000 sản phẩm; đảm bảo sản xuất ổn định đến quý 3/2013. Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu của đơn vị đạt 48 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012. Đến thời điểm này, có thể nói ngành may mặc xuất khẩu đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.
Thời gian qua, ngành chế biến đường mặc dù liên tục gặp bất ổn nhiều do thị trường tiêu thụ không ổn định, giá giảm mạnh nhưng các doanh nghiệp vẫn duy trì được sản xuất. Các nhà máy đã tổ chức tốt công tác thu mua nguyên liệu với giá cả hợp lý; tích cực phát huy hết công suất để đảm bảo thu mua nguyên liệu của người nông dân. Đến thời điểm này, sản lượng đường chế biến toàn tỉnh đạt 110.039 tấn, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2012. Ông Nguyễn Xuân Tiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa cho biết, vụ mía năm nay, nhà máy và người nông dân đều gặp khó khăn do đường rớt giá, lượng hàng tồn kho lớn đã gây sức ép không nhỏ đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đơn vị vẫn thu mua hết mía và điều chỉnh giá thu mua nguyên liệu vào cuối vụ để chia sẻ khó khăn với nông dân. Đến nay, nhà máy đã ép được 250.000 tấn mía, sản xuất 23.000 tấn đường, tăng 10% so với cùng kỳ 2012. Đến nay, đơn vị đã tiêu thụ được 18.000 tấn đường với giá bình quân 13.500 đồng/kg.
Sau một thời gian dài khó khăn, ngành sản xuất bia và nước giải khát cũng được đơn vị đầu mối giao chỉ tiêu kế hoạch tăng so với năm 2012. Các nhà máy đã tích cực đẩy mạnh sản xuất; thay đổi kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm; tăng cường công tác quảng bá sản phẩm nên sức tiêu thụ tăng so với những năm trước. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng bia các loại đạt 11,5 triệu lít, tăng 11,5%; sản lượng nước giải khát đạt 2,4 triệu lít, tăng 3,1% so với cùng kỳ 2012. Mặc dù mức tăng trưởng chưa cao nhưng đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành sản xuất bia và nước giải khát.
6 tháng đầu năm, ngành may xuất khẩu tăng trưởng tốt - Ảnh: N.XUÂN
KHÓ KHĂN CÒN NHIỀU
Bên cạnh những ngành sản xuất hoạt động ổn định vẫn có ngành còn gặp khó khăn do tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều, giá cả bấp bênh như nhân hạt điều giảm 39,4%; xi măng giảm 18,2%; phân bón các loại giảm 23,3%; chế biến thủy sản giảm gần 5,7% dẫn đến kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2013 của tỉnh đạt 45,6 triệu USD; giảm hơn 23% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lĩnh vực công nghiệp khai khoáng sụt giảm hẳn, chỉ bằng 98,5% so cùng kỳ năm trước. Đây là những nguyên nhân làm cho chỉ số phát triển công nghiệp của Phú Yên trong 6 tháng qua chỉ tăng 6,2% so cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2012 tăng 13,2% so cùng kỳ năm 2011).
Ông Hoàng Trọng Trọng, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong điều kiện nền kinh tế cả nước vô cùng khó khăn thì những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là cố gắng lớn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm, Sở Công thương đã tích cực thực hiện các chương trình hành động của UBND tỉnh và Bộ Công thương về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu cho doanh nghiệp. Qua đó, Sở Công thương đã kiến nghị với các ngành liên quan về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết nợ xấu của các doanh nghiệp chế biến nhân hạt điều; hỗ trợ phát triển thị trường; giải quyết nợ xấu cho các doanh nghiệp... Tuy nhiên, đến nay nhiều khó khăn của các doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết do tình hình chung của cả nước còn đang rất khó khăn; một số sản phẩm chủ đạo của tỉnh như nhân hạt điều xuất khẩu, chế biến thủy sản, đường kết tinh vẫn gặp khó khăn về giá cả, thị trường tiêu thụ, nguồn vốn lưu động... Do vậy, từ nay đến cuối năm, Sở Công thương sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh; hỗ trợ phát triển thị trường; bám sát những chính sách mới để chủ động phối hợp với các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp được hưởng các chính sách của Nhà nước nhằm duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
6 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội (GDP) của Phú Yên ước tăng 8,6% (kế hoạch năm 2013 là 12,5%); trong đó nông - lâm - thủy sản tăng 8,3% (KH là 4,1%), công nghiệp và xây dựng tăng 6,9% (KH là 14,2%), dịch vụ tăng 10,5% (KH là 14,5%); giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.795,2 tỉ đồng, tăng 7,9% cùng kỳ. (Nguồn UBND tỉnh) |
NGÔ XUÂN