Ở rể - khó hay dễ?

Ở rể - khó hay dễ?

Dân gian có câu: “Thuyền theo lái, gái theo chồng”- người con gái khi lấy chồng thì đương nhiên phải làm dâu. Vì thế, việc người con trai cưới vợ rồi ở rể xem ra không được thuận lắm theo cách nhìn nhận của những người bảo thủ. Còn người trong cuộc cũng có những nỗi niềm.

Dân gian có câu: “Thuyền theo lái, gái theo chồng”- người con gái khi lấy chồng thì đương nhiên phải làm dâu. Vì thế, việc người con trai  cưới vợ rồi ở rể xem ra không được thuận lắm theo cách nhìn nhận của những người bảo thủ. Còn  người trong cuộc cũng có những nỗi niềm.

Tôi có một cậu bạn tên Vũ học chung hồi phổ thông. Dạo trước nghe tụi bạn trong lớp kháo nhau Vũ chuẩn bị cưới vợ. Vậy mà gần nửa năm nay chẳng thấy Vũ đả động gì đến chuyện cưới xin. Mới đây, tình cờ gặp lại Vũ, tôi mới biết nguyên nhân  chuyện hôn nhân “tiến thoái lưỡng nan”. Vũ nói: “Mình quen cô ấy hơn 2 năm nay. Cô ấy là người mà mình có thể gắn bó suốt đời. Sau một thời gian tìm hiểu, tụi mình quyết định tiến tới hôn nhân. Nhưng vì cô ấy là con một trong gia đình, nên ba mẹ cô ấy muốn mình ở rể sau khi cưới. Mình rất bất ngờ trước đề nghị này, do chưa bao giờ nghĩ sẽ sống cùng gia đình bên vợ. Gia đình mình tuy đông anh em, nhưng điều kiện sống rất thoải mái. Mình lại là con trưởng, ba mẹ mình luôn mong muốn có một nàng dâu để vui vầy chăm sóc tuổi già. Sau khi suy nghĩ, mình quyết định từ chối thiện ý mà bên gia đình cô ấy đưa ra. Ba mẹ cô ấy rất không hài lòng. Vì thế mà chuyện hôn nhân của tụi mình đã “bị treo” hơn 4 tháng nay.

Từ lâu, câu nói của dân gian: “Thà ở chuồng heo còn hơn theo quê vợ” đã như sự tự kỷ ám thị vào những chàng trai có tính tự tôn cao ngất. Một số chàng bảo rằng, theo quê vợ là đánh mất vị thế và bản lĩnh đàn ông. Họ nói: “Dù cho mình có cố gắng làm tốt vai trò người chủ tài chính trong gia đình, nhưng sống bên vợ vẫn không tránh khỏi lời ra, tiếng vào của mọi người và bản thân cũng không thực sự thoải mái”.  Song không phải ai cũng bảo thủ như vậy. Anh Nguyễn Tiến Vũ, một giáo viên ở huyện Tây Hòa bày tỏ: “Ở rể hay ở nhà mình không quan trọng. Ở rể mà vừa đảm bảo được những điều kiện thuận lợi cho gia đình nhỏ của mình, vừa giải quyết các mối quan hệ ổn thỏa, thì tại sao phải lắc đầu? Nếu nói không thì hãy chứng minh cách khác tốt hơn đi!”.

Không ít chàng ban đầu đã phản đối kịch liệt chuyện “theo quê vợ” khi nhạc phụ và nhạc mẫu đưa ra thiện ý. Nhưng khi khó khăn bủa vây tứ phía mới thấy mình sĩ diện hão! Lưu Minh Cường, 32 tuổi, một kỹ sư tin học ở TP Tuy Hòa tâm sự: “Nhà tôi có hai anh em. Em gái tôi kết hôn trước và đưa chồng về sống chung cùng gia đình, vì em rể tôi quê ở huyện Sông Hinh. Đến khi tôi lập gia đình, vợ chồng em gái tôi tính thuê nhà riêng, nhưng điều kiện kinh tế lại rất khó khăn. Sau khi biết hoàn cảnh gia đình nhà chồng, vợ tôi đã đề cập đến chuyện về bên nhà cô ấy sống. Nhưng vì tính sĩ diện đàn ông, tôi đã từ chối và thuê nhà ở ngoài. Khi có con, cuộc sống càng bận rộn khiến chúng tôi quay như chong chóng. Ba mẹ vợ tôi thuyết phục chúng tôi về ở cùng để đỡ đần chuyện con cháu. Vì thương  vợ con mà tôi chuyển về ở, trong khi tâm trạng không mấy thoải mái. Nhưng rồi chính tình yêu thương, sự khoan dung của ba mẹ vợ đã làm tôi cảm thấy ấm áp, dễ chịu như sống trong nhà mình. Bây giờ theo tôi, điều quan trọng là phải biết sống như thế nào cho thuận hòa êm ấm, còn chuyện sống ở đâu không quan trọng, miễn là điều kiện sống thuận lợi, bản thân mình thấy dễ chịu, thoải mái là được”.

Người ta thường nói: Nếu bạn tin tưởng và yêu thật lòng một ai đó, tình yêu sẽ giúp bạn vượt qua nhiều trở ngại. Theo tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn: Để gia đình bền vững, thì bí quyết là tình yêu thương, sự quan tâm, chia ngọt sẻ bùi giữa các thành viên trong gia đình. Vì thế, hãy nỗ lực hết sức để vun đắp mối quan hệ mà mình đã có trách nhiệm dựng xây. Bạn hãy dẹp bỏ lòng hẹp hòi, ích kỷ, hãy học cách yêu thương, hi sinh, tha thứ và thông cảm nhau. Nếu bạn làm điều đó thì những vướng mắc trong cuộc sống hôn nhân của hai người như chuyện ở rể chỉ còn là thứ yếu.

THỦY VĂN

Từ khóa:

Ý kiến của bạn