Bài học làm vợ

Bài học làm vợ

Mỗi khi mẹ con có dịp gặp nhau chuyện trò, mẹ chị thường nói: “Coi chừng già néo đứt dây!”. Chị biết mẹ chị nói thế vì cho rằng chị lấn lướt, tước bỏ những đặc quyền của người đàn ông trong gia đình của chồng chị.

Mỗi khi mẹ con có dịp gặp nhau chuyện trò, mẹ chị thường nói: “Coi chừng già néo đứt dây!”. Chị biết mẹ chị nói thế vì cho rằng chị lấn lướt, tước bỏ những đặc quyền của người đàn ông trong gia đình của chồng chị. Thấy mẹ tỏ ý bênh con rể, chị biểu lộ khó chịu nên mẹ thường nói vớt như vậy. Theo chị, chị là người phụ nữ độc lập, thành đạt, có địa vị xã hội, giỏi giang trong làm ăn kinh tế thì quyết đoán tất cả các mặt sinh hoạt trong gia đình là lẽ đương nhiên. Ai nắm kinh tế người đó nắm quyền chỉ huy, chị không chấp nhận sự bất phục tùng với mình. Đáp lại, chị đáp ứng mọi nhu cầu chi tiêu cho gia đình. Chồng chị cũng đã nhiều lần phàn nàn thì với lợi thế của một phụ nữ được chồng yêu, chị “cấm vận” khiến anh phải nhượng bộ.

hanh-phuc111004.jpg

Người vợ có vai trò rất quan trọng trong giữ gìn hạnh phúc gia đình (ảnh minh họa)

Thế mà bỗng dưng vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, sau buổi tọa đàm ở cơ quan, chị mang niềm vui được biểu dương khen ngợi về khoe với gia đình. Anh ngồi im lặng nghe chị thao thao về vai trò của người phụ nữ của thế kỷ XXI, về bình đẳng giới... Bất ngờ anh cắt ngang lời chị với thái độ quyết liệt: “Tôi thấy cô lạc lõng với vai trò của người phụ nữ của thế kỷ XXI, với bình đẳng giới hơn là hòa nhập vào đó. Tôi chán làm bình phong cho cô lắm rồi! Tôi là con người chứ không phải chiếc bóng! Tôi cần một người vợ chứ không cần người bảo hộ! Cô nhớ cho đất có màu mỡ, cây mới sum suê. Cô quá tự phụ mà xem thường mọi người”... Anh lồng lên như con ngựa bất kham làm chị sững sờ, hụt hẫng... Những ngày sau đó, chị áp dụng theo lối cũ cũng như thực hiện những mánh khóe trói buộc chồng mà chị đã góp nhặt được trong trường đời nhưng đều không có tác dụng với anh. Chị đau khổ, phẫn uất khi cảm nhận được anh đã lạnh lùng xa lánh chị.

Khi con người bị hụt hẫng trong cuộc sống thì mẹ là chỗ dựa tinh thần, là nguồn an ủi. Chị mang tâm sự về với mẹ. Mẹ chị nói: “Mẹ đã cảnh báo mà con đâu chịu nghe. Người đàn ông mạnh về cơ bắp nhưng trái tim kém sức chịu đựng. Đến một giới hạn nào đó, họ sẽ nổi loạn. Con đã quá lạm dụng sức chịu đựng của chồng con. Không có mẫu số chung nào cho phụ nữ chúng ta trong gìn giữ hạnh phúc gia đình. Chuyện vợ chồng con chỉ con mới biết làm cách nào. Con hãy tự xét lại mình và xem chồng con thích gì, ghét gì, để biết phải sống như thế nào; để với chồng con, con là người đàn bà duy nhất của nó; để chồng con dù có đi bao nẻo đường cũng canh cánh nhớ ngõ nhà mình; để chữ tình chữ nghĩa của con luôn thường trực trong lòng nó, giúp nó đứng vững khỏi sa ngã. Bởi khi người đàn ông bị cám dỗ về vật chất thì con còn rứt ra được chứ sa ngã vào chữ tình chữ nghĩa với ai khác thì con đã kém hoặc không còn giá trị với nó. Mẹ mong nó chưa lụy vì ai khác ngoài con. Con nhớ rằng con có giỏi giang đến đâu con cũng là một phụ nữ đang có chồng, là một người vợ. Chồng con nó có thể tự hào với mọi người rằng con xinh đẹp giỏi giang, nhưng nó sẽ thật sự hạnh phúc khi con đúng là người vợ như nó mong muốn. Khi ấy, con và những đứa con là tất cả với nó! Con còn muốn biểu lộ quyền hành với chồng hay muốn được nó tự nguyện cho con nắm giữ sự vui buồn của nó?”.

Những lời mẹ nói trước đây chị không để tâm, nhưng bây giờ khi lo sợ hạnh phúc sắp tuột khỏi tầm tay chị mới thấm thía. Chị đã có tất cả nhưng tất cả ấy có thế được anh? Trên đường về nhà, chị hoạch định cho mình một cách sống mới với anh. Dù lòng còn nặng nề nhưng ý tưởng mới mẻ làm chị cảm thấy như nhập thân vào một người khác để thấy tự tin. Gần đến nhà, chị thấy anh chạy xe ngang qua ngõ mà không nhìn vào nhà. Nhưng anh đã ríu xe từ từ, ngoái nhìn, rồi quay xe lại... Chị nói thầm: “Vào ngõ nhà mình! Vào nhà đi anh!”.

Lòng chị nôn nao một cảm giác khó tả khi anh cua xe vào ngõ...

TRẦN XUÂN THỤY

Từ khóa:

Ý kiến của bạn